Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sễ đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa: Muộn nhưng vẫn còn hơn không

Thứ Sáu 10/07/2020 | 09:05 GMT+7

VHO- Bộ GD&ĐT vừa tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư Điều lệ trường Tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó bổ sung một điều khoản với nội dung hoàn toàn mới so với Điều lệ hiện hành. Đó là quy định: “Xây dựng và phát triển văn hoá đọc”.

 Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM đọc sách trên xe lưu động

Thông tin này thực sự mang lại sự phấn khởi và nhận được đồng thuận cao từ các chuyên gia và nhà giáo dục. Góp ý cho Dự thảo này, nhiều ý kiến đã tập trung kiến nghị “Đưa tiết đọc sách vào thời khoá biểu chính khoá của nhà trường trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc”.

Ngăn chặn phát triển văn hóa đọc như một phong trào

TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người sáng lập và điều hành Dự án phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra” cho biết: “Tôi rất tán thành với Điều 26 trong dự thảo, quy định về việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”. Theo TS Minh, trong quá trình nghiên cứu cũng như quan sát cách triển khai thư viện và hoạt động đọc trong nhiều trường phổ thông, bà nhận thấy việc đọc sách chưa được quy định thành một hoạt động bắt buộc, có thời lượng cụ thể, nên nhiều trường chưa thực sự coi trọng hoạt động này, hoặc đã có ý thức quan tâm phát triển văn hóa đọc song lại không có thời gian để triển khai. Trong khi đó, để học sinh có thói quen đọc sách thì hoạt động đọc cần được lặp đi lặp lại theo một tần suất nhất định và phải được quy định “cứng” trong văn bản pháp lý chứ không nên dừng lại ở mức độ “khuyến khích” hay tuyên truyền chung chung.

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Cty CP Quốc tế giáo dục Khai phóng - Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt bày tỏ, cần đưa ra những quy định cụ thể để ngăn chặn xu hướng thực hiện việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường như một hoạt động mang tính phong trào, mà theo đó cần tập trung vào tiến trình chia sẻ giữa mọi thành viên trong nhà trường về tầm nhìn - mục đích chính của phát triển văn hóa đọc, làm cho mọi thành viên trong nhà trường thấu cảm rằng đọc để học tập và phát triển, để trở thành một thói quen, một sở thích giải trí suốt đời của mỗi cá nhân.

Bà Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hòa B, thị xã Dĩ An (Bình Dương) nêu ý kiến, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh phổ thông cần phải có tiết đọc sách được đưa vào khung giờ chính khóa bắt buộc như các môn học khác. Phải có quy định yêu cầu hoạt động này thực hiện hằng ngày, hằng tuần ở tất cả các cấp học. Song song đó, nhân viên thư viện trường cần phải được đào tạo chính quy. Phòng thư viện cần thiết kế đầy đủ trang thiết bị, nguồn sách đảm bảo nhu cầu đọc, tra cứu tài liệu của giáo viên và học sinh, bởi thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều thư viện trường học rất sơ sài và chưa thực sự được quan tâm. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần ban hành danh mục sách dành cho từng lứa tuổi học sinh để nhà trường căn cứ vào đó trang bị sách cho thư viện. “Hiện nay đa số các trường mua sách theo cảm tính cá nhân nên đôi lúc có những thể loại không phù hợp”, bà Chinh nói.

Trước mắt tích hợp tiết đọc sách trong giờ sinh hoạt lớp

Theo bà Trần Thị Ánh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10, TP.HCM), việc nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho học sinh còn có thể thực hiện hiệu quả trong các tiết đọc sách, kết hợp đọc sách với làm sản phẩm, khuyến khích học sinh đọc và chia sẻ với bạn bè. Cũng trong tiết đọc sách, giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận với nhiều thể loại văn bản khác nhau mà trong giờ học Tiếng Việt các em chưa được làm quen. Đây chính là nấc thang đầu tiên để các em trở thành người đọc độc lập sau này. Hoạt động đọc cũng chính vì thế mà trở nên gần gũi và thiết thực hơn bao giờ hết. “Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm nhiều đến tiết đọc sách, thậm chí không tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho học sinh. Chính vì vậy cần có chỉ đạo chung theo hướng quy định bắt buộc để có thể đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của tất cả các trường, đồng thời quan tâm tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên nghiệp vụ tổ chức tiết đọc sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả của văn hóa đọc trong nhà trường”, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản đề nghị. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10, TP.HCM) thì nêu quan điểm: “Cần có tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa để các giáo viên có thời gian giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách tốt hơn. Trong khi chờ đợi xem xét của Bộ GD&ĐT, tôi mong rằng trong năm học này, ngành Giáo dục TP.HCM đề nghị các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong giờ sinh hoạt lớp để giúp cho học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và cảm xúc”.

Theo các chuyên gia, để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường không chỉ cần trang bị thư viện với những đầu sách hay, được phân loại và chọn lọc một cách khoa học, mà cần chú trọng đến việc hướng dẫn kĩ năng, phương pháp đọc hiệu quả cho học sinh. Ngoài việc tích hợp hướng dẫn kĩ năng đọc trong các môn học cụ thể, cần có chương trình hướng dẫn kĩ năng đọc cho học sinh, để các em có thể tự tìm kiếm, khai thác một cách hiệu quả các thông tin trong thư viện. Chương trình hướng dẫn kĩ năng đọc cần được xây dựng một cách bài bản, khoa học, phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn của nhà trường. 

 Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm nhiều đến tiết đọc sách, thậm chí không tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho học sinh. Chính vì vậy cần có chỉ đạo chung theo hướng quy định bắt buộc để có thể đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của tất cả các trường, đồng thời quan tâm tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên nghiệp vụ tổ chức tiết đọc sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả của văn hóa đọc trong nhà trường.

(Bà TRẦN THỊ ÁNH NGỌC, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Quận 10, TP.HCM)

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top