Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xây dựng Ca Huế thành sản phẩm du lịch văn hóa: Để Ca Huế không bị “hạ giá”

Thứ Hai 28/09/2020 | 11:21 GMT+7

VHO-  Ca Huế, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được nhận định là nguồn “tài sản” vô giá nhưng đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và chưa được phát huy giá trị đúng mực. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025”.

 Một chương trình biểu diễn Ca Huế trên sông Hương

 Song song với đề án này, tỉnh cũng đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ Ca Huế để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Mở rộng không gian biểu diễn

Ca Huế đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc từ hàng chục năm nay, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc biểu diễn ca Huế trên sông Hương đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, cần sớm được chấn chỉnh. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá các xuất diễn, chương trình bị cắt xén, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định và cấp phép… dẫn đến chất lượng nghệ thuật giảm sút, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm du lịch.

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng nhận định, tình trạng “bát nháo” Ca Huế trên sông Hương đến từ nhiều phía. Trước hết, nhiều chủ thuyền đã tự đứng ra tổ chức xuất diễn, và để cạnh tranh nhau, họ hạ giá, mời các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ “một bài” diễn để trả thù lao ít hơn. Thậm chí, có người còn đưa con, cháu của mình “chen” vào biểu diễn những bài hát trữ tình về Huế. Việc tổ chức này đã làm cho nghệ thuật Ca Huế bị “bán rẻ”, gây hiểu nhầm cho du khách và “buồn lòng” người am hiểu nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi cũng quay lưng với việc biểu diễn trên sông Hương.

“Ca Huế là di sản, phải khai thác bài bản, tổ chức chuyên nghiệp thì mới thực sự được phát huy và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Bây giờ, nhiều MC khi giới thiệu về chương trình biểu diễn Ca Huế trên sông Hương còn không thực sự hiểu rõ Ca Huế thì làm sao quảng bá được rộng rãi loại hình nghệ thuật di sản này”, nhà thơ Võ Quê trăn trở.

Theo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 11 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tổ chức biểu diễn Ca Huế. Các đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được phép đăng ký kinh doanh, tổ chức biểu diễn Ca Huế theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chưa chuyên nghiệp nên chưa phát huy được những giá trị của di sản Ca Huế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025” của tỉnh Thừa Thiên Huế lần này, ngoài chấn chỉnh và nâng cao chất lượng Ca Huế trên sông Hương, địa phương cũng cần có kế hoạch mở rộng không gian biểu diễn Ca Huế. Tùy từng tính cách và sở thích của các du khách để họ có những chọn lựa thưởng thức ở không gian biểu diễn thích hợp. Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VHTT cho biết: “Sở đang đề xuất hình thành một số không gian Ca Huế thính phòng trên địa bàn như: không gian tại khu đất số 148 Bùi Thị Xuân (TP Huế); Cổ nhạc Từ đường; di tích Châu Hương Viên (tư gia cụ Ưng Bình, một hoàng thân nhà Nguyễn và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến)...

 Biểu diễn Ca Huế thính phòng tại trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 450 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn Ca Huế. Đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân ngày càng tăng với 4 nghệ sĩ nhân dân, 4 nghệ nhân nhân dân, 35 nghệ sĩ ưu tú, 15 nghệ nhân ưu tú; phần lớn trong số đó có hoạt động liên quan đến nghệ thuật Ca Huế. Đây là một lợi thế lớn cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của lĩnh vực nghệ thuật này. “Số lượng các diễn viên và nhạc công hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng đề án. Lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ được đào tạo, bổ sung hằng năm, đang sinh hoạt chủ yếu tại các CLB Ca Huế: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và tham gia biểu diễn cho 11 doanh nghiệp có tổ chức dịch vụ biểu diễn Ca Huế. Ngoài ra, còn có nhiều CLB Ca Huế hiện đang sinh hoạt tại một số tỉnh thành phố khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Bình...”, ông Nguyễn Thiên Bình thông tin.

Ngoài Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đang tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành Ca Huế, nhạc công truyền thống Huế thì Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VHTTDL) cũng có bộ môn Đàn và hát Ca Huế, thuộc khoa Âm nhạc di sản. Đây là hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, bài bản và đóng góp nhiều thế hệ nghệ sĩ Ca Huế tài danh.

Sở VHTT tỉnh cho biết, tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, việc đào tạo chất lượng “nguồn” cho Ca Huế không chỉ dừng lại ở phát triển kỹ năng chuyên môn về nghệ thuật mà sẽ bổ sung thêm các chương trình, môn học rèn luyện kỹ năng phục vụ khách du lịch cho học sinh, sinh viên.

Cuối tháng 8 vừa qua, nghệ nhân nhân dân Thanh Hương, một “cây đa” của nghệ thuật Ca Huế đã qua đời. Số lượng các nghệ sĩ, nghệ nhân nắm rõ các bài bản nổi tiếng của Ca Huế cứ dần vơi đi. Hiện chỉ còn một số ít các nghệ sĩ “gạo cội” nắm được nhiều bài bản Ca Huế như: Thanh Tâm, Kim Vàng, Kim Liên, Thu Hằng... Theo nhà thơ Võ Quê, ngoài việc được đào tạo ở các nhà trường, các nghệ sĩ trẻ muốn gắn bó với Ca Huế cần học hỏi thêm qua phương pháp truyền khẩu ở các tên tuổi “gạo cội” này. 

  Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025” với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng biểu diễn Ca Huế, đặc biệt là Ca Huế trên sông Hương; xây dựng và phát triển thương hiệu nghệ thuật Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Đề án gắn xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tạo cơ sở, tiền đề để đưa Ca Huế trở thành kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại...

 

SƠN THÙy

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top