Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Người giữ hồn văn hóa nơi đại ngàn

Thứ Sáu 14/02/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- “Sau nhiều năm truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, hát sử thi… thấy mọi người dân từ già, trẻ, lớn, bé trong làng ai cũng ham học nên bụng tôi vui lắm. Tôi muốn dành hết tâm huyết của mình truyền dạy cho các thế hệ, chỉ mong rằng văn hóa cồng chiêng sẽ được vang mãi trong đại ngàn”.

Với niềm đam mê cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân Đinh Keo đã dìu dắt nhiều thế hệ đến với cồng chiêng

Đó là chia sẻ của nghệ nhân Đinh Keo (SN 1958, làng Pyang, thị trấn Kông Chro, Gia Lai) người vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nghệ nhân đa tài

Vào những ngày đầu Xuân, chúng tôi tìm về làng Pyang, thị trấn Kông Chro gặp nghệ nhân Đinh Keo, người nổi danh ở vùng Đông Trường Sơn với tài đánh chiêng, chỉnh chiêng, múa xoang, hát sử thi... Đến làng Pyang, hỏi nhà nghệ nhân Đinh Keo thì từ người già đến trẻ nhỏ trong làng ai ai cũng đều biết và chỉ đường. Thấy chúng tôi đến, nghệ nhân Đinh Keo vui vẻ mời vào nhà. Bên chén trà nóng, ông Keo bắt đầu kể lại niềm đam mê cồng chiêng của mình.

Xuất phát từ những ngày thơ ấu theo chân bố mẹ tham gia các ngày hội ở làng, cùng hòa mình trong những bài nhạc, tiếng chiêng và những điệu múa xoang… thấy thích thú với chiêng nên từ đó ông quyết tâm học. “Lúc mới bắt đầu tập, tôi đã tự tìm tòi, nhìn các già làng, những người đánh chiêng đi trước để học theo. Đến năm 20 tuổi, tôi đã thành thạo các bài chiêng truyền thống của làng, tự sáng tác ra những ca khúc, bài chiêng mới để đi biểu diễn tại các ngày hội nhỏ, hội hè mà làng tổ chức”, ông Keo kể.

Cũng theo ông Keo, ông đến với cồng chiêng như một cái duyên. Tiếng chiêng, câu hát, điệu nhảy truyền thống từ cồng chiêng như ngấm vào máu thịt ông ngay từ ngày thơ ấu. Từ bao đời nay, trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cồng chiêng như một nền văn hóa, một nét đặc sắc riêng, nó góp mặt trong tất cả các sự kiện lớn, nhỏ của làng. Không những vậy, cồng chiêng còn là tiếng nói riêng của dân làng với Giàng trong những lễ cúng, trong mỗi mùa lễ hội, là tiếng bi ai, chất chứa nỗi niềm tiễn đưa người về cõi vĩnh hằng…

Ngày trước, ông rất mê chiêng nên đã sưu tầm được khoảng 10 bộ chinh, chiêng với nhiều âm thanh khác nhau. Có những bộ chinh, chiêng được ông gìn giữ đã hơn 40 năm và coi nó như báu vật của mình. Sau này, cảm thấy cũng ít dùng đến nên đã đem tặng cho người thân, học trò, chỉ giữ lại 2 bộ cồng chiêng và 1 bộ chinh. Theo tìm hiểu, không chỉ người dân biết đến nghệ nhân Đinh Keo qua tài đánh chiêng hay mà ông còn có thể chỉnh được chiêng cũ, chiêng hư, lạc tiếng để cho ra những âm thanh chuẩn nhất.

Nói về cơ duyên đến với nghề chỉnh chiêng, ông Keo chia sẻ, hồi đó, cả huyện Kông Chro không có ai biết chỉnh chiêng cả, người dân có chiêng hư, lạc tiếng lại phải mang đi nơi khác sửa. Thấy vậy, năm 1976, ông quyết định khăn gói đi về xã Mrơn (huyện Ia Pa, Gia Lai) để học chỉnh chiêng. Chỉ sau 2 tuần học ông đã biết cách chỉnh, bắt đầu mua dụng cụ về và chỉnh cho nhiều người dân trong làng. “Trên địa bàn huyện Kông Chro có hơn 850 bộ cồng chiêng thì già đã tận tay chỉnh âm khoảng 400 bộ. Vì trong làng lúc đó không ai biết chỉnh chiêng nên tôi cũng đã truyền dạy lại kỹ thuật chỉnh cho nhiều người. Tuy nhiên, chỉ có người em bà con Đinh Glich là có thể chỉnh được”, già Keo nói.

Lý giải về việc này, ông Keo chia sẻ, để chỉnh được chiêng phải là người có đôi tai thẩm âm thật tốt, hiểu và chơi được nhiều loại chiêng khác nhau thì mới có thể chỉnh đúng chuẩn được. Rất nhiều người theo học bao năm nhưng chẳng được mấy ai học thành là vậy. Ta phải hiểu nó, yêu nó, dành tâm huyết cho nó thì mới điều chỉnh được nó.

Giữ hồn văn hóa nơi đại ngàn

Không chỉ nổi danh là một nghệ nhân đánh chiêng nổi tiếng, ông Đinh Keo còn là người thầy dìu dắt nhiều thế hệ trẻ học đánh chiêng, múa xoang, hát sử thi… lưu truyền văn hóa truyền thống dân tộc. Ở Tây Nguyên, nhiều làng quan niệm đánh chiêng là chuyện của con trai có sức khỏe, đại diện cho dân làng với khí phách oai hùng, tham dự những ngày lễ lớn của làng. Nhưng tại làng Pyang, để bảo tồn và nhân rộng nét văn hóa đặc sắc này, nghệ nhân Đinh Keo đã dạy đánh chiêng cho cả những người con gái, phụ nữ với mong muốn lưu truyền văn hóa từ đời này sang đời khác, không để mai một.

Theo ông Keo, ngày trước trong làng chỉ có mình ông dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, sau này lớp trẻ thành thạo rồi thì dạy lại cho các lớp sau, cứ thế trong làng giờ có rất nhiều người biết đánh và sử dụng chiêng. Hiện tại, làng Pyang đã có một đội chiêng nhí gồm 30 cháu từ độ tuổi 10 - 15, một đội chiêng nữ gồm 30 người dưới 30 tuổi và một đội chiêng nam gồm 30 người, tuổi nào cũng có. Điều đặc biệt hơn là hầu hết đàn ông trong làng Pyang đều biết đánh chiêng.

Ngoài truyền dạy đánh chiêng, nghệ nhân Keo còn dạy thêm múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi, đan lát..., phối hợp với trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kông Chro dạy chiêng cho các em học sinh nơi đây. “Thấy nhiều người dân, già trẻ lớn bé trong làng ai cũng ham học nên bụng tôi vui lắm. Tôi muốn dành hết tâm huyết của mình dạy cho các thế hệ, chỉ mong rằng văn hóa cồng chiêng sẽ được vang mãi trong đại ngàn”, ông Keo nói.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, nghệ nhân Đinh Keo đã có rất nhiều đóng góp cho hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng Pyang nói riêng và huyện Kông Chro nói chung. Nhiều năm qua, ông thường xuyên được mời đi tham gia, giao lưu, truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tại các địa phương. Mới đây, ông Đinh Keo là một trong 8 cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của ông, đó cũng là nguồn động viên to lớn để ông Keo tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. 

VĂN HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top