Hun đúc tình yêu với võ cổ truyền

VHO- Là một trong 6 võ đường nổi tiếng của tỉnh Bình Định và cũng là một trong những nghệ nhân ưu tú tâm huyết với võ cổ truyền, Đại võ sư Lê Văn Cảnh (76 tuổi) cùng võ đường của mình (xã Nhơn Hưng, TX An Nhơn) luôn đi đầu trong phong trào tập luyện cho giới trẻ cũng như gìn giữ, bảo tồn tinh hoa võ thuật dân tộc...

Hun đúc tình yêu với võ cổ truyền - Anh 1

 Nghệ nhân ưu tú, võ sư Lê Xuân Cảnh tận tình truyền dạy, uốn nắn cho các môn sinh

Nhớ lại những năm tháng tìm sư học võ, võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ: “Tầm 15 tuổi, tôi tìm đến cố lão sư Lý Tường để học quyền. Càng học, tôi càng thấy võ cổ truyền Bình Định độc đáo và tinh túy đến chừng nào. Sau đó, tôi lại đến xin làm đệ tử thầy Phạm Thế Giáo (An Nhơn), rồi thầy Nguyễn Bửu Thắng ở chùa Quang Hoa (Tuy Phước) để học đi các đường roi. Thời gian dài rong ruổi tầm sư học võ đã làm cho tôi hun đúc thêm tình yêu với võ cổ truyền. Đến năm 1975, tôi quyết định mở võ đường lấy tên Lê Xuân Cảnh”.

45 năm qua, võ sư Lê Xuân Cảnh không chỉ dành trọn cả tuổi thanh xuân cho tinh hoa võ Việt, mà còn là người thầy miệt mài dạy miễn phí cho hàng trăm thế hệ môn sinh. Với ông, người học võ trước hết phải học lễ nghĩa, sau mới đến học võ. Đấy là cách để ông trau dồi đạo đức cho các học trò, giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo. Nói về chuyện dạy võ miễn phí, võ sư Lê Xuân Cảnh bộc bạch: “Võ cổ truyền là học cả đời, nếu thu học phí thì tiền đâu môn sinh theo học. Võ đường quanh năm luôn có môn sinh tập luyện, khi nào có phong trào lễ hội là có đủ lực lượng tham gia. Muốn cho võ cổ truyền Bình Định phát triển, thì các ban, ngành của tỉnh cần hỗ trợ thêm cơ sở như nhà tiền chế, sân bãi, dụng cụ binh khí luyện tập cho các võ đường”.

Đã gần 20 năm theo học võ cổ truyền tại Võ đường Lê Xuân Cảnh, võ sinh Trần Thanh Thông thổ lộ: “Thầy Cảnh đã làm được việc mà nhiều võ đường không làm được, đấy là dạy võ miễn phí. Hai chục năm qua, tôi đã học được nhiều điều tốt đẹp từ thầy. Học võ không phải để thi đấu đối kháng, mà để nâng cao sức khỏe, học nhân cách làm người và điều đặc biệt là để bảo tồn, giữ gìn võ cổ truyền dân tộc”.

Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định chia sẻ: “Tuy Đại võ sư Lê Văn Cảnh tuổi đã cao nhưng vẫn luôn tâm huyết với nghề, thầy thường xuyên mở các lớp dạy võ, đặc biệt là trong dịp hè. Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của võ đường để bảo tồn võ cổ truyền Bình Đình, đồng thời quảng bá, phục vụ tốt hơn cho công tác thu hút du khách, phát triển du lịch của địa phương”. 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc