Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ, phát huy giá trị Áo dài Việt Nam: Đây là vấn đề cần thiết và cấp bách

Thứ Hai 29/06/2020 | 07:38 GMT+7

VHO- Dù chưa đi vào văn bản chính thức của Nhà nước để khẳng định Áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng nhiều thế kỷ nay trang phục này đã được cộng đồng trong, ngoài nước thừa nhận đó là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên có sự đáng tiếc đã, đang xảy ra là, bên cạnh sự phổ biến một cách rộng rãi của nó, vẫn còn không ít người chưa thật sự hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của Áo dài.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tham quan triển lãm Áo dài Việt Nam xưa và nay

Nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam, cuối tuần qua tại Hà Nội, Bộ VHTTDL và Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.

Chỗ đứng đặc biệt của Áo dài

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, chúng ta đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nhận diện đầy đủ, khoa học về những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu một cách thấu đáo về nó nhằm tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của Áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng như hiện nay thì việc bảo vệ, phát huy giá trị Áo dài là rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của Áo dài Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa những giá trị văn hóa này ra thế giới có vị trí hết sức quan trọng. Khẳng định Áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhìn nhận: “Nhiều người nước ngoài khi được hỏi đều thừa nhận áo dài chính là trang phục có tính biểu tượng gắn với phụ nữ Việt Nam và niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Nó cũng là một sáng tạo văn hóa nghệ thuật đóng góp vào kho tàng của nhân loại...”.

Lịch sử hình thành và phát triển Áo dài Việt Nam là một trong những vấn đề được nhiều học giả quan tâm khảo cứu. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, một trong những chuyên gia phục hồi trang phục cổ truyền đã có một tham luận công phu về “Nguồn gốc Áo dài Việt”. Theo tác giả, có thể trang phục áo dài “có gốc gác từ ngoại nhập, nhưng người Việt theo tiến trình lịch sử đã sáng tạo những nét độc đáo riêng có để ngày nay nó tạo nên một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới thời trang quốc tế, ngang với Kimono của Nhật Bản và Salwar Kameez của các nước Ấn - Hồi. ThS Bùi Thị Kim Phương lại có cách lý giải khác về sự biến đổi của Áo dài Việt Nam, theo đó sự biến đổi là minh chứng cho quy luật không thể chối cãi: Mọi cách tân đều có sự đột phá và tính thể nghiệm, nhưng những cách tân nào không được sự chấp nhận của cả cộng đồng thì chưa thể thành công.

Với 30 năm thiết kế áo dài, NTK Lê Sĩ Hoàng nhận thấy rằng ngoài giá trị thẩm mỹ bền vững đi cùng thời gian, tạo nên giá trị đạo đức cho người mặc, Áo dài còn chứa đựng giá trị triết lý âm dương. NTK Sĩ Hoàng mang đến thông tin bất ngờ là chính việc tuân thủ triết lý âm dương trong thiết kế đã giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ và giá trị đạo đức của trang phục độc đáo này. Nghiên cứu trang phục qua các thời kỳ lịch sử, PGS.TS Đoàn Thị Tình chỉ rõ, Áo dài thường đọng lại những dấu ấn của dân tộc, rõ nét, dễ thấy, bền vững hơn các trang phục khác. Những dấu ấn này không phải tự nhiên hình thành. Đó là kết quả của một quá trình lâu dài. Bà Tình khẳng định, trang phục Áo dài là di sản văn hóa cần bảo vệ và phát huy, mặt khác cũng chỉ ra sự bất cập, hạn chế để lưu ý rằng không nên dừng lại ở việc giữ nguyên chiếc áo năm thân truyền thống mà không có sự sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống hôm nay.

 Áo dài Việt làm nên vẻ đắm say thu hút du khách

Áo dài- Tiếng nói Việt Nam

GS.TS Từ Thị Loan chứng minh, Áo dài gần như đã trở thành một thứ quốc phục đối với các cô gái Việt Nam, có thể sánh ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước ra khắp thế giới. Vì thế, cần phải bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa áo dài.

Đối với các NTK, được thiết kế áo dài là niềm tự hào không gì có thể thay thế. Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, khi đưa Áo dài ra thế giới, người nước ngoài luôn trầm trồ và gọi rõ tên áo dài gắn với hai tiếng Việt Nam. Đó chính là bản sắc, là hồn cốt và tiếng nói dân tộc. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả. Nhiều ý kiến đặt ra những vấn đề xác đáng về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Áo dài. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, cần thiết phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và vai trò của cộng đồng như là “động lực chính của đa dạng văn hóa và là một sự đảm bảo cho sự phát triển bền vững”. Ông đánh giá, chưa thấy một di sản nào tạo thành chuỗi sản phẩm như áo dài, từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải đến thiết kế, may mặc. Đây là một di sản cực kỳ đa dạng và đa sắc thái, hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Đức, Áo dài trở thành một đặc điểm nhận diện văn hóa của Việt Nam là điều không còn phải tranh cãi. Vấn đề là làm sao để tạo cho văn hóa Áo dài giúp con người Việt Nam tự hào và ý thức về một cộng đồng quốc gia dân tộc. Tác giả chỉ ra giá trị của Áo dài Việt Nam không chỉ là về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất: Nếu như ý thức cộng đồng dân tộc là giá trị tinh thần thì những cuộc trình diễn thời trang, các hoạt động giao lưu quốc tế quảng bá hình ảnh Việt Nam, sự phát triển ngành công nghiệp thời trang chính là giá trị vật chất của áo dài Việt Nam. Và chúng ta cần phát huy tinh thần dân tộc ở cả 2 giá trị này.

TS Nguyễn Thị Thu Trang với trong tham luận Áo dài Việt Nam và việc xây dựng hồ sơ đăng ký vào danh mục quốc gia đã chỉ ra những yêu cầu cần được làm rõ như được các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân công nhận áo dài là một phần di sản văn hóa của họ, cũng như chứng minh được biểu hiện văn hóa áo dài thuộc các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng; kèm theo đó là các công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan, được cộng đồng không ngừng trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, với ý thức về bản sắc và sự kế tục.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cũng đề cập đến việc ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Theo đó, việc Việt Nam mong muốn ghi danh Áo dài trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có thể xem xét, nghiên cứu và xác định các khía cạnh phi vật thể của Áo dài để đưa ra tên, nội hàm để xây dựng hồ sơ đề cử. Ngoài ra, việc xác định cộng đồng chủ thể, cũng như trung tâm di sản, vùng lan tỏa cũng cần làm rõ, để tập trung làm kiểm kê di sản, tìm thấy những nét cốt lõi, những giá trị thể hiện bản sắc, văn hóa của người Việt... 

 BẢO ANH - THANH NGỌC; ảnh: HÀ VƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top