Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phân lô… di sản vì giá muối rẻ?

Thứ Tư 05/02/2020 | 11:15 GMT+7

VHO- Cánh đồng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) từng nằm trong nhóm cảnh đẹp nổi tiếng của địa phương và là di sản ngàn năm đang bị phân lô bán nền.

 Đây là cánh đồng muối Sa Huỳnh…

Sa Huỳnh ngày cuối năm, cánh đồng muối có diện tích 110 ha thấp thoáng bóng những người nông dân cặm cụi, mệt mỏi. Thời điểm cách đây vài năm thì là dịp làng muối tấp nập xe đến, xe đi, nhà nhà ra đồng và nhắc chuyện “bán muối kiếm tiền tiêu Tết”. Nhưng không khí bây giờ là ảm đạm và mọi người chỉ nhắc chuyện giao đất cho doanh nghiệp phân lô bán nền kiếm vài trăm triệu. Có người lo âu nhắc đến việc cầm ít tiền đền bù, chỉ sau 1 năm đã tiêu gần hết, giờ biết lấy gì để mà lo toan cho phần đời còn lại.

Sa Huỳnh là địa danh văn hóa nổi tiếng của cả nước. Từ năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp là Vinet đã phát hiện, khai quật được 200 ngôi mộ chum với những cổ vật đầy ám ảnh và gây tò mò với giới nghiên cứu khảo cổ thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là một trong những cái nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh được ghi nhận thuộc thời đại đồ sắt sớm cách đây 2000-2500 năm. Người Sa Huỳnh là những bộ lạc có tục chôn người chết trong chum đất kèm theo của quý, đồ trang sức bằng pha lê tinh xảo, xương cá, rất giỏi đi biển nên đã sớm chinh phục đại dương.

Năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Cụm văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với gò Ma Vương, đầm nước ngọt An Khê, cánh đồng muối Sa Huỳnh. Địa danh này được các nhà nghiên cứu đánh giá là nơi có địa hình cực kỳ thuận lợi cho những người tiền sử sinh tồn. Đó là đầm nước ngọt An Khê có diện tích 380 ha nằm sát biển. Cư dân Sa Huỳnh có thể ra biển đánh cá bằng chiếc thuyền thô sơ rồi kéo vào đầm nước ngọt khai thác cá vào mùa biển động.

Tại khu vực này, một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn nhoài ra phía biển và trên dãy núi đó là tuyến đường thiên lý để đi đến nhiều vùng miền khác nhau. Một cửa biển rộng và đẹp có dãy núi che chắn. Cánh đồng muối giống như “mỏ dầu” để cư dân ở đây mang đi đổi sản vật ở các vùng miền, biến nơi đây thành “trung tâm thương mại”. Đến năm 1965, những chiếc ghe bầu hằng ngày vẫn còn miệt mài chở muối, căng buồm, xuôi từ Quảng Ngãi ra cung cấp cho cả thị trường Đà Nẵng.

 … và nay san lấp mặt bằng

Vài năm trở lại đây, những cụm từ “cứu muối, diêm dân Sa Huỳnh có thu nhập thấp, muối Sa Huỳnh hạ giá…” trở nên phổ biến. Chuyện diêm dân Sa Huỳnh bắt đầu chuyển đề tài từ “ra đồng làm muối” sang “phân lô bán nền” từ năm 2017, là thời điểm UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương giao 20 ha đất cho Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Ân Phú xây dựng Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh (337 lô đất nhà liên kết, 112 lô biệt thự). Tại chân cầu Tân Diêm, doanh nghiệp Ân Phú đã đổ đất san nền diện tích khoảng 2.000m2. Tiến độ san lấp ruộng muối đang bị dừng lại bởi có những diêm dân chưa đồng thuận và cắm bảng đề nghị dừng san lấp. Đó là những hộ dân bấm đốt ngón tay rồi nhẩm tính chuyện “cầm một cục”, sau đó thì sẽ ra sao?

Ông Phùng Đình Khải cho biết, vợ chồng già rồi, con cái ở miền Nam nên mới đành cầm 700 triệu và giao 1,5 ha ruộng muối cho doanh nghiệp phân lô, còn nếu có sức khỏe thì mỗi năm vợ chồng ông làm lụng 6 tháng trên cánh đồng muối cũng thu về được khoảng hơn 40 triệu đồng. Ông Trần Sáu (83 tuổi) tâm tình, mỗi năm từ diện tích 2.200m2 ruộng muối cũng thu về được số tiền kha khá, bây giờ không còn sản xuất thì cũng lo lắng. Nhiều người dân cho biết, hiện nay còn 10 hộ dân chưa đồng tình vì sợ mất nghề, vì vài trăm triệu thì tiêu xài cũng sẽ hết như gia đình ông An, ông Liễu ở đội 5 thôn Tân Diêm.

Sa Huỳnh dù là một miền quê, nhưng giá bất động sản cao hơn cả những khu dân cư vùng ven thành phố Quảng Ngãi. Giá đất tại làng cá Sa Huỳnh có diện tích 100m2 đang được rao bán giá 2,2 tỉ đồng. Vì vậy, khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh mới là vũng nước nhưng đã được rao bán tràn lan và đưa ra hình thức nhận tiền, viết giấy tay, mức ứng trước 250 triệu đồng/lô. Ông Nguyễn Hữu Chánh, Chủ nhiệm HTX muối Sa Huỳnh cho biết, giá thành 1 tấn muối luôn dao động, có lúc 600 ngàn đồng đến 700 ngàn, giá thấp nhất là 500 ngàn đồng. Mùa vụ muối chỉ kéo dài 6 tháng/năm, nhờ đó diêm dân có điều kiện làm thêm các nghề nghiệp khác, như đi biển, lên Tây Nguyên làm cà phê. Hiện nay 276 hộ diêm dân sản xuất muối thì có một số hộ không còn con cái nối nghiệp, nên có một số ruộng muối không còn cảnh tấp nập như trước. HTX nhiều lần kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho diêm dân để giữ nghề truyền thống nhưng chưa được đáp ứng.

TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng băn khoăn cho rằng, cánh đồng muối Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại cả ngàn năm nay, là thắng cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi, gắn với di sản văn hóa Sa Huỳnh, vì thế cần phải trân trọng di sản này. TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi thì chia sẻ, cánh đồng này có thể đã tồn tại từ thời người tiền sử Sa Huỳnh, đến người Chăm Pa và sang người Việt, hãy ứng xử với cánh đồng muối dưới góc nhìn văn hóa, là di sản vô giá. 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top