Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Kiểm duyệt​​​​​​​ phim: Xin hãy dũng cảm lên!

Thứ Tư 29/07/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Nhằm mục đích tham vấn và thu thập ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là đại diện của những người làm nghề về thuận lợi, khó khăn của điện ảnh nước nhà, sáng qua 28.7 tại Hà Nội, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Bộ VHTTDL đã phối hợp tổ chức hội thảo Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam.

 Toàn cảnh Hội thảo

 Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO tại Đông Nam Á.

Điện ảnh Việt Nam đang đi với tốc độ... chậm

Nhận định về tình hình và tiềm năng phát triển của điện ảnh Việt Nam, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, dưới góc nhìn của UNESCO, điện ảnh Việt Nam đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới và giải quyết những tồn tại hiện có. “Điện ảnh Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển như cơ hội nghề nghiệp đa dạng, những địa điểm quay phim lý tưởng, đội ngũ nhân lực trẻ, giàu năng lượng sáng tạo, diễn viên có thực lực... nhưng chưa được phát huy đúng mức. Những năm qua, các tiềm năng ấy đã có chuyển biến tích cực song vẫn còn khá chậm”, ông Michael Croft nhìn nhận.

Trước tình hình đó, đại diện UNESCO cho hay, trong khuôn khổ chương trình hoạt động chiến lược của UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021, tổ chức này đã đặt ra một trong những trọng tâm ưu tiên là hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Phim ảnh là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển và có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam. Nhờ những nỗ lực giúp đỡ của UNESCO, điện ảnh nước nhà trong thời gian tới hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa (Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL) cho biết, kể từ năm 2007, nước ta là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn và gia nhập Công ước UNESCO 2005. Thành tựu lớn nhất của Việt Nam khi thực thi Công ước là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, điện ảnh luôn được ưu tiên hàng đầu.

Cũng theo bà Nguyễn Phương Hòa, trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và đồng hành cùng lịch sử dân tộc với những dấu ấn quan trọng. “Việt Nam có một hành lang pháp lý rất vững chắc để phát triển điện ảnh với đầy đủ luật, chiến lược, quy hoạch, nghị định, thông tư… Hiện Luật Điện ảnh cũng đang được nghiên cứu và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Với những gì đã làm được, điện ảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhưng năm nay, do đại dịch Covid-19, ngành điện ảnh đã phải chịu những thiệt hại nặng nề. Không chỉ riêng điện ảnh mà các ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thế nhưng, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận những mặt còn tồn tại cũng như cơ hội, thách thức để đề ra phương hướng phát triển cho điện ảnh Việt Nam trong tương lai”, bà Hòa khẳng định.

Rào cản đến từ khâu kiểm duyệt

Tuy vậy, song hành cùng những thành công trong thời gian qua, điện ảnh Việt Nam cũng đã vấp phải không ít rào cản. Đặc biệt, khâu duyệt phim đang là một trong những vấn đề khiến các nhà làm phim đau đầu. Trình bày báo cáo nghiên cứu của UNESCO về phân tích những cơ hội và rào cản đối với các nhà làm phim nước nhà, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp Văn hóa VICAS, bà Nguyễn Thu Phương bày tỏ: “Từ góc nhìn của những người trong nghề, kiểm duyệt đang phần nào gây nên tình trạng nội dung phim không chạm được vào cốt lõi của đời sống xã hội đương đại. Hầu hết những phim ra rạp đều tròn trịa, vô thưởng vô phạt, không còn mấy người dám làm về đề tài xã hội. Khi không dám đối diện với những vấn đề thời sự gai góc, nóng hổi, rõ ràng, một sản phẩm văn hóa mà ở đây cụ thể là phim ảnh sẽ không làm tròn được sứ mệnh mà nó tất yếu phải mang”.

Đồng ý với quan điểm trên, NSƯT Chiều Xuân nêu lên thực trạng: “Sau khi kiểm duyệt, có khi xem xong khán giả không thể hiểu nổi bộ phim muốn chuyển tải thông điệp gì. Quả thật phải dùng từ “khóc một dòng sông” khi thấy cảnh này. Điện ảnh không phải để giải trí đơn thuần mà nó còn phải chỉ ra được những điều “xấu xí” để người xem né tránh và sống tốt hơn. Tôi mong những người làm công tác duyệt phim hãy dũng cảm lên. Chúng ta cần phải cân bằng giữa chính sách của Nhà nước với mong muốn, nguyện vọng của người làm nghề. Không ai thích đối đầu, không ai thích lao vào những vấn đề “nhạy cảm”, nhưng đó lại là sự trăn trở của xã hội".

Thực tế, để hạn chế đến mức thấp nhất việc bị khâu kiểm duyệt “sờ gáy”, ngay từ kịch bản, những người làm phim đã phải cố gắng kiểm soát kết cấu, nội dung câu chuyện và tư duy sáng tạo sao cho thật “an toàn”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng chính điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng phim. Có thể nói, khâu kiểm duyệt ở nước ta đang làm rất nhiều nhà làm phim phải hồi hộp vì không biết có qua nổi “ải” để đến được với công chúng, hay phim có bị cắt xén gì gây ảnh hưởng đến kết cấu bộ phim không? Đây chính là một trong những cản trở khiến phim Việt khó tiến những bước dài để tiệm cận với điện ảnh thế giới. 

 Từ góc nhìn của những người trong nghề, kiểm duyệt đang phần nào gây nên tình trạng nội dung phim không chạm được vào cốt lõi của đời sống xã hội đương đại. Hầu hết những phim ra rạp đều tròn trịa, vô thưởng vô phạt, không còn mấy người dám làm về đề tài xã hội. Khi không dám đối diện với những vấn đề thời sự gai góc, nóng hổi, rõ ràng một sản phẩm văn hóa, mà ở đây cụ thể là phim ảnh, sẽ không làm tròn được sứ mệnh mà nó tất yếu phải mang.

(Bà NGUYỄN THU PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp Văn hóa VICAS)

 

 ĐÌNH TOÁN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top