Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Từ bây giờ cần​​​​​​​ hạn chế... “bắt tay”?

Thứ Tư 05/02/2020 | 11:46 GMT+7

VHO- LTS: “Bắt tay nhau như một cách chào hỏi thân thiện thì có gì mà phải hạn chế nhỉ” là câu hỏi được nhiều người đề cập gợi nên sự thắc mắc rằng, bắt tay không có gì là xấu nên chẳng cần đến khuyến cáo… Tuy nhiên trên thực tế không hẳn đã là như vậy.

Trong chuyên mục Đời sống xanh, từ số này Văn Hóa mong muốn nhận được sự quan tâm cộng tác của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu và bạn đọc gần xa bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về vấn đề này. Dưới đây là bài viết của một độc giả thân quen của Văn Hóa như một cách gợi mở vấn đề…

 Theo nhiều cơ quan y tế, trên 1 cm2 bàn tay chứa khoảng 4,6 triệu vi khuẩn cư ngụ. Trong khi đó mỗi chúng ta, không phải lúc nào cũng sẵn sàng bàn tay sạch để bắt tay

 Đã từ lâu, với thực tế các giao tiếp trong cuộc sống, tôi đã để tâm đến thói quen hay “thủ tục” bắt tay nhau rất phổ biến trong đời sống xã hội. Đến Giao thừa vừa rồi, câu chuyện được truyền thông đưa tin việc Giáo hoàng lên tiếng xin lỗi một người phụ nữ khi Ngài với nét mặt khó chịu giật bàn tay của mình ra khỏi hai bàn tay của một phụ nữ đứng trong đám đông chào đón Ngài trước lúc đọc thông điệp năm mới.

Nhưng xem đoạn clip mới thấy sự cáu giận và hành vi của Giáo hoàng là “có lý” khi người phụ nữ nọ, dù có thể bắt nguồn từ lòng tôn sùng thái quá đã sỗ sàng chộp lấy bàn tay của Ngài để… bắt tay. Và trong những ngày qua mọi người trong chúng ta đang gồng mình đối phó với dịch virus corona, nghe ngành Y tế khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa tối thiểu, là khi giao tiếp nên đứng cách xa nhau một chút (để tránh nước bọt hay hơi thở không sạch phát tán), và thường xuyên phải rửa kỹ bàn tay của mình thì tôi thấy “cơ hội đã chín muồi” để đưa ra một đề nghị liên quan đến một hành xử rất phổ biến và tưởng như rất tự nhiên trong giao tiếp xã hội đương đại, đó là cần thiết phải điều chỉnh lại hành vi… bắt tay ở nước ta.

Bắt tay có nghĩa là hai người khi gặp nhau chìa bàn tay của mình để nắm tay nhau thể hiện sự thân thiện, thay thế hay bổ sung cho lời chào (khi gặp hay từ biệt). Người ta nói rằng xuất xứ cách thể hiện này là hai bên tỏ rõ cái họ chìa ra là hai bàn tay “sạch” (hiểu theo nghĩa bóng là không cầm vũ khí), không nguy hiểm. Số đông sử dụng tay phải cầm vũ khí nên việc bắt tay cũng phổ biến là dùng tay phải (thuận). Cá biệt bắt tay trái là lệ tục của cộng đồng “hướng đạo sinh” (scoutisme) vì họ cho rằng, tay trái “gần tim” hơn và cách này tỏ sự tâm thành hơn (!). Nhưng cũng có những cộng đồng, dân tộc lại coi đó là điều cấm kỵ khi cho rằng tay trái là… bẩn.

Như vậy là việc bắt tay cũng chứa đựng rất nhiều quan niệm, nguyên tắc khác nhau và phức tạp gắn với những cách thể hiện và tình huống cụ thể. Với ngành ngoại giao thì việc bắt tay đòi hỏi một kỹ năng không đơn giản… tựa như ngôn ngữ hình thể. Lại còn những biến tướng của cuộc sống như thói bắt tay sau khi cụng ly uống rượu, bia… trên bàn tiệc, những vồ vập thái quá gây khó chịu…

Trong thực tế, bàn tay với chức năng hàng đầu là công cụ tiếp xúc (cầm, nắm…), rất “đa năng” của cơ thể với đồ vật và chính con người (trên thân thể mình hay người khác) nên càng nhận ra rằng, đó cũng là bộ phận trên cơ thể dễ bẩn nhất, chứa chất nhiều nguồn bệnh nhất mà sự khuyến cáo của ngành Y tế ngay trong cuộc sống đời thường (chứ không chỉ khi có dịch) là phải rửa tay thường xuyên. Nhưng ý niệm thế nào là thường xuyên để lúc nào cũng sẵn sàng một bàn tay sạch theo nghĩa đen càng không đơn giản. Phàm hai bàn tay không sạch nắm lấy nhau thì khó có thể coi là sự thân thiện nếu biết rằng đó là lúc khả năng lây truyền bệnh là cao nhất.

Dẫn ra dài dòng như vậy cũng là để đi đến một đề nghị rất cần thiết: Hãy hạn chế việc bắt tay, ít nhất là trong thời điểm dịch bệnh này. Vậy để chào nhau, thay thế cái bắt tay bằng cái gì? Đơn giản là trở lại với cách thể hiện truyền thống của ông cha ta trước khi ta học (hay bắt chước) người phương Tây từ thời tiếp xúc đầu tiên, đặc biệt là thời thuộc địa với lối sống được coi là “tân thời”. Đó là cách chào khá phổ biến ở phương Đông, đứng đối diện ở khoảnh cách thích hợp và cúi chào nhau theo những mức độ, động tác phù hợp với mối quan hệ giữa hai hay nhiều người (như góc độ cúi đầu, tư thế và động tác của hai bàn tay…). Ta vẫn thường thấy ở nhiều nước thời đương đại (như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…) người ta vẫn chào theo cách này. Đương nhiên việc bắt tay vẫn duy trì nhất là trong đối ngoại, nhưng nên cần “chuyên nghiệp” hơn, hạn chế những kiểu bắt tay tùy tiện, không đúng lúc, đúng chỗ… và đáp ứng cho những người hay những thời điểm không thích hợp để bắt tay (tay có bệnh ngoài da, tay đang vấy bẩn, chưa kịp vệ sinh…).

Nói tóm lại, nhân dịp ứng phó với dịch virus corona này, chúng ta nên khởi động một tiến trình điều chỉnh từng bước nhằm hạn chế việc bắt tay nếu không cần thiết. Và tôi tin rằng, vấn đề “bàn tay sạch” theo đúng nghĩa đen của từ này vẫn là một nhu cầu càng ngày càng phải quan tâm để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng sẽ hướng sự lựa chọn cách chào có xu hướng… trở về với truyền thống nhiều hơn, cũng như câu chuyện tìm lại bộ áo dài ngũ thân cho nam giới đang được xã hội đón nhận ngày một thiện cảm hơn.

QUỐC ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top