Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh giai đoạn 2020-2025: Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa

VHO- Bộ VHTTDL và Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam vừa thống nhất Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020-2025.

Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh giai đoạn 2020-2025: Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa - Anh 1

 Một hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây - Hà Nội) Ảnh: TR.HUẤN

 Chương trình phối hợp nhấn mạnh mục đích là nhằm nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó phát huy vai trò tự quản của cộng đồng thông qua thực hiện quy ước, hương ước để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh; chú trọng phát triển cách làm hay, gương điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng trong cả nước.

Theo nội dung và giải pháp phối hợp, gồm: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân ở khu dân cư thực hiện nội dung quy ước, hương ước của cộng đồng; các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tích cực xây dựng gia đình văn hóa ấm no hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình… Tuyên truyền nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” về tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiêu chuẩn xây dựng đô thị văn minh, tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đến từng gia đình, khu dân cư.

Hướng dẫn rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy ước, hương ước ở các khu dân cư, nhất là đối với các khu dân cư mới sáp nhập. Xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy vai trò của các tổ chức tự quản cộng đồng ở khu dân cư, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn khu dân cư cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, nhất là ở những khu dân cư mới sáp nhập… Xây dựng mô hình gắn kết các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở thôn (bản), xây dựng đô thị văn minh ở khu phố. Định kỳ hằng năm sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư đảm bảo vui tươi, ý nghĩa, thiết thực; Tổ chức các hoạt động Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tạo điểm nhấn trong dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam hằng năm; Chú trọng các hoạt động giao lưu văn hóa mang tính truyền thống, đặc sắc của mỗi địa phương, dân tộc; biểu dương, tôn vinh các di sản văn hóa mang đậm tính đặc trưng, tiêu biểu của từng vùng, miền…; Đánh giá khen thưởng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư... 

P.V-V.DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc