Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Kịch bản Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: Vẫn chưa thể “chốt” dù thời gian không còn nhiều

Thứ Sáu 17/04/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã được Bộ GD&ĐT dời lại hai lần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng mới vừa khẳng định, nếu học sinh đi học trở lại trước 15.6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia tại THPT Trương Định Hà Nội

Thế nhưng giả sử dịch bệnh vẫn kéo dài và học sinh chưa thể quay trở lại trường trong tháng 5 tới thì kịch bản nào sẽ được áp dụng cho kỳ thi năm nay? Đó là mối quan tâm của hàng vạn thí sinh và người nhà của họ vào thời điểm này.

Giải pháp nào cũng vướng

Theo chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, nếu như học sinh (HS) đi học lại trước ngày 15.6 thì ông ủng hộ kịch bản vẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT theo lịch thi đã dự kiến. Nhưng nếu dịch diễn biến phức tạp, HS không thể đi học trở lại trước 15.6 thì có muốn tổ chức thi chúng ta cũng không thể tổ chức được. Nhiều giáo viên cho rằng, nên tổ chức kỳ thi vì HS và giáo viên đã quen dần việc dạy và học trực tuyến, về cơ bản HS vẫn tiếp thu kiến thức. Phương án thi cũng đơn giản về kỹ thuật, chỉ khoanh vùng kiến thức đã học thôi. Khi HS quay lại trường, vừa học kiến thức mới vừa ôn thi nhưng sẽ không thi vào phần kiến thức mới.

Rủi ro là, giả sử hết tháng 6 mới hết dịch thì tháng 7 HS vẫn dự thi được vào các phần kiến thức đã học, và tháng 9 tựu trường thì tháng 8 học sinh có thể học bù phần kiến thức còn thiếu. Ý kiến khác cho rằng, nếu dịch kéo dài hết tháng 5 thì chỉ nên thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, những môn khác nên bỏ. Nếu hết tháng 5 vẫn còn dịch thì không nên tổ chức kỳ thi, khi đó có thể giao cho các hiệu trưởng các trường THPT và Sở GD&ĐT phối hợp xét công nhận tốt nghiệp theo quy định. Trước các ý kiến trên, TS Lê Thống Nhất đánh giá, việc học trực tuyến qua truyền hình vừa qua chỉ là một cuộc diễn tập mà thôi, không thể đảm bảo chất lượng như dạy và học trên lớp bình thường cũng như chưa mang lại sự công bằng cho tất cả HS ở những nơi thiếu điều kiện học tập trực tuyến. Hệ lụy khi bỏ kỳ thi quốc gia sẽ thấy ngay là khó tạo sự công bằng cho HS trong quá trình học tập, về đánh giá kết quả và làm mất cơ hội của nhiều học sinh đã tích cực ôn thi thời gian qua.

Về ý kiến nên giảm môn thi, TS Lê Thống Nhất cho rằng, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tinh giản chương trình và để giảm bớt áp lực cho HS trong tình hình này thì nên giảm số lượng môn thi. Tuy nhiên việc giảm môn thi cũng phải tính vì cái gì cũng gây hậu quả. Với các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ là những môn tối thiểu thì không thể cắt giảm. Mặt khác, những HS cuối cấp cũng đã chọn cho mình những môn khác thuộc khối thi đã chọn để ôn thi. Vì vậy để phù hợp với việc HS đã lựa chọn môn thi cho khối thi thì không nên bỏ 2 môn thi tổ hợp KHTN và KHXH. Nhưng Bộ GD&ĐT có thể không bắt buộc thí sinh thi cả 3 môn trong một tổ hợp để vừa giảm áp lực cho HS vừa đảm bảo việc xét tuyển cho các trường ĐH-CĐ trong điều kiện các trường vẫn phải dựa vào kỳ thi này để tuyển sinh. Vì một số môn thi tổ hợp vừa là điểm yếu của thí sinh này nhưng lại là điểm mạnh của thí sinh khác.

