Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Ký ức thiêng liêng về Ngày Độc lập 2.9

Thứ Hai 17/08/2020 | 11:21 GMT+7

VHO-  Ngày Độc lập 2.9 là trưng bày chuyên đề đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, sẽ được khai mạc ngày mai 18.8 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945

Nhiều hình ảnh, hiện vật có giá trị một lần nữa tái hiện những khoảnh khắc lịch sử vô giá của dân tộc, khẳng định dấu mốc quan trọng cách đây vừa tròn 75 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á.

Những hình ảnh, hiện vật thiêng liêng

Những câu chuyện kể từ các hình ảnh, hiện vật và nhân chứng lịch sử sẽ mang đến nhiều xúc cảm về những ngày Tháng Tám năm 1945 hào hùng, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với 150 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử, trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do… để từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trưng bày Ngày Độc lập 2.9 gồm 2 phần: Sức mạnh dân tộc Ngày Độc lập 2.9. Phần trưng bày Sức mạnh dân tộc tập trung giới thiệu các sự kiện lịch sử quan trọng: Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28.1.1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5.1941 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng… cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, khi thời cơ đến, Đảng đã phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; Đại hội Quốc dân Tân Trào (ngày 16.8.1945) nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước; sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị (30.8.1945), chế độ phong kiến tồn tại trên đất nước ta hàng ngàn năm bị xóa bỏ…

Tại phần trưng bày Ngày Độc lập 2.9, cùng với điểm nhấn là những nội dung về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2.9.1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Thành quả của Cách mạng Tháng Tám: Nhà nước dân chủ nhân dân; cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946; Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946, trưng bày cũng đã khắc họa những ký ức thiêng liêng về Ngày Độc lập qua chuyện kể, hồi ức của các nhân chứng lịch sử.

 Đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), nơi hp Quc dân Đại hi thông qua quyết định Tng khi nghĩa nh: TƯ LIỆU

Chỉ cần nghe giọng Bác cũng thấy hạnh phúc lắm rồi

Tại triển lãm, một lần nữa người xem sẽ được sống lại trong những khoảnh khắc lịch sử đã đi vào ký ức dân tộc thông qua nhiều hình ảnh, hiện vật giá trị như: Tranh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 28.1.1941; ảnh: Lán Khuổi Nậm, Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đã họp tháng 5.1941, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 5.1941 (viết tay); Tuyên ngôn của Việt Nam Độc lập Đồng minh; Chương trình Việt Minh, tháng 5.1941; Thơ ca, hò vè diễn giải về 10 chính sách của Việt Minh, năm 1941; Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; Bản trích Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh Đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), nơi họp Quốc dân Đại hội thông qua quyết định Tổng khởi nghĩa, quyết định thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ngày 16.8.1945; Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1) của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13.8.1945…

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, trưng bày lần này có nhiều điểm nhấn đặc biệt như sưu tập vũ khí, từ vật dụng sinh hoạt đời thường đến những vũ khí thô sơ, tự tạo được nhân dân sử dụng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945; sưu tập ảnh: Khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, tháng 8.1945; sưu tập báo chí- vũ khí sắc bén trong tuyên truyền cách mạng, cổ vũ tinh thần đấu tranh quật khởi của mọi tầng lớp nhân dân; nhóm hiện vật nhân dân ủng hộ cách mạng trong cách mạng Tháng Tám…

Đặc biệt là những hình ảnh, hiện vật mãi mãi trường tồn trong ký ức dân tộc về ngày Độc lập 2.9.1945. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn người dân vừa được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Bên cạnh đó, nội dung Ngày Độc lập - Những câu chuyện kể là ký ức về những ngày tháng không quên được tái hiện sinh động thông qua các nhân vật và những câu chuyện kể. Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Hội viên Hội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu, người may cờ cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nhớ: “... Được giao may cờ cho khởi nghĩa, ba chị em tôi vừa tự hào vừa lo lắng hồi hộp… người đi chợ này mua vải đỏ, người đi chợ kia mua vải vàng, mỗi chợ một màu với số lượng nhỏ để tránh sự kiểm soát của quân Nhật… Được làm Quốc kỳ cho ngày Tổng khởi nghĩa là niềm tự hào lớn nhất của tôi”. Còn trong ký ức của bà Lê Thi, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình: “Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, khi bài Quốc ca vừa kết thúc là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào”.

Câu chuyện của ông Phạm Văn Đốc, Đội trưởng Đội Công an tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 cũng chứa đựng vô vàn cảm xúc: “Hôm đó, lễ đài được bảo vệ thành ba lớp. Lớp bảo vệ gần lễ đài nhất là của những chiến sĩ Giải phóng quân ở chiến khu mới về, họ mặc quần soóc trắng đứng ngay sát lễ đài. Chúng tôi đứng ở vòng thứ hai, cách lễ đài khoảng 2m, còn vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên… Lúc nghe giọng Bác, tôi chỉ ước được quay lại để nhìn Bác dù chỉ một lần nhưng trong kỷ luật tổ chức, nhiệm vụ giao đã quán triệt không được phép lơ là. Vì thế, chỉ cần nghe giọng Bác, cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận được giọng nói của Bác lúc ấy”.

 Hôm đó, lễ đài được bảo vệ thành ba lớp. Lớp bảo vệ gần lễ đài nhất là của những chiến sĩ Giải phóng quân ở chiến khu mới về, họ mặc quần soóc trắng đứng ngay sát lễ đài. Chúng tôi đứng ở vòng thứ hai, cách lễ đài khoảng 2m, còn vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên… Lúc nghe giọng Bác, tôi chỉ ước được quay lại để nhìn Bác dù chỉ một lần nhưng trong kỷ luật tổ chức, nhiệm vụ giao đã quán triệt không được phép lơ là. Vì thế, chỉ cần nghe giọng Bác, cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận được giọng nói của Bác lúc ấy…

(Ông PHẠM VĂN ĐỐC, Đội trưởng Đội công an tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945)

 

 

 Trin lãm Cách mng Tháng Tám- Mc son lch sử”

Nhân kỷniệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử”. Triển lãm khai mạc ngày 18.8. Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, gồm các nội dung chính: Mùa thu lịch sử: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Sức mạnh niềm tin: Giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; Tiếp bước vinh quang: Trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sựnghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại triển lãm, Ban Tổ chức cũng giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử cao.

PHƯƠNG ANH

 

 

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top