Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Rộng mở thị trường nghệ thuật trên không gian mạng

Thứ Tư 19/08/2020 | 11:23 GMT+7

VHO- Trong xu thế chuyển đổi công nghệ số diễn ra mạnh mẽ, vài năm trở lại đây, bên cạnh các phòng triển lãm, không gian trưng bày, gallery truyền thống, giới nghệ sĩ còn có thêm kênh giới thiệu tác phẩm mỹ thuật trên không gian mạng. Đây là cơ hội rộng mở cho nghệ sĩ kết nối, tương tác và giới thiệu tác phẩm, tạo nền tảng tốt giúp thị trường nghệ thuật phát triển.

Bên cnh các không gian trung bày, gii thiu tác phm trên mng ngày càng ph biến nh: ITN

Không chỉ cá nhân mà nhiều nhóm và cộng đồng trên mạng xã hội cũng đã được lập nên, hội tụ hàng chục nghìn thành viên gồm cả nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật, nhà sưu tập... đưa mỹ thuật trở nên gần gũi hơn với công chúng.

Sôi động giao dịch mỹ thuật online

Nghệ sĩ vẽ tác phẩm, thậm chí chưa hoàn thành đã đưa lên mạng xã hội là khá phổ biến. Điều này giúp cập nhật đời sống sáng tác, đồng thời là cơ hội để tác giả đón nhận được những ý kiến phê bình, góp ý, đồng cảm của giới nghề và người xem về tác phẩm của mình. “Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, thị trường tranh online hoạt động khá tốt, giúp họa sĩ bán được nhiều tác phẩm hơn. Trên không gian mạng, họa sĩ tiếp cận trực tiếp với nhà sưu tập, giảm chi phí gửi tranh tại các gallery, đồng thời không chịu sự ảnh hưởng từ sự lựa chọn tác phẩm một chiều, chủ quan của gallery; người mua, người xem nhận được thông tin nghệ thuật nhanh chóng, thuận tiện”, họa sĩ Phạm An Hải, đồng sáng lập trang nghệ thuật online Viet Art Now chia sẻ.

Các trang web cá nhân cũng được nhiều nghệ sĩ thiết lập, đưa tới cái nhìn khá toàn diện về sự nghiệp sáng tác và dấu ấn riêng trong tác phẩm của họ. Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh cho biết: “Mỗi người có đối tượng sưu tập riêng, việc lập ra trang web cá nhân nhằm giới thiệu công việc của nghệ sĩ, có thể chưa nghĩ đến bán online, vì nhà sưu tập cần có thời gian theo dõi vài năm. Khi hiểu nghệ thuật và con người của tác giả, họ mới có nhu cầu trao đổi, mua bán...”.

Bên cạnh đó, các gallery, nhà đấu giá cũng nhanh chóng tận dụng công nghệ số để tổ chức thường xuyên những cuộc đấu giá trực tuyến tác phẩm nghệ thuật. Sàn giao dịch mỹ thuật trực tuyến cũng được ra mắt, cung cấp thông tin hoạt động nghệ thuật, giới thiệu tác giả, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại... Theo nhiều người trong ngành, thị trường mỹ thuật online dù còn mới mẻ và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đang dần sôi động và tốt lên rõ rệt, tăng cả lượng và chất. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, thị trường nghệ thuật online ngày càng được quan tâm, tuy nhiên, phần nhiều vẫn là nghệ sĩ trẻ tham gia và đưa tác phẩm lên không gian số.

Mới dừng ở phân khúc “bình dân”

Có thể thấy, một số trang nghệ thuật uy tín trên mạng xã hội do những nghệ sĩ có tên tuổi trong nghề lập ra đều có đội ngũ “gác cổng” về chuyên môn nhằm đưa tác phẩm chất lượng tới công chúng. Ở mức cao hơn, các sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật có hội đồng nghệ thuật đánh giá, giới thiệu tranh hoạt động khá sôi nổi, người xem, người mua tấp nập. Nhiều nhà sưu tập cho biết, họ vẫn sử dụng kênh trực tuyến và cả tới xem tận mắt tác phẩm theo cách truyền thống. Việc mua online có thể chấp nhận được với phân khúc không quá cao cấp. Bởi cái khó của giao dịch online là tác phẩm không tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem bằng tiếp xúc trực quan. Do đó, với phân khúc sản phẩm nghệ thuật giá cao, người sưu tập không thể dễ dàng chi tiền mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số người còn e dè hình thức giao dịch mỹ thuật online thì xem đây chỉ là kênh kết nối, sau đó họ tới xem trực tiếp tác phẩm trước khi quyết định bỏ tiền ra mua.

Một vấn đề nữa khiến nhiều nghệ sĩ và cả công chúng còn ngần ngại với thị trường mỹ thuật online là tình trạng tranh thật - giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này đang diễn ra tràn lan. Nghệ sĩ lo đưa tranh lên mạng có thể bị làm nhái, còn người mua thì lo giám định tác phẩm tận mắt còn khó, chưa nói tới xem qua hình ảnh thu nhỏ... Trước những lo ngại này, các cộng đồng nghệ thuật hay sàn giao dịch tác phẩm đều có các biện pháp như không công khai kích thước thật của tác phẩm, không để hình ảnh tác phẩm ở chất lượng cao nhất khiến những đối tượng có ý đồ xấu khó có thể thực hiện được hành vi đạo nhái; một số sàn giao dịch khi bán tác phẩm đều có “xác nhận tác quyền” bằng chữ ký của đại diện sàn giao dịch và nghệ sĩ, giúp thúc đẩy hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, uy tín, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền còn khá phổ biến...

Về lâu dài, cần làm tốt công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật để nghệ sĩ yên tâm sáng tạo và đưa tác phẩm tới công chúng. Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng: “Vấn đề bản quyền, tranh giả tranh nhái nước nào cũng có và đòi hỏi sự tự trọng của nghệ sĩ. Muốn đi đường dài, từng cá nhân phải nỗ lực, trung thực, cộng với chất lượng tốt dần dần sẽ là sự phát triển tất yếu. Người mua tiếp cận tác phẩm qua kênh online sẽ là xu thế tất yếu”.

Anh Cao Xuân Nhật, một người yêu mỹ thuật và thường xuyên có những tìm hiểu sâu về thị trường này cho rằng: “Cần có thêm những cộng đồng nghệ thuật, sàn giao dịch online có đội ngũ quản trị, vận hành chuyên môn tốt để thẩm định, giới thiệu tác phẩm và có định hướng, bước đi dài hơi nhằm phát triển hơn nữa lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có những nền tảng chuyên sâu hơn về công nghệ, có hệ thống chuyên nghiệp hơn nhằm giới thiệu tác phẩm cũng như bảo mật thông tin, có hệ thống thanh toán và đảm nhận các khâu hậu cần khác... giúp cho nghệ sĩ và nhà sưu tập tin tưởng, từ đó hỗ trợ thị trường nghệ thuật phát triển lành mạnh”. 

 NGỌC NHIÊN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top