Xử lý hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững

VHO- Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2020 – 2025) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam diễn ra ngày 20.7 tại Hà Nội.

Xử lý hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững - Anh 1

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng đánh giá cao Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với những kết quả nổi bật

Phát biểu tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng đánh giá cao Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với những nỗ lực và kết quả nổi bật, đánh dấu sự phát triển trên nhiều mặt, cả về quy mô lẫn số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Theo ông Võ Văn Thưởng, Hội đã động viên đông đảo hội viên sưu tầm, biên soạn, dịch thuật gần 4.000 công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian. Nhiều công trình với quy mô lớn, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương. Số công trình này đã xuất bản một phần lớn trong Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa -văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, được đánh giá cao.

Hội cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian biển đảo nhằm góp phần khẳng định chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Việt Nam như: Văn hóa dân gian biển đảo miền Trung, Hải trình Nam - Bắc, Bắc - Nam, Vè các lái… Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 659  hội viên từ năm 2001 đến nay là công việc thiết thực, ghi nhận công lao to lớn cũng như động viên các nghệ nhân dân gian, những người có công nghiên cứu, bảo tồn, truyền bá vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian quý báu mà ông cha để lại.

Trong nhiệm kỳ Đại hội VII vừa qua, công tác chuyên môn của Hội được chú trọng. Để bồi dưỡng, nâng cao trình độ của hội viên, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có đông đảo lực lượng hoạt động sưu tầm, gìn giữ, biên dịch tiếng các dân tộc, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, mời các chuyên gia, các nhà sưu tầm, nghiên cứu trình bày và cung cấp các tài liệu về những vấn đề lý thuyết cũng như kinh nghiệm sưu tầm, phổ biến văn hóa, văn nghệ dân gian cho hơn 700 học viên. Từ đó, các hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến giá trị văn hóa dân gian quý báu của dân tộc.

Xử lý hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững - Anh 2

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm với BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng đề nghị, cần đánh giá đúng tình hình hoạt động của Hội trong những năm qua, đúc rút kinh nghiệm, tập trung trí tuệ, trách nhiệm để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới với những hoạt động hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Chú trọng việc đổi mới phương thức hoạt động hội gắn với đặc trưng, đặc thù của Hội, huy động các nguồn lực để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, dân tộc. Xây dựng các đơn vị cơ sở của Hội thành những đơn vị vững về chuyên môn, có tinh thần đoàn kết để hoàn thành nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, nhằm lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam có giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trực tiếp là ngành công nghiệp du lịch.

Hội tập trung biên soạn, chọn lọc trong số hơn 1.500 bản thảo công trình chưa xuất bản, bổ sung những công trình mới có chất lượng, có giá trị để đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, nhằm bảo tồn và phát huy đầy đủ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó góp phần quảng bá vốn văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo của các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

 Tại Đại hội, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VII (2015 – 2020) báo cáo tổng kết công tác nhiệm VII và phương hướng công tác nhiệm kỳ VIII (2020 – 2025).  GS Tô Ngọc Thanh đề nghị được cấp tiếp kinh phí in ấn để thực hiện hoàn thành phần còn lại hơn 1.000 bản thảo công trình (khoảng 200 tỉ đồng) của Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, thời gian trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.  

Đại hội cũng đã bầu ra 13 thành viên tham gia Ban chấp hành và Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.  GS.TS Lê Hồng Lý giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

BẢO ANH; ảnh: MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc