Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân: “Ca trù là cuộc đời tôi”

Thứ Hai 10/02/2020 | 10:51 GMT+7

VHO- Gần 40 năm qua, NSƯT Bạch Vân đã nỗ lực phục dựng, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc để nó không bị mai một.

Tình cờ đến với ca trù và gắn bó như định mệnh, gần 40 năm qua, NSƯT Bạch Vân đã nỗ lực phục dựng, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc để nó không bị mai một.

PV: Thưa NSƯT Bạch Vân, là một người gốc Nghệ và có năng khiếu văn chương từ bé, tại sao bà không chọn con đường văn sĩ mà lại theo nghiệp ca hát, và lại hát ca trù?

NSƯT Bạch Vân: Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn chương và âm nhạc, mẹ tôi hát dân ca ví giặm nổi tiếng. Anh chị em tôi được học hát từ mẹ, tôi được thừa hưởng giọng hát của mẹ, vốn hiểu biết văn chương từ cha và các anh. Sau đó, tôi ra Hà Nội theo học thanh nhạc tại trường âm nhạc Việt Nam. Thế nhưng cơ duyên đến với ca trù thật tình cờ. Một lần tôi được nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài, tự nhiên tôi cảm thấy bị mê hoặc, bị lôi cuốn ngay. Tôi thấy quyến luyến bởi những giai điệu, lời ca của ca trù và tôi quyết định gắn đời mình với ca trù.

Tôi tìm đến với những cuốn sách viết về ca trù của các nhà nghiên cứu Đỗ Trọng Hòe và Đỗ Bằng Đoàn. Khi đọc, tìm hiểu kỹ về ca trù, tôi tìm thầy để học, đó là các cụ ở các vùng quê Bắc bộ như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… Tôi say mê với ca trù từ đó.

NSƯT Bạch Vân

PV: Trên chặng đường gần 40 năm cống hiến cho ca trù, chắc hẳn bà đã trải qua không ít thăng trầm?

NSƯT Bạch Vân: Yêu thích ca trù thì nhiều người yêu thích, nhưng đam mê, sống chết với nó và muốn bảo tồn, phục dựng thì không phải ai cũng làm được. Năm 1991, mốc thời điểm thành lập CLB ca trù Hà Nội, tôi đứng ra làm chủ nhiệm với muôn vàn khó khăn. Trong sách vở, tôi gọi là “ca trù” thay cho cách gọi trước đây là “hát cô đầu”, “hát ả đào” - những từ có ý miệt thị, coi thường bộ môn nghệ thuật này. Sau khi CLB thành lập, chúng tôi có nhiều cuộc vận động để các nghệ nhân quay trở lại với chiếu hát, vì họ bỏ nghề đã lâu. Lúc đó, CLB nằm ở Bích Câu đạo quán, tôi đã tổ chức các buổi tưởng niệm ca trù nhằm giới thiệu, vận động các nghệ nhân quay trở lại và truyền nghề.

Tôi nỗ lực thuyết phục các nghệ nhân quay lại chiếu hát để truyền nghề, bởi tôi sợ sự mai một khi không có người kế tục. Tôi may mắn thuyết phục được bà Phó Thị Kim Đức trở lại dạy đàn, dạy hát rồi thành lập nhóm ca trù giáo phường Kim Đức, hay như nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Trúc… Câu lạc bộ đông dần, duy trì 2 đêm mỗi tuần hát miễn phí cho những người yêu thích ca trù. Tôi nhận được sự cảm mến và trân trọng của mọi người, trong đó có cả người nước ngoài, họ đến với chiếu hát để nghe chúng tôi diễn.

Khi câu lạc bộ ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và yêu mến của đông đảo công chúng yêu ca trù. Chúng tôi khá vất vả trong việc duy trì chiếu hát bởi vì kinh phí không có, các đêm diễn thì không bán vé. Có những đêm diễn chi phí nhiều nhưng chúng tôi không có một đồng tiền thưởng nào. Tôi vẫn thường động viên mọi người cố gắng bảo tồn và phát huy, nếu chúng tôi không làm, chắc cũng không ai làm.

PV: Con đường đi khó khăn như vậy, bà có bao giờ thấy nản chí không?

NSƯT Bạch Vân: Không, chắc chắn không. Số phận tôi đã gắn với ca trù thì mãi mãi tôi sống chết với nghề. Tôi quyết tâm đến tận cùng là phục dựng, bảo tồn và phát huy đối với bộ môn nghệ thuật này. Tôi mong muốn đào tạo một vài nghệ sĩ có tinh thần đam mê ca trù như tôi, để tôi có thể tin cậy truyền nghề. Tôi đã được truyền nghề từ những người thầy lớn, do đó tôi muốn có người thực sự tâm đắc, đam mê để đi tiếp con đường mà tôi đang đi. Đúng là phải có đam mê và tình yêu thực sự mới theo được nghề này, bởi vì chúng tôi không có thù lao hay trợ cấp gì để duy trì. Rất khó để ai đó yêu ca trù một cách vô điều kiện. Tôi thì có sẵn tình yêu vô bờ với nó rồi, không chia cắt được. Vì thế, tôi cũng thiết tha mong muốn những ai đã yêu mến ca trù thì sẽ theo đuổi đến cùng để bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.

PV: Dịp Tết vừa qua chắc hẳn NSƯT Bạch Vân bận rộn hơn những ngày thường?

NSƯT Bạch Vân: Tôi có niềm vui lớn đó là cứ dịp Tết đến xuân về, chúng tôi lại được hát cho người dân trong và ngoài nước nghe, đặc biệt là người nước ngoài họ rất thích nghe ca trù. Điều đó khiến cho chúng tôi có thêm động lực để gắn bó với con đường mình đã chọn. Kỹ thuật hát ca trù không dễ chút nào, nên biểu diễn một đêm, ca nương rất vất vả. Có những đêm diễn tôi hát đến 2 giờ sáng mà khách vẫn còn thích thú, dẫu mệt nhưng vui lắm. Tôi biết mình đã đóng góp được một phần công sức vào việc phục dựng và phát huy vốn văn hóa tưởng chừng như mai một. Ngày Tết, ngày xuân, được hát ca trù cho mọi người nghe là hạnh phúc của chúng tôi. Tôi mong mọi người quan tâm nhiều hơn nữa đến bộ môn nghệ thuật dân tộc, chúng ta cùng giữ gìn, trân trọng, phát huy di sản mà cha ông ta đã dày công vun đắp và truyền lại cho hậu thế.

PV: Trân trọng cảm ơn NSƯT Bạch Vân!

VOV.VN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top