Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Lợi dụng dịch để “câu view bẩn”

Thứ Tư 29/07/2020 | 10:51 GMT+7

VHO-  “Tranh thủ” tăng lượng tương tác giữa “mùa cao điểm”, nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội đã không ngần ngại chế nhạc, làm clip hài nhảm liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Hành động “kém duyên” này đã nhận về không ít “gạch đá”, khi đa phần đều mang nội dung chế giễu, kì thị và phản cảm.

 Hình ảnh trong đoạn clip nữ chủ tịch kỳ thị

 Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, để tiếp thêm sức mạnh cũng như lan tỏa những thông điệp tri ân đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch, nhiều MV ca nhạc cổ động đã ra đời. Từ giai điệu, ca từ cho đến hình ảnh đều mang những ý nghĩa tích cực và được đông đảo công chúng đón nhận. Bên cạnh đó, không ít clip nhạc chế, hài nhảm cũng ăn theo với mục đích “câu like”, “câu view”. Chỉ cần gõ cụm từ “hài Covid” hay “hài Corona” trên thanh công cụ tìm kiếm là hàng loạt clip nhanh chóng xuất hiện. Thế nhưng thay vì những thông điệp tích cực, thì ập vào mắt người xem đa phần là hình ảnh phản cảm, trái chiều.

Những nội dung này đều có điểm chung là bắt chước hay nhại lại các dấu hiệu của người nhiễm bệnh như ho, hắt xì… Trong đó luôn cài cắm vào các tình huống nguy hiểm, khả năng lây bệnh cao như đi taxi, giả làm người Trung Quốc, ho khạc liên tục tại nơi công cộng... Thậm chí, một số thành phần còn ăn mặc phản cảm, dùng khẩu trang để làm đồ lót vô tư ca hát, nhảy múa trong các đoạn nhạc chế. Càng quan ngại hơn khi nhiều người bất chấp cả vấn đề vi phạm bản quyền, ngang nhiên cắt ghép, chỉnh sửa tiêu đề, thậm chí là gắn tên các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang… để tối ưu hóa tìm kiếm dựa trên thuật toán của Google. Chưa dừng lại ở đó, những tác phẩm điện ảnh nước ngoài, phim cung đấu, phim siêu anh hùng… cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của lực lượng “câu view bẩn” này, khi tác phẩm gốc bị biến tướng thành những câu chuyện theo “kịch bản” chế lố lăng, kệch cỡm.

 Không chỉ về phần nội dung, một số clip có tiêu đề vô cùng “nhức mắt” cũng với mục đích “tăng tương tác” khiến nhiều người ngán ngẩm như: Corona khiến ta xa cách - gái ngành cũng phải nghỉ làm; Cưa gái thời vi rút Corona, Trộm áo... em gái nuôi làm khẩu trang chống Corona…

Sau khi Việt Nam gần như đã kiểm soát được dịch bệnh, gần 100 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các clip hài, nhạc chế cũng đã lắng xuống, thì mấy ngày gần đây, mạng xã hội lại tiếp tục dậy sóng phẫn nộ khi một số đoạn clip được quay bằng ứng dụng TikTok với nội dung kỳ thị Đà Nẵng lại được tung lên. Clip đầu tiên mô phỏng một buổi chào đón nhân viên mới, khi người đóng vai “chủ tịch” bắt tay từng nhân viên và hỏi họ đến từ đâu, thì lần lượt những cô gái trả lời đến từ Hà Nội, Quảng Trị đều được bắt tay mỉm cười, đến cô gái thứ ba trả lời đến từ Đà Nẵng vị “chủ tịch” này bất ngờ rút tay lại và những cô gái xung quanh cũng tỏ vẻ ngần ngại, xa lánh. Sau đó, tất cả nhóm người này đẩy cô gái đến từ Đà Nẵng ra ngoài và đóng cửa lại kèm theo nhiều động tác kỳ thị. Tương tự, clip thứ hai mô phỏng lại câu chuyện của một khách du lịch hào hứng chuẩn bị hành lý để đi du lịch. Nhưng khi được biết là sẽ đi đến Đà Nẵng thì ngay lập tức, người này vứt bỏ, đạp đổ hành lý và trả lời: “Dẹp m.. đi”.

Những clip này nhanh chóng nhận được hàng ngàn bình luận phẫn nộ, phản đối của cộng đồng mạng. Trong khi cả nước đồng lòng hướng về tâm dịch, thì những cá nhân này lại tạo ra những “trò đùa” hết sức nhảm nhí. Covid-19 dường như không đơn thuần chỉ là tên của một đại dịch khiến thế giới chao đảo, mà giờ đây nó còn trở thành một trào lưu, mà ở đó người ta dễ dàng chấp nhận việc đổi chác “mối đại họa” thành những tiếng cười kệch cỡm, vô văn hóa. 

HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top