Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 2): Chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự

VHO- 20 năm sau thời điểm được khảo sát để xây dựng khu nghỉ dưỡng theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, tại điểm cao 400m trên núi Ba Vì xuất hiện ngôi biệt thự đầu tiên. Chủ nhân của nó là ông Marius Borel, một chủ đồn điền có thế lực tại Bắc Kỳ.

Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 2): Chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự - Anh 1

 Để chống lạnh, biệt thự trên núi Ba Vì luôn có lò sưởi

Tuy không phải là người mở màn lập đồn điền tại Sơn Tây nhưng ông Marius Borel lại nhanh chóng nổi lên và “qua mặt” người khởi xướng là ông Morice (chủ đồn điền đầu tiên trên đất Tùng Thiện, một huyện của tỉnh Sơn Tây cũ).

Sở hữu 13/31 đồn điền quanh núi Ba Vì

Đến năm 1940, Tùng Thiện có 31 đồn điền thì 13 trong số đó là của ông Marius Borel. Tổng diện tích đất đai mà Marius Borel sở hữu rộng đến 2.222,55 ha, trong đó đồn điền lớn nhất nằm ở làng Yên Cư rộng 450 ha. Các đồn điền còn lại là của 28 chủ người Pháp và 2 chủ người Việt Nam (ông Trần Văn Ký và bà Dương Thị Ái).

Theo một quan chức Pháp thời đó, cái mà người Âu tìm kiếm ở Việt Nam nói chung và Ba Vì nói riêng không chỉ để trồng cấy mà mỗi đồn điền còn là một cơ sở kinh doanh lớn. Ngoài mục đích kinh tế, các đồn điền còn có sứ mệnh chính trị và xã hội, đó là đưa các loại cây trồng mới vào để thu hút bớt dân cư ra khỏi các khu vực đồng bằng, đô thị. Qua đó, phục vụ cho mục đích cai trị lâu dài.

Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 2): Chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự - Anh 2

 Ông chủ đồn điền Marius Borel  Ảnh tư liệu

Trong các đồn điền của Marius Borel trồng hàng triệu cây cà phê, hàng ngàn con trâu, bò sữa, dê, cừu… Cà phê được nhân giống từ chính số cây mà nhà Thực vật học Balansa đã mang từ đảo Java về. So với các nơi khác tại Ba Vì, cà phê trồng tại đồn điền của Marius Borel có năng suất thu hoạch vượt trội. Cùng thời điểm năm 1921, đồn điền của ông Ellies Mathee trồng 750.000 gốc cà phê, thu hoạch được 80 tấn, còn các tô giới của Marius Borel có 410.000 gốc cà phê nhưng thu hoạch được tới 170 tấn. Đây là lý do khiến ông Francois Marius Baudoin, Toàn quyền Đông Dương quyết định có những can thiệp với Ngân hàng Đông Dương để ông Marius Borel được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trước đó, ông Marius Borel đã từng đến Ngân hàng Đông Dương vay tiền nhưng bị từ chối. Marius Borel tức giận tuyên bố sẽ dừng việc khai thác tại các tô giới của mình nếu thiếu vốn. Để hạ nhiệt cơn bức xúc của Marius Borel, ông René Robin, Tổng thư ký Đông Dương đã báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương và khẳng định việc trồng trọt, chăn nuôi tại các đồn điền là hai trong số những công việc làm ăn hấp dẫn nhất (về mặt nông nghiệp) của Thuộc địa. Sẽ rất đáng tiếc nếu không kịp thời giúp đỡ khiến công việc này sụp đổ. Ông René Robin nhấn mạnh: “Tôi tin Ngân hàng Đông Dương sẽ thấy được những lợi ích lâu dài khi giúp đỡ ông Marius Borel...”.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của Toàn quyền Đông Dương, công việc làm ăn của ông Marius Borel lên như diều gặp gió. Tuy nhiên, dù giàu có cỡ nào, Marius Borel vẫn mang trong mình bản chất của một ông chủ “keo kiệt”. Trong cuốn hồi ký của mình, Marius Borel nói về việc chỉ thuê nhân công là phụ nữ và trả công cho họ khá rẻ mạt: “Để thu hoạch cà phê chín, tôi sử dụng nhân công là đàn bà, vì họ có thể tới làm vào tất cả những ngày nông nhàn để kiếm vài ba xu cho gia đình. Tiền công trả căn cứ vào công việc và lượng cà phê hái được của từng người. Buổi tối, từ 4 đến 5 giờ, chúng tôi bắt đầu cân cà phê. Tôi cho làm hai cái cổng, một ra và một vào. Người cai bản xứ cho lần lượt từng cu li vào, họ đặt hai thúng cà phê lên bàn cân, tôi sẽ cân trực tiếp hoặc một người làm thay tôi làm việc này để cu li không thể gian dối được. Một người khác thì trả tiền cho họ. Trung bình mỗi thúng cà phê có trọng lượng từ 26 đến 30 kg được trả 15 xu”.

Sở hữu nhiều đồn điền lớn, Marius Borel vẫn tận dụng triệt để các hình thức tận thu để vơ vét như áp dụng hình thức phát canh thu tô như địa chủ để bóc lột người dân địa phương. Do có nhiều ruộng phát canh nên Marius Borel cho xây những kho thóc rất lớn ở Mỹ Khê để thu lúa tô của nông dân.

Ngôi biệt thự đầu tiên trên núi Ba Vì

Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 2): Chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự - Anh 3

 Đồn điền Chi-nê của ông Marius Borel năm 1940   Ảnh tư liệu

Năm 1916, Marius Borel được tỉnh Sơn Tây chuyển nhượng 15 ha đất tại điểm cao 400 để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng. Ngoài ngôi biệt thự, Marius Borel cũng cho xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu vực đất được sở hữu để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Đây là ngôi biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên được xây dựng trên núi Ba Vì.

Giàu có nhất khu vực nên việc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng của ông Marius Borel không hẳn là một sự “chơi trội” mà thực chất là cuộc “tấn công” lên núi của một tư thương có tầm nhìn. Chính vì là người đầu tiên nên mảnh đất mà ông Marius Borel được cấp đúng nghĩa là “bờ xôi, ruộng mật” của khu vực này.

Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 2): Chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự - Anh 4

 Ảnh tư liệu

Năm 1923, ông Muster Lachaud, Công sứ Pháp tại Sơn Tây đã cho làm con đường từ chân núi đi ngang qua đồn điền của ông Marius Borel lên đến điểm cao 400. Chỉ dài 6 km nhưng phải một năm sau con đường mới được hoàn thành, từ đó người đi bộ và cưỡi ngựa qua lại rất thuận tiện. Lúc này, ông Wintrebert đã được bổ nhiệm làm Công sứ ở Sơn Tây thay ông Muster Lachaud và có ý định xây dựng khu nghỉ mát ở điểm cao 800 nên đã cho lập kế hoạch làm đường đến cao độ này. Ông đề xuất việc đó với Thống sứ Bắc Kỳ nhưng bị từ chối với lý do kinh phí đang phải dồn để hoàn thiện các khu nghỉ mát tại Sa Pa và Tam Đảo. Kế hoạch làm đường bị huỷ bỏ, con đường trên núi dừng ở cao điểm 400 cho đến năm 1937.

Đối với ông Marius Borel, con đường trên núi thực sự là món quà bất ngờ đem lại cho ông nhiều món lợi “kếch xù”. Không chỉ tận hưởng việc nghỉ ngơi thư giãn mà 15 ha đất ở những vị trí tốt nhất đã đem lại cho Marius Borel nguồn thu đáng kể. Năm 1928, Marius Borel thành lập Công ty Cà phê Đông Pháp và trở thành một trong những nhà tư bản có thế lực ở Đông Dương. Các đồn điền của Marius Borel cũng là nơi cung cấp nguồn bơ, sữa chính cho khu vực Hà Nội, Sơn Tây và các vùng lân cận.

Bài 3: Cuộc chạy đua của "giám đốc thất nghiệp" và các "đại gia"

Bài & ảnh: CHU THU HẰNG

Ý kiến bạn đọc