Nhiều trường lúng túng

Cho tới nay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn chưa được “chốt” sẽ tổ chức thế nào nên hầu hết các trường ĐH-CĐ bị lúng túng trong công tác tuyển sinh. Vì nếu kỳ thi thay đổi hoặc không được tổ chức thì công tác tuyển sinh ĐH, CĐ cũng sẽ bị xáo trộn. Đơn giản là vì nhiều trường ĐH-CĐ, tuy theo Luật Giáo dục đại học được tự chủ nhưng nhiều trường chưa chuẩn bị kịch bản và tâm thế trong trường hợp này. Vì vậy việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường, nhiều ngành chắc chắn bị ảnh hưởng về chất lượng.

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, nếu các trường tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh có thể bị lặp lại hiện tượng luyện thi đại học, thậm chí trở lại tình trạng HS các tỉnh lại phải khăn gói về Hà Nội hoặc TP.HCM dự thi ĐH gây tốn kém cho xã hội. Đồng thời muốn bỏ thi thì Bộ GD&ĐT phải báo cáo với Quốc hội xem xét và Bộ phải điều chỉnh các quy định, quy trình xét công nhận tốt nghiệp cho HS. Ngay ở thời điểm hiện tại, một số trường đại học đang xem xét lên kế hoạch tuyển sinh nếu trong trường hợp xấu nhất là kỳ thi THPT Quốc gia 2020 không thể tổ chức như dự kiến. Ngày 10.4, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Trường sẽ xét tuyển bằng 4 hình thức, trong đó có hình thức mới là kỳ thi riêng dự kiến lấy khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Điểm mới nhất là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức, tiến hành song song, độc lập với các phương thức còn lại.

Được biết, ngày 14.4, Trường đại học KTQD đã ra thông báo chính thức về phương án tuyển sinh năm 2020 hệ đại học chính quy, trong đó công bố phương án 2. Cụ thể, trường sẽ tổ chức 8 môn thi tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển đã công bố là Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, trong đó ngoại trừ môn Văn thi tự luận thì các môn còn lại sẽ thi hình thức trắc nghiệm theo nội dung tương tự đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020 Bộ GD&ĐT đã công bố. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của Đại học KTQD cho biết, các năm trước tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Từ năm 2017 trường đã xây dựng đề án tuyển sinh độc lập trong đó có phần thi đánh giá năng lực nhưng áp dụng ngay trong năm nay thì không phù hợp vì thời gian cận quá. Trường vẫn giữ nguyên phương án 1 chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia nếu kỳ thi này vẫn được tổ chức, kể cả tổ chức muộn trường vẫn chờ. Trong trường hợp kỳ thi không được tổ chức thì trường bắt buộc phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có rất nhiều công đoạn trong một quy trình, không thể làm thiếu thận trọng. Việc tổ chức kỳ thi cần có một thời gian tối thiểu nên Bộ GD&ĐT đã có ý kiến rõ ràng, nếu trước 15.6 mà học sinh trở lại trường thì kỳ thi vẫn diễn ra. Việc hủy bỏ kỳ thi cũng đã được một số nước trên thế giới thực hiện và đang nghiên cứu thực hiện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trong trường hợp kỳ thi không được tổ chức do bất khả kháng thì chắc chắn việc tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ buộc phải có kế hoạch tuyển sinh dự phòng như tổ chức kỳ thi riêng, xét kết quả học tập THPT phối hợp với kiểm tra đầu vào… 

 Vì lý do bất khả kháng sẽ xin cấp có thẩm quyền

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ này vừa trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với Covid-19. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15.6 thì kỳ thi THPT Quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11.8. Vì sau khi kết thúc năm học vào ngày 15.7, học sinh cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập, bằng thời gian ôn tập những năm trước. Tuy nhiên, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia thì phương thức cơ bản như năm 2019 nhưng sẽ xem xét giảm số môn thi.

Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top