Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Cụ ông nguyện cả đời vớt rác không công

Thứ Năm 02/04/2020 | 15:17 GMT+7

VHO- Thấy di tích lịch sử quốc gia hồ Hữu Tiệp (hồ B52), Hà Nội có nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải, hơn 30 năm qua, ông Đỗ Sáng Luyện (84 tuổi ở phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đã quyết tâm cải tạo mặt hồ và khu vực xung quanh. Ông chỉ dành duy nhất một ngày nghỉ lễ, còn lại 364 ngày trong năm, ông luôn tình nguyện dọn rác.

Hồ Hữu Tiệp, hay còn được người dân gọi với tên “hồ B52” đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là điểm hồ duy nhất còn lưu giữ xác máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội cho đến hôm nay. Di tích còn là niềm tự hào của người dân Thủ đô nghàn năm văn hiến. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của các khu dân cư, khu vực hồ ngày càng bị ô nhiễm do rác thải. Suốt một thời gian dài, người dân tại khu vực phải sống chung với ô nhiễm khi mặt hồ và khu vực xung quanh ngập rác. Nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng, váng xanh nổi đầy mặt nước, thậm chí một số ngày nắng nóng còn bốc mùi hôi. Các loại rác thải như túi nilon, vỏ hộp sữa, cốc giấy, vỏ kẹo… nổi lềnh phềnh. Không chỉ vậy, cạnh cột biển Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp cũng trở thành điểm tập kết rác lớn gây mất mỹ quan. Chứng kiến cảnh di tích lịch sử quốc gia bị ô nhiễm nặng nề, ông Đỗ Sáng Luyện luôn đau đáu làm sao để khu vực hồ sạch rác.

 Ông Đỗ Sáng Luyện hằng ngày dọn rác tại khu vực hồ B52

Gặp ông Luyện trong một buổi chiều mưa, trên tay ông là chiếc vợt tự chế bằng tầm lưới cũ, ông Luyện vẫn cặm cụi vớt từng mẩu rác là túi nilon, lá cây... Đây cũng là lần thứ tư trong ngày ông ra hồ B52 để dọn rác. Rác sau khi vớt lên, được ông phân loại và cho vào bao tải giấy. Ông kể trời mưa nhỏ còn đỡ, những ngày mưa kèm gió lớn, khoác chiếc áo mưa, ông còn tưởng mình bị thổi bay xuống hồ. Định không đi nhưng nếu cứ ở trong nhà, ông Luyện lại lo lắng bởi đây mới là thời điểm rác rơi xuống hồ nhiều nhất. Thấy vậy, ông tiếp tục cầm dụng cụ lên đường đi dọn. Chỉ vớt lá, cành, rác sinh hoạt rơi xuống hồ đã quá sức với ông nhưng nhiêu đó vẫn chưa kinh hãi bằng việc một số người vứt xác động vật xuống hồ: “Nhiều đêm tranh thủ lúc không có ai để ý, những người vô ý thức vứt cả một bao tải xác động vật xuống hồ, mấy hôm sau mới nổi, mùi nồng nặc. Vớt lên vừa nặng, vừa hôi, mùi ám cả vào quần áo, kéo lê bao tải cả một đoạn dài mới đến chỗ bỏ. Làm xong mấy hôm sau tôi vẫn chưa hết ám ảnh”.

Rác từng nhiều vô kể nhưng nhờ sự cần mẫn và quyết tâm của ông mà đến nay, hồ đã trở nên trong xanh. Không còn hình ảnh xấu xí cả “tảng” rác lớn nổi trên mặt hồ di tích. Nhưng ông vui nhất là ý thức bảo vệ môi trường khu di tích của người dân được nâng cao. Nhiều người thấy ông vất vả nên đã cùng canh chừng, nhắc nhở khi có người vứt rác xuống hồ.

Làm công việc “vác tù và hàng tổng” với biết bao khó khăn nhưng ông Luyện không xin bất cứ một đồng phụ cấp, thù lao hay tấm bằng khen nào. Nhiều lúc còn phải nhận những lời trêu chọc không hay nhưng cũng không vì thế mà ông từ bỏ. Ông nói muốn làm đẹp cho di tích lịch sử và đây cũng chính là niềm vui của ông mỗi ngày. Tấm lòng của ông Luyện khiến nhiều người dân địa phương cảm phục. Chị Nguyễn Thị Quyên (tổ dân phố 22, phường Ngọc Hà) bày tỏ: “Tuổi của ông cũng đã cao nhưng vì thế hệ tương lai nên ông luôn cần mẫn làm công việc này. Kể cả mưa đến mấy, thấy hồ có rác là ông đi vớt. Trước hành động đẹp của ông, tự mình phải nhắc nhở bản thân và con cháu trong gia đình không được xả rác để khu di tích và môi trường xung quanh được sạch đẹp, ông cũng bớt vất vả”.

Giữa nhịp sống hối hả của Thủ đô, hành động bảo vệ môi trường của ông Đỗ Sáng Luyện là một hình ảnh đẹp về tình yêu và trách nhiệm đối với bảo tồn di tích văn hóa quốc gia. Khi ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, mỗi người sẽ có những hành động thiết thực và ý nghĩa như ông Luyện. Bản thân ông cũng mong muốn mọi người sẽ có ý thức thu gom và vứt rác đúng nơi quy định, nhất là ở gần những khu di tích.

ĐÌNH TOÁN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top