Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Thúc đẩy công nghiệp sáng tạo nhìn từ kinh nghiệm nước Anh

Thứ Tư 22/07/2020 | 10:49 GMT+7

VHO- Kinh tế sáng tạo được xem là một trong những thành công của nền kinh tế Anh Quốc cung cấp 3,12 triệu việc làm trực tiếp (số liệu thống kê năm 2017), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gấp 2 lần so với các ngành kinh tế khác, đóng góp đáng kể vào sự hồi phục cũng như trở thành động lực phát triển của nền kinh tế Anh trong những năm vừa qua (riêng xuất khẩu đạt doanh thu 27 tỷ Bảng Anh năm 2016). Vì vậy, tập trung đến sáng tạo, biến tiềm năng sáng tạo thành lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hầu hết các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là văn hóa ở Anh.

 Theo bà Erin Bunting, Giám đốc Chương trình Kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh, Kinh tế sáng tạo là một trong 7 Ban chính thuộc Khối Nghệ thuật của Hội đồng Anh. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Chính phủ Anh nói chung, cơ quan Hội đồng Anh nói riêng trong việc phát triển và phổ biến ngành công nghiệp sáng tạo không chỉ ở Anh mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Bằng kinh nghiệm của nước Anh, Hội đồng Anh đã có các chương trình, dự án ở nhiều nước khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo. Những ví dụ về sự giúp đỡ của Hội đồng Anh ở Brazil và Ấn Độ với các chương trình biến các địa điểm công cộng thành nơi sinh hoạt nghệ thuật, hình thành các giải thưởng doanh nhân sáng tạo, lập ra các bộ tài liệu (tool kit) để đánh giá sự sáng tạo, hay huy động sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là giới trẻ đối với sự sáng tạo nghệ thuật... đã cho thấy sự quan tâm, tầm ảnh hưởng và vai trò của sáng tạo đối với nền kinh tế và sự phát triển văn hóa trên toàn thế giới.

Ông Richard Russel, Phụ trách về chính sách, Hội đồng Nghệ thuật Anh, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Nghệ thuật đối với sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật ở Anh. Ông cho rằng, sự ra đời của Hội đồng Nghệ thuật Anh năm 1946 với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận và hưởng thụ các tác phẩm nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Hội đồng Anh đặt ra 5 mục đích gồm: Sự ưu việt, khả năng tiếp cận, sự hỗ trợ, cải thiện và tạo điều kiện cho văn hóa và nghệ thuật Anh. Để đạt được 5 mục đích đó, Hội đồng Nghệ thuật Anh xác định 3 vai trò của mình gồm: Đầu tư, định hướng và vận động chính sách; và 3 nguyên tắc gồm: Hỗ trợ tổ chức, tài trợ dự án, tài trợ các chương trình mục tiêu.

Mô hình quản lý văn hóa nghệ thuật quan trọng ở Anh là mô hình cánh tay nối dài (Arm-Length). Hội đồng Nghệ thuật Anh đều theo mô hình này, theo đó, dù là một đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao Anh. Bộ trưởng bổ nhiệm Giám đốc Hội đồng Nghệ thuật. Nhưng các quyết định của Hội đồng này không phụ thuộc, không chịu sự chi phối, luôn có sự độc lập nhất định đối với Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Hội đồng Nghệ thuật Anh có kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật dài hạn (10 năm), trong đó kế hoạch ngân sách cho giai đoạn này là từng 3 năm một chu kỳ. Kế hoạch này giúp Hội đồng Nghệ thuật nói riêng, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao Anh nói chung không bị lệ thuộc quá nhiều vào chính sách khác nhau của các đảng nắm quyền. Hội đồng Nghệ thuật Anh luôn đóng vai trò xúc tác, định hướng cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, hỗ trợ tổ chức, nâng cao kỹ năng và phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo ở Anh. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Anh là bài học tốt cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm của nước Anh, Tom Fleming, chuyên gia về công nghiệp sáng tạo, người được UNESCO cử sang Việt Nam tư vấn phát triển chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nhấn mạnh: Không có một công cụ chính sách duy nhất phù hợp cho tấc cả các tổ chức. Chính vì vậy, các ngành công nghiệp sáng tạo phải được phân chia thành các lĩnh vực cụ thể để có những biện pháp can thiệp phù hợp. Bên cạnh đó, một tổ chức văn hóa, nghệ thuật ở Anh không bao giờ sống phụ thuộc vào một nguồn tài chính duy nhất. Các tổ chức luôn rất năng động để tìm các nguồn tài chính khác nhau để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Chính trong quá trình tìm kiếm các nguồn tài trợ khác nhau cũng khiến cho các tổ chức trở nên năng động hơn, và vì vậy, giúp tạo ra sự năng động của toàn bộ thị trường văn hóa, nghệ thuật.

Để kết luận, Tom Fleming cho rằng, vì mục đích phát triển công nghiệp sáng tạo, Việt Nam nên tập trung vào ít nhất ba khâu đột phá sau: Thứ nhất là tài năng sáng tạo; thứ hai là các tổ chức nghệ thuật; và thứ ba là tạo lập các không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ, các mạng lưới, tổ hợp, trung tâm sáng tạo. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top