Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Kích cầu nội địa để phát triển du lịch các địa phương

Thứ Hai 22/06/2020 | 10:23 GMT+7

VHO- Tỉnh Kiên Giang và Sơn La cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển du lịch theo đúng quy hoạch, bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Du lịch Phú Quốc đã bắt đầu hồi sinh sau dịch Covid-19 Ảnh: ANH VŨ

Đó là ý kiến của TCDL tại các buổi làm việc với hai tỉnh này về định hướng phục hồi hậu Covid-19 và phát triển du lịch các tỉnh này trong thời gian tới.

Phú Quốc sẽ là điểm sáng sau dịch Covid-19

Tại buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã đánh giá cao sự chủ động và sẵn sàng của tỉnh Kiên Giang trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là việc triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội của Trung ương nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và công tác phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm phục hồi ngành Du lịch sau dịch Covid-19.

Ông Lâm Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh đã xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch với việc tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch của Kiên Giang và phối hợp liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng và trong cả nước. Có định hướng để xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời quan tâm, đầu tư quy hoạch hạ tầng đường bộ kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đầu tư hạ tầng cảng biển đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang. Một số cơ sở kinh doanh lữ hành xin giải thể hoặc đổi chủ, 1/2 số cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động trong thời gian dịch bệnh bùng phát; lực lượng lao động trong ngành du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh du lịch ngưng hoạt động trong thời gian dài. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh thu du lịch bị thiệt hại là khoảng 5.000 tỉ đồng”.

Ngay sau khi hết giãn cách xã hội, khách du lịch nội địa đã quay trở lại Phú Quốc. Các doanh nghiệp du lịch cần tận dụng ngay cơ hội này để triển khai, phát triển một số dịch vụ sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch. Từ tháng 5, hoạt động du lịch nội địa trên địa bàn huyện Phú Quốc đã khởi động trở lại, lượng khách nội địa tăng rất nhanh, bình quân đạt 12.000-17.000 lượt khách/ngày, dự báo nếu tình hình tốt như hiện nay có khả năng đạt được 2 triệu lượt khách trong năm 2020.

Thời gian tới, để Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh Kiên Giang cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển du lịch theo đúng quy hoạch, bảo vệ môi trường và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. TCDL luôn sẵn sàng đồng hành cùng Kiên Giang trong việc thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch của Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng. TCDL mong muốn Kiên Giang, trong đó Phú Quốc với vai trò chính sẽ là điểm sáng phục hồi du lịch của cả nước.

Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho rằng, Phú Quốc là một trong những địa điểm tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách và là điểm sáng trong việc khôi phục du lịch nội địa sau dịch Covid-19 Ảnh:HOÀNG HÀ

Xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch

Tại Sơn La cũng đã diễn ra Hội nghị triển khai thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng về phát triển du lịch tỉnh Sơn La. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo một số ban ngành, địa phương giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch Sơn La; thực trạng phát triển du lịch huyện Mộc Châu; mô hình, thực trạng hoạt động của Ban quản lý khu du lịch quốc gia Mộc Châu; đánh giá thực trạng phát triển của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và thực hiện quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về nội dung của các bản báo cáo Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, Đề án phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các hoạt động du lịch tại địa phương này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đề nghị tỉnh Sơn La nên lồng ghép nội dung Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vào trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch làm đầu mối tư vấn triển khai Đề án. TCDL ủng hộ việc đưa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Về mô hình của Ban quản lý Khu du lịch quốc gia, Phó Tổng cục trưởng cho biết TCDL được Bộ VHTTDL giao soạn thảo văn bản quản lý trong lĩnh vực này và sẽ tiến hành lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện và ban hành trong thời gian tới.

Định hướng phát triển du lịch Sơn La trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cho rằng việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong phát triển du lịch. Trong khi đó, tài nguyên du lịch Sơn La rất phong phú và đa dạng, địa phương nên tập trung khai thác các giá trị nổi trội, khác biệt của Sơn La so với các địa phương khác trong vùng. Cần xây dựng sản phẩm du lịch chủ đạo để tạo thương hiệu riêng cho du lịch Sơn La. Đồng thời, Sơn La cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm làm du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp để tạo ra sự phát triển đột phá cho du lịch.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch rất quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch, vì thế, tỉnh cần lựa chọn, bố trí nhân sự am hiểu về du lịch làm công tác xúc tiến. Tăng cường tổ chức, đón các đoàn famtrip, presstrip dành cho các doanh nghiệp du lịch và phóng viên báo chí đến tìm hiểu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Tham gia các đoàn xúc tiến quảng bá của TCDL tại nước ngoài để thu hút khách quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá du lịch… Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch bền vững.

Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La Hoàng Ngân Hoàn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TCDL, giao cho các bộ phận chuyên môn tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo để tiếp tục triển khai các nội dung trong kết luận của Thứ trưởng Lê Quang Tùng về phát triển du lịch tỉnh Sơn La. 

 HUYỀN PHI - VŨ AN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top