Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam: Nhiều nghệ sĩ lựa chọn đi “đường vòng”

Thứ Tư 19/02/2020 | 11:36 GMT+7

VHO- Những thập niên qua đã đánh dấu thay đổi lớn trong quá trình hội nhập, phát triển của mỹ thuật Việt Nam, nhất là từ khi nghệ thuật đương đại chính thức được công nhận như một mô hình thẩm mỹ mới.

“Tháng thực hành nghệ thuật” năm 2015 tại không gian Heritage Space, Hà Nội

 Nhưng đằng sau năng lượng tự thân khá dồi dào của nghệ sĩ là câu chuyện đầy trăn trở về một môi trường thuận lợi để kích thích sáng tạo.

Chọn cách đi “đường vòng”

Năm 2007 đánh dấu bước ngoặt lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam, khi Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần đầu tiên diễn ra đã chính thức công nhận nghệ thuật đương đại như một mô hình thẩm mỹ chứ không đơn thuần là chấp nhận thể loại, trường phái hay xu hướng nghệ thuật. Sau đấy, mỗi triển lãm, bieannale trưng ra hàng trăm tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, sắp đặt, video art, trình diễn… Mỹ thuật Việt Nam nhờ vậy từng bước tiệm cận nghệ thuật đương đại thế giới. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những không gian mỹ thuật mang tính nhà nước đang dần thiếu vắng các tác phẩm đậm chất đương đại.

Trong khi các sự kiện mỹ thuật lớn ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia… luôn phong phú tác phẩm đương đại thì ở Việt Nam lại hiếm gặp. Thay vào đó, hội họa giá vẽ vẫn chiếm số lượng lớn. Nghệ sĩ “xuất khẩu” tác phẩm đương đại nhưng không đưa đến không gian mang tính chính thống như bảo tàng, bieannale, triển lãm mỹ thuật toàn quốc… mà phần đông tìm đến không gian tư nhân. Do mỹ thuật hiện đại đã không bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang các hình thức mới, gắn trực tiếp với thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, cách mạng công nghệ số… nên phương thức thể hiện đòi hỏi không gian triển lãm đủ rộng, đủ phương tiện âm thanh, ánh sáng, màn hình… Thế nhưng, phần lớn bảo tàng ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này.

Những không gian nghệ sĩ đương đại thường tìm đến như Heritage Space, Six Space, Manzi - Art Space, L’Espace (Hà Nội) hay Sàn Art, Quỳnh Gallery, A.Farm (TP.HCM)… phần lớn được cải tạo lại, hoặc do bản thân nghệ sĩ tự vận động mà có. Trung tâm nghệ thuật đương đại được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng như Vincom Center for Contemporary Art (VCCA - Hà Nội), The Factory - Contemporary Arts Centre (TP.HCM) đến giờ thực ra chỉ là “đếm trên đầu ngón tay” và cũng không thuần dành cho nghệ thuật đương đại.

Thay vì giẫm chân vào lối mòn, đánh mất cơ hội, nhiều nghệ sĩ Việt đã lựa chọn cách đi “đường vòng”. Nghĩa là thông qua nước ngoài để bù đắp thiếu hụt của đào tạo nghệ thuật trong nước. Một số tác phẩm nghệ thuật đương đại có tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam thường xuất hiện trong các sưu tập ở nước ngoài, như các bảo tàng ở Singapore, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản… Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, điều này dẫn đến tình trạng “chảy máu nghệ thuật”, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nghệ thuật đương đại trong nước và cơ hội thưởng thức nghệ thuật đương đại của khán giả Việt.

Tận dụng cơ hội

Không khó để nhìn thấy thời gian qua có những tên tuổi nghệ sĩ người Việt hoặc gốc Việt thành danh trên quốc tế, như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatshushiba, Danh Võ, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Tifany Chung… Xu hướng của nghệ sĩ đương đại là đi theo các dự án nghệ thuật, nhấn mạnh quá trình thực hiện với phương pháp tiếp cận đa dạng theo hướng liên ngành: Từ nghiên cứu điền dã, thực hành đa phương tiện bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như vẽ, in ấn, ký họa, nhiếp ảnh, video, sắp đặt, sử dụng các đồ vật có sẵn, tạo tác các vật phẩm kết hợp với nghệ nhân thủ công truyền thống… Điều này giúp nâng nghệ thuật đương đại Việt Nam lên tầm thế giới, cho dù môi trường trong nước không thực sự kích thích phát triển.

Môi trường nghệ thuật đương đại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ, tác động ngược lại đến thực hành sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng sự chủ động, tích cực tìm kiếm đã giúp nghệ sĩ đương đại Việt Nam có điều kiện học hỏi, hòa mình vào những cuộc chơi mới. Tiếp sức cho dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam hiện nay là vai trò của các trung tâm văn hóa quốc tế như Viện Goethe (Đức), L’Espace (Pháp)… và các quỹ hỗ trợ nghệ thuật như Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch (CDEF), Quỹ Prince Claus (Hà Lan), hay trước nữa như Quỹ Ford (Mỹ)… Chính những hỗ trợ bên ngoài đã phần nào phá bỏ “điểm thắt” về thiết chế của nghệ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời trở thành cú hích cho nghệ sĩ không chỉ thực hành cá nhân mà chủ động mở rộng môi trường sáng tạo nghệ thuật.

Sự chủ động nắm bắt cơ hội của nghệ sĩ càng quan trọng trong bối cảnh đào tạo nghệ thuật đương đại ở Việt Nam còn là một “khoảng trống”. Theo PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: “Thực tế đào tạo mỹ thuật của Việt Nam hầu như chưa phản ứng gì với xu thế phát triển chung trên thế giới”. Ông Phương cho rằng, thúc đẩy nghệ thuật đương đại giờ đây là nhanh chóng “phản ứng” trước xu hướng của nghệ thuật trong nước và quốc tế. Trong đó, cần xác định rằng thực hành nghệ thuật hiện nay và tương lai không thể nằm ngoài sự ứng dụng công nghệ số. Trong đó, hoạt động nghệ thuật liên môn, liên ngành kết hợp các thể loại mỹ thuật được thế giới coi là xu hướng thú vị và tốt nhất trong nghệ thuật mới. Sự xoay chuyển cách thức đào tạo nghệ thuật chính là bước khởi đầu cho phép nghệ sĩ nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Tính nền tảng thể hiện ở môi trường nghiên cứu đa ngành, ở đó người học phải khảo nghiệm, phân tích và kết nối những vấn đề đặt ra từ khía cạnh văn hóa trong quá trình tư duy tác phẩm nghệ thuật. 

 

 Thực tế đào tạo mỹ thuật của Việt Nam hầu như chưa phản ứng gì với xu thế phát triển chung trên thế giới. Thúc đẩy nghệ thuật đương đại giờ đây là nhanh chóng “phản ứng” trước xu hướng của nghệ thuật trong nước và quốc tế. Trong đó, cần xác định rằng thực hành nghệ thuật hiện nay và tương lai không thể nằm ngoài sự ứng dụng công nghệ số. Trong đó hoạt động nghệ thuật liên môn, liên ngành kết hợp các thể loại mỹ thuật được thế giới coi là xu hướng thú vị và tốt nhất trong nghệ thuật mới.

(PGS.TS NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG)

 NGỌC HÀ

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top