Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Huyện Bá Thước vươn mình thoát nghèo - Bài 1: Khi con bò là đầu cơ nghiệp

Thứ Sáu 28/08/2020 | 21:26 GMT+7

VHO- Cách đây vài tháng, có dịp đến với huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi được chứng kiến cảnh cười nói rộn ràng, tiếng gọi nhau í ới, đông vui như chợ phiên buổi sáng sớm. Hỏi ra mới biết bà con đi nhận bò để tìm cơ hội thoát nghèo. Thảo nào những gương mặt háo hức, chờ đợi, không thôi bàn tán, trò chuyện và cả những người hàng xóm cũng có mặt để chung niềm vui với họ.

Mong trời nhanh sáng để đi nhận bò

Sáng sớm hôm ấy, chị Trương Thị Tiến  (29 tuổi, thôn Dầu Cả, xã Lương Ngoại) đã cùng gia đình có mặt tại sân vận động của huyện Bá Thước để nhận bò, cả đêm hôm trước sau khi nhận tin chị đã không ngủ được vì hồi hộp, mong trời nhanh sáng để đi nhận bò. Không mừng sao được khi gần 3 năm trong diện hộ nghèo, ao ước mãi, cuối cùng gia đình chị Tiến đã có trong danh sách được cấp bò giống để phát triển công cụ sản xuất.

Chị Trương Thị Tiến mừng vui khi được nhận bò. Ảnh: Q.Hoa

Gia đình chị Tiến có 4 người, chị chủ yếu ở nhà làm 1 sào ruộng, chồng chị làm thợ xây nhưng không ổn định, ngày nào có việc thì kiếm được 150.000 đồng, không đủ nuôi ba mẹ con (con lớn 4 tuổi và nhỏ 1 tuổi). Mỗi lần thấy hàng xóm xung quanh được nhận bò để thoát nghèo, rồi từng lứa bê con ra đời, đàn bò ngày càng đông đúc nên chị Tiến vừa cảm thấy tủi thân, vừa mơ ước được nhận bò như thế. Rồi điều đó cũng thành sự thật và chị không giấu nổi niềm vui khi Phó Chủ tịch xã thông báo gia đình chị được nhận bò giống trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo của một doanh nghiệp. Mừng đấy, nhưng cũng lo đấy, làm sao chăm sóc bò cho khỏe, không bị ốm…

Thế là chị Tiến cùng các hộ nhận bò tích cực tham gia lớp học chăm sóc bò, học cả những hộ xung quanh, lúc bò ốm thì phải làm thế nào, làm sẵn chuồng che chắn cẩn thận để tránh rét cho bò… “Trước nhà có mảnh vườn, tôi đã trồng nửa sào cỏ, lên xanh tốt lắm. Giờ chỉ chờ nhận bò về là cắt cho nó ăn. Tôi mong bò lớn nhanh, sinh ra một đàn bê mới, để nhiều nhiều mới bán, có tiền rồi cho con ăn học đến nơi đến chốn”, chị Tiến cười vui.

Đại diện các hộ dân nhận bò, anh Phạm Văn Thuận (sinh năm 981, thôn Vèn, xã Ái Thượng) bày tỏ sự biết ơn đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các nhà tài trợ. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ, động viên họ tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đồng thời, các hộ dân cũng phải cố gắng, chớp thời cơ để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Bá Thước là một trong bảy huyện miền núi nghèo ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng những năm gần đây, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, tận dụng sự hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp cùng với phát huy nội lực nhằm giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững. Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bá Thước cho biết, trong những năm qua huyện Bá Thước đã được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh; cùng với sự cố gắng vượt bậc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện từ đó kinh tế xã hội huyện nhà đã có bước phát triển đáng kể đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của các xã trong huyện. Trong đó,  hỗ trợ bà con 4.042 giống trâu, bò cái sinh sản giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi. Tổng số hộ được hỗ trợ là 8.190 hộ, với tổng kinh phí là 38.487,53  triệu đồng. Những năm đầu thực hiện, huyện còn khó khăn, sự hỗ trợ chưa nhiều thì 4 hộ chung 1 con, sau đó giảm 2 hộ chung 1 con và từ năm 2012 là thực hiện 1 hộ 1 con.

“Chính sách này đã hỗ trợ được cho nhiều hộ dân có trâu, bò, có phương tiện sản xuất, phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, đàn trâu, bò giống được hỗ trợ phát triển tốt hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nghèo, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của các hộ dân. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Bá Thước từ 50,14% năm 2010 xuống chỉ còn 7,26% hộ nghèo vào năm 2019 (theo tiêu chí mới). Đây chính là cơ sở để huyện Bá Thước đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo”, ông Võ Minh Khoa đánh giá.

Giảm nghèo bền vững

Để có sự đổi thay ngày hôm nay của Bá Thước, theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, "các chính sách hỗ trợ đều có sự giám sát và theo dõi chặt sẽ, khi bà con gặp vướng mắc chúng tôi sẽ kịp thời giúp đỡ. Chẳng hạn,  các cán bộ thú y sẽ hướng dẫn bà con đốt lửa tránh rét cho bò, tiêm vắc in, phòng dịch bệnh. Nếu hộ dân nào mà bò bị chết, cán bộ chuyên trách sẽ xem xét, đánh giá nguyên nhân chết là khách quan hay chủ quan, do thiên tai, dịch bệnh, hay ngã, ốm mà không cứu được…".

Anh Cao Văn Hải hằng ngày tự tay chăm sóc bò 

“Nếu là nguyên nhân chủ quan hay một số hộ tự động bán bò, chúng tôi sẽ yêu cầu mua lại. Theo thống kê năm 2015, doanh nghiệp Viettel hỗ trợ 318 bò giống cho 318 hộ, số bò bị thiếu hụt so với ban đầu là 74 con, thì bị chết do khách quan là 8 con, còn 66 con bị người dân bán đi và chúng tôi 66 hộ này phải tự mua lại. Số bê sinh ra là 265 con giúp 223 hộ thoát nghèo.  Năm 2017, doanh nghiệp cũng hỗ trợ 230 bò giống cho 230 hộ nghèo, người dân bán 45 con bò, nhưng đã mua lại 42 con, còn 4 con bị chết; số bê sinh ra là 108 con, giúp 159 hộ thoát nghèo...”, ông Tâm nói.

Để dẫn chứng, ông Nguyễn Văn Tâm dẫn chúng tôi tới gia đình anh Cao Văn Hải (sinh năm 1974, thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống) khi anh đang nhóm lửa sưởi ấm cho đàn bò.  Đàn bò của anh sắp có 5 con sau khi nhận bò giống đầu tiên vào năm 2015, đến năm 2016 và 2017 đẻ thêm hai con; chỉ vài tháng nữa là hai trong ba con này sẽ đẻ thêm hai con nữa. “Lúc mới sinh hai bê con, có người đã trả tôi 18 triệu hai con, nhưng tôi nhất định không bán.  Nhà có con gà thì bán, ai thuê làm gì thì làm chứ tôi không bán bò đâu”, anh Hải chia sẻ. Anh Hải không nhớ gia đình nằm trong diện hộ nghèo từ bao giờ, nhưng đã lâu lắm rồi, sau ngày được nhận bò, rồi nhân đàn... Sáng sớm anh Hải dắt bò ra ngoài bãi ăn lá cây, sau đó về nhà lại cho ăn cỏ. Vào những đêm mùa đông, trời lạnh cắt da cắt thịt, anh quây chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho bò, nửa đêm anh Hải lại dậy xem bò có đủ ấm hoặc sợ lửa to làm cháy chuồng... Anh bảo, nuôi cho đàn bò nhiều con, sau này còn lấy vốn cho con ăn học, có điều kiện sửa nhà cửa…

Đàn bò  5 con óng mượt của gia đình anh Hạnh

Cách đó không xa, nhà anh Phạm Văn Hạnh (sinh năm 1986) cũng đang chăm sóc đàn bò 5 con bò cái, không tính 1 con đực đã bán đi. Nằm trong diện hộ nghèo 6 năm nhưng mãi tới năm 2015 gia đình anh mới được thoát nghèo và cũng bắt đầu bởi con bò giống được tặng. Ban đầu chỉ là chăm sóc bò, nhưng sau đó anh Hanh mạnh dạn vay mượn để mua máy làm dịch vụ xay sát, mua công nông để chở hàng hóa, giờ đây anh tiếp tục mua ô tô để kinh doanh dịch vụ chở khách. Cùng với nhiều nguồn lực hỗ trợ, ngôi nhà tranh lụp xụp, quanh năm thu nhập chỉ trông chờ từ làm ruộng đã được thay bằng ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng rãi, bên cạnh là đàn bò 5 con mập mạp, lông mượt óng. Những gia đình như anh Hải, anh Hạnh trở thành những tâm gương sáng, điển hình tiêu biểu và cũng là tấm gương, là động lực để các hộ nghèo của huyện Bá Thước phấn đấu, vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km, diện tích đất tự nhiên 77.502 ha. Đơn vị hành chính gồm 20 xã và 1 thị trấn, có 205 làng, khu phố, trong đó có 10 xã đặc biệt khó khăn (thuộc chương trình 135 của Chính phủ); có tổng dân số 109.985 người, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu với 3 dân tộc chính Mường, Thái, Kinh và một số ít dân tộc anh em khác cùng sinh sống.

 

 QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top