Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nghị lực phi thường ở những “trường học sau song sắt”

Thứ Tư 26/08/2020 | 11:29 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9; 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam (5.9.1945 - 5.9.2020); 75 năm ngày Bình dân học vụ (8.9.1945 - 8.9.2020), tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) sẽ khai mạc trưng bày mang tên Chắp cánh ước mơ, vào ngày 28.8.

 

 Trưng bày “Chắp cánh ước mơ”

Ký ức mùa khai trường, Biến nhà tù thành trường học cách mạng Xây đắp những ước mơ là kết cấu của cuộc trưng bày. Ngày 5.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Để diệt “giặc dốt”, ngày 8.9.1945, Người ban hành các sắc lệnh về phát triển Bình dân học vụ. Phong trào học tập diễn ra sôi nổi, sau 1 năm đã tổ chức được 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, cả dân tộc lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Vượt qua gian khó, nhiều trường lớp vẫn được mở ở Chiến khu Việt Bắc; vượt qua mưa bom hủy diệt, các thầy cô giáo vẫn say sưa giảng dạy cho học sinh ở nơi sơ tán.

Trung tâm của trưng bày là nội dung “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Từ những ngày đầu xâm lược, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách văn hóa lạc hậu để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Nhà tù được xây dựng nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt, giam cầm tại các nhà tù. Và điều đặc biệt là ngay trong chốn “địa ngục trần gian”, các lớp học đã được mở ra, đó là những “Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc...

Biến nhà tù thành trường học, những lớp học này đã trở thành nơi tôi luyện lý tưởng về nghị lực sống, chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Không gian trưng bày sẽ tái hiện những quãng thời gian không thể quên trong lịch sử dân tộc. Tại Nhà tù Hỏa Lò, các lớp học được mở ra sau những chấn song lạnh lẽo. Học trong bí mật, học trong thiếu thốn, nhưng tù nhân vẫn nhanh trí, sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt, là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo sôi nổi trong trại giam. Tài liệu giấu ở chân tường, thậm chí để trong hộp sắt, bọc nilon, dòng dây thả xuống thùng phân được kéo lên để phục vụ việc học.

 Những hình ảnh sẽ được trưng bày

Gọi là lớp học nhưng không bảng đen, không bàn ghế, không giấy, không vở. Các tù nhân dùng mặt trong của bao thuốc lá, bì thư làm giấy viết. Ngòi bút được làm từ nụ hoa ăngtigon nhặt trong sân nhà lao và được cất giấu một cách cẩn thận; quản bút làm bằng cành bàng; phấn là gạch non, than củi; bảng là nền xi măng...

Cùng với những lớp học sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò, ở nơi “rừng thiêng nước độc”, Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Nhưng chính tại nơi chết chóc này, các lớp học được Chi bộ nhà tù mở ra trong không khí sôi nổi và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả tù nhân. Việc học tập giúp trình độ của người tù được nâng cao, góp phần thắp sáng ngọn lửa đấu tranh nơi núi rừng Tây Bắc.

Một phần trưng bày cũng khiến người xem không thể ngăn rơi nước mắt, đó là những trường học giữa biển khơi. Tại nơi đảo xa nghìn trùng biệt lập, kẻ địch tưởng rằng có thể giết dần, giết mòn tù nhân bằng nhục hình, khổ sai, đói khát, bệnh tật..., nhưng với niềm tin mạnh mẽ, người chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn gian khổ để biến Côn Đảo thành “đại học đường”, thành vườn ươm của cách mạng. Ở hồi ký Trường học trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Thiệu đã viết: “Giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Còn một nguồn giấy nữa là “giấy vệ sinh”. Có lúc chúng tôi vờ đau kiết lỵ để được mua nhiều giấy. Còn cái khoản mực nho tìm được không phải dễ. Có khi nhắn người nhà gửi quần áo và quà bánh vào kèm theo một thoi mực, hoặc dát mỏng mực nhét vào tà áo, hoặc cắt mực ra thành từng viên nhỏ nhét vào ruột bánh. Lắm lúc thiếu nước, phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước giải mài mực ra, rồi lấy que vót nhọn làm bút để viết”.

Sống trong cảnh kìm kẹp, giữa bốn bề thép gai, những lớp học vẫn được tổ chức ở các phân khu Trại giam tù binh Phú Quốc (1967 - 1973). Trên sân cát, người thầy ngồi giữa, học trò vây quanh. Từ những lớp học này, các chủ trương, chỉ thị của Đảng bộ các phân khu được truyền đạt đến anh em. Hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, câu chuyện về những lớp học trên cát vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người tù Phú Quốc năm xưa. Bài thơ Từ trang sách cát đồng chí Nguyễn Quốc Việt viết tặng đồng chí Nguyễn Văn Chiển, tháng 11.1977, đã ghi lại những ký ức này: Lớp học mở ra trên mảnh sân tù/ Và trang sách mở ra trên cát/Đế dép xoa trên mặt cát/Mịn như trang giấy bây giờ/Thầy giáo là anh/ Chúng em là trò nhỏ/Cây bút anh cầm - một mẩu thép gai/ Chúng em ghi bài trên manh mụn vá…

Phần cuối của trưng bày: Xây đắp những ước mơ chuyển tải thông điệp tiếp thêm niềm khát khao và nỗ lực học tập suốt đời, góp phần lan tỏa trong cộng đồng những tấm lòng biết sẻ chia và giàu lòng nhân ái.

BẢO NGÂN; Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò cung cấp

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top