“Hết dịch mẹ sẽ về đón con trai nhé!”

VHO- Câu nói ứa nước mắt của Ths. Khúc Thị Rềnh Hoa, điều dưỡng của Khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) với con trai 6 tuổi đã lâu không thấy mẹ và hỏi: “Bao giờ mẹ mới về đón con?”. Hơn hai tuần qua mẹ con chị đã không được gặp nhau...

“Hết dịch mẹ sẽ về đón con trai nhé!” - Anh 1

Ths. Khúc Thị Rềnh Hoa

 

 Chị Hoa nghe tin Khoa nhận nhiệm vụ thực hiện 10.000 mẫu xét nghiệm PCR virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu của Bộ Y tế về việc sàng lọc bệnh Covid-19 đối với người từ Đà Nẵng về Hà Nội khi đang đi học. Bình thường làm xét nghiệm 200-400 mẫu cho bệnh nhi của Bệnh viện đã là quá lớn để trả trong vòng 5h nhưng giờ đây lên tới hơn 10.000 mẫu.

Cố lên mai chúng ta lại khỏe

Chị Hoa chia sẻ, những ngày đầu các anh chị em làm việc hăng hái, không biết mệt mỏi, nhiều khi làm đến 10h, 11h, 12h đêm. Các ngày sau thì các mẫu xét nghiệm bắt đầu dồn về từ 1.000-2.000 mẫu khiến anh em xoay như chong chóng. “Nhiều hôm anh chị em trong Khoa mệt đến nỗi không nói, không cười được nữa. Khoảng nửa đêm cả Khoa như rơi vào lặng thinh, rồi có người động viên “cố lên, mai chúng ta lại khỏe”. Quả nhiên sáng sau ai cũng thấy khỏe thật và lại bắt tay vào việc”, điều dưỡng Hoa chia sẻ.

Điều mà chị Hoa cũng như các anh chị em trong Khoa buồn nhất là không được gặp con. Cả tuần không gọi điện thoại được cho con vì khi công việc hòm hòm thì con đã ngủ từ lâu. Từ Tết đến giờ con chị Hoa ở quê với bà nhiều hơn là với bố mẹ. Khi bước vào đợt dịch này, chị cũng gửi con về quê Hưng Yên nhờ bà chăm sóc. Bé năm nay bước vào lớp 1, dấu mốc quan trọng của con nhưng vì công việc nên... Có hôm nửa đêm con gọi điện cho chị và khóc: “Con chờ mãi để gọi điện cho mẹ. Sao mẹ mãi không về với con?”. Chị giải thích, “mẹ còn phải đi chống dịch”. Con lại hỏi, khi nào mẹ chống dịch xong? “Khi nào hết Covid thì mẹ chống dịch xong. Hết Covid là món quà để mẹ đón con lên đi học. Thế là con lại vui vẻ đi ngủ, không khóc nữa”, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa cũng cho rằng, sự nỗ lực của mỗi người cũng là cho bản thân, cho gia đình mình, cho cộng đồng và con cái được đi học. Đây cũng là món quà lớn cho các con. Điều đáng nhớ nhất trong những ngày căng thẳng vừa qua, theo chị Hoa đó là tinh thần làm việc của tất cả nhân viên, sự động viên của Ban giám đốc và đồng nghiệp. Nói về nhân viên của mình, PGS. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau 2 tuần Bệnh viện đã thực hiện được hơn 10.000 mẫu xét nghiệm đúng yêu cầu tiến độ của TP Hà Nội. Mặc dù, năng lực của Bệnh viện chỉ đảm bảo thực hiện 500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, do tính cấp bách của việc xét nghiệm nên Bộ Y tế đã đề nghị tăng lượng mẫu và Bệnh viện đã mạnh dạn nhận 10.000 mẫu, tức là Khoa phải làm quá lên 100 -150% so với công suất, nhân lực và máy móc, thiết bị, vật tư.

“Hết dịch mẹ sẽ về đón con trai nhé!” - Anh 2

 … và các đồng nghiệp làm việc không biết ngày đêm để trả kết quả Ảnh: TRẦN THẢO

Cũng may không thì…

“Chúng tôi đã họp nhóm các đơn vị, khoa phòng liên quan để thông tin về việc hỗ trợ nhau nhằm đảm bảo công tác truy vết dịch Covid-19 tại cộng đồng cho Hà Nội. Trong quá trình đó, Bệnh viện vẫn phải thực hiện việc khám chữa bệnh cho các bệnh nhi khác và số mẫu xét nghiệm thường quy, cấp cứu vẫn phải thực hiện. Do vậy, dù biết các anh chị em Khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm vất vả nhưng chúng tôi đã xác định là nhiệm vụ để đảm bảo công tác sàng lọc nhanh chóng, giảm bớt nguy cơ cho cộng đồng nên đã động viên và tạo điều kiện hết sức, bố trí trang thiết bị, máy móc, nhân lực hỗ trợ, các suất ăn sẵn, đủ dinh dưỡng cho các anh chị em”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.

Theo TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa, với 11 người thực hiện hơn 10.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 cùng với 300-400 mẫu xét nghiệm của Bệnh viện và trả kết quả kịp thời là sự nỗ lực cố gắng và khẩn trương của các anh chị em. Những ngày đầu mọi người làm việc không biết đâu là ngày, là đêm, mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang 3M làm việc thông thời gian. Công việc xét nghiệm có phần xử lý mẫu ban đầu, tách triết, trộn mẫu và chạy PCR. Tuy nhiên, tại khoa có 4 máy hoạt động tối đa và còn thực hiện xét nghiệm cho các bệnh nhi nên phải sử dụng tiết kiệm để tránh hao tổn máy. Và các anh chị em nhân viên phải tách triết bằng tay, cứ mỗi 1,5 tiếng máy chạy được 88 mẫu/mẻ thì bằng tay được 96 mẫu, còn nhanh hơn máy.

Chị Thủy cũng cho biết thêm, nhân viên Khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm đa phần là nữ, trẻ tuổi nên con còn nhỏ. Về công việc đã vất vả, nhưng điều các chị em phải vượt qua là nỗi nhớ con. Có trường hợp, con chưa đầy 1 tuổi nhưng đã phải gửi bà ở Hải Dương đúng vùng cách ly nên khi công việc đã tạm ổn cũng không được gặp con. “Cũng may mắn là toàn bộ hơn 10.000 xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Nếu có mẫu dương tính thì không biết lượng mẫu sẽ nhiều lên như thế nào và dịch còn kéo dài nữa”, Trưởng khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm vui vẻ nói. 

 Việt Nam đã cán mốc 1 triệu xét nghiệm PCR

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ khi bùng nổ dịch Covid-19 đến 15h ngày 24.8 Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24.8 đã thực hiện 11.698 mẫu. Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4.2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.

Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày). L.DUY

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc