Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Mỗi lần mặc chúng tôi thấy yêu đất nước mình hơn”

Thứ Hai 27/01/2020 | 13:51 GMT+7

VHO- Và tôi hiểu ra rằng Việt Nam đã nổi tiếng hơn nhờ vị Đại sứ có trang phục độc đáo trong buổi tiệc chào năm mới của Đức vua và Hoàng hậu. Kể từ đó, mỗi lần đi địa phương, được đón tiếp long trọng hay có dịp nào được mời làm khách chính phát biểu trên diễn đàn, trước máy ảnh, máy quay phim..., tôi tự tin hơn để mặc áo dài. Thương hiệu “Đại sứ Áo dài” cũng bắt đầu định hình từ đó.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Phạm Sanh Châu trình Quốc thư lên Tổng thống Nepal, bà Bidhya Devi Bhandari

Thật sự là tôi không nhớ rõ tôi đã đến với tình yêu áo dài nam từ lúc nào. Chỉ nhớ rằng, năm 2006 tôi được giao phụ trách công tác tuyên truyền, lễ tân ở Ban Thư ký APEC Việt Nam và có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin để thiết kế trang phục mặc chụp ảnh cho các nhà lãnh đạo APEC nhân Hội nghị Cấp cao tại Hà Nội. Đây là một sự kiện đa phương rất quan trọng của Việt Nam, chúng ta có nhiệm vụ vừa đóng góp tích cực vào nội dung hội nghị, vừa quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Hình ảnh các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có các vị Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Canada... hoạt động tại Việt Nam sẽ được truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi ra ngoài thế giới.

1. Làm thế nào để họ giúp quảng bá được một hình ảnh Việt Nam đổi mới ra thế giới? Và bức ảnh quan trọng nhất họ chụp đại diện cho APEC VIETNAM 2006 sẽ ở đâu? Các nhà lãnh đạo sẽ mặc trang phục gì là chủ đề của rất nhiều cuộc họp và trao đổi. Cuối cùng, sau khi được chúng tôi tham mưu, thiết kế Áo dài cho các lãnh đạo APEC đã được duyệt. Hình ảnh áo dài Việt Nam may bằng gấm hiện diện trên khung cảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia hiện đại, vừa được xây dựng với hình mái vòm đại diện cho sóng biển Thái Bình Dương đã đi vào lịch sử văn kiện và truyền thông quốc tế về một Việt Nam đổi mới mà vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Tôi vẫn nhớ sau sự kiện đó, trong khi đại đa số ý kiến hoan nghênh ý tưởng để các vị lãnh đạo thế giới mặc trang phục áo dài Việt Nam chụp ảnh thì có một bác nguyên lãnh đạo cấp cao gọi điện cho Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó để trách rằng vì sao Bộ Ngoại giao lại tham mưu để lãnh đạo thế giới mặc “áo dài của quan lại phong kiến ngày xưa”. Tôi hiểu rằng con đường tìm lại bản sắc trang phục Việt Nam qua áo dài nam không hề đơn giản và vẫn bị ám ảnh bởi định kiến thời phong kiến. Điều đó thôi thúc tôi nhiều hơn trong việc quảng bá áo dài nam.

Năm 2007, khi đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa (NGVH) mà Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thường gọi đùa là Tư lệnh lĩnh vực, tôi đã cùng đồng nghiệp xây dựng một hành lang pháp lý về NGVH, triển khai nhiều hoạt động mà đỉnh cao là năm 2009 được coi là năm NGVH ở Việt Nam và ở tất cả các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Rất nhiều hoạt động quảng bá di sản, quảng bá văn hóa, ẩm thực, quảng bá lịch sử, đất nước, con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế được tổ chức khắp nơi. Thời trang Việt Nam cũng lên ngôi dịp này, thế nhưng quảng bá áo dài nam của Việt Nam vẫn giữ một vị trí khiêm tốn do còn những băn khoăn ở một số vị lãnh đạo. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được sức lan toả của áo dài nam sau này.

2. Đầu năm 2011, tôi lên đường sang Bỉ làm Đại sứ với hành trang 3 cái áo dài gấm được tặng để mặc vào những dịp quan trọng. Khi  trình Quốc thư lên Nhà vua Bỉ, nghĩ đi tính lại tôi vẫn chưa đủ can đảm mặc áo dài nên lại đến cửa hàng thuê đồ Tốc xi đô mà Vụ Lễ tân BNG Bỉ giới thiệu để thuê một bộ mặc cho đúng nghi lễ Hoàng gia. Sáu tháng sau, các Đại sứ mới nhận nhiệm vụ được Nhà vua mời dự tiệc trà. Lần này tôi cũng quyết tâm lắm nhưng duyên chưa tới nên lại thôi.

Thế rồi Tết Dương lịch đón Năm mới đến, triều đình mở hội yến tại lâu đài Bruxelles mời toàn bộ Đoàn Ngoại giao. Hôm đó quan khách đến đông, hàng rào trong ngoài là vô vàn cảnh sát và phóng viên báo chí, nhiếp ảnh. Tôi quyết định trình làng bộ áo dài gấm và sánh đôi với vợ trong áo dài, bạn bè Bỉ và quốc tế trầm trồ. Khi tôi được giới thiệu với Nhà vua, Ngài rất hoan hỉ khen vợ chồng Đại sứ có bộ áo đẹp, duyên dáng và nổi bật trong số các trang phục comple đen và Tốc xi đô thắt nơ truyền thống của văn võ bá quan tham dự lễ hội. Ngày hôm sau,  ảnh chụp tôi bắt tay Nhà vua được đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo lớn. Và tôi hiểu ra rằng Việt Nam đã nổi tiếng hơn nhờ vị Đại sứ có trang phục độc đáo trong buổi tiệc chào Năm mới của Đức vua và Hoàng hậu. Kể từ đó, mỗi lần đi địa phương, được đón tiếp long trọng hay có dịp nào được mời làm khách chính phát biểu trên diễn đàn, trước máy ảnh, máy quay phim..., tôi tự tin hơn để mặc áo dài. Thương hiệu “Đại sứ Áo dài” cũng bắt đầu định hình từ đó.

Ngày tôi sang Đại Công quốc Luxembourg trình Quốc thư không còn áo dài mới nào để mặc nữa. Thế là tôi quyết định mặc áo anh Hai Quan họ. Đối với tôi, cứ có cơ hội là phải quảng bá văn hóa Việt Nam. Nếu không được trình bày về du lịch Việt Nam thì giới thiệu ẩm thực Việt Nam. Nếu chỉ được gặp ngắn thì nhất thiết phải mặc cái gì đó của Việt Nam để định vị rõ mình là người Việt. Và không gì khác là Áo dài nam của người Việt.

Tôi về nước, được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Mỗi lần thay mặt Bộ Ngoại giao làm khách chính cho hoạt động của Đoàn Ngoại giao là tôi lại mặc áo dài và được các vị Đại sứ tấm tắc khen. Bước ngoặt lớn nhất trong trang phục áo dài của tôi là làm quen và gia nhập với tư cách là thành viên thứ 7.000 của Nhóm Đình làng Việt do họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình làm “trưởng thôn”. Trong nhóm có các bạn chuyên nghiên cứu, may mặc và quảng bá áo dài dân tộc. Chúng tôi tổ chức không biết bao nhiêu sự kiện vinh danh áo dài Việt Nam, nào là Tết Việt ở đình làng So, nào là ở Trung tâm Văn hóa Phố cổ, nào là mặc áo dài đi thăm Văn Miếu, mặc áo dài đón Tết Dương lịch và quay truyền hình, mặc áo dài đi chơi sáng mùng 1 Tết, mặc áo dài đi chùa...

Đại sứ Phạm Sanh Châu và phu nhân chụp ảnh cùng Nhà vua Bu-Tan sau lễ trình Quốc thư. Ảnh: Hoàng gia Bu Tan

Có dịp hệ trọng nào hoặc tham dự hoạt động văn hóa cổ truyền nào là chúng tôi lại rủ nhau mặc áo dài. Thấy tôi yêu và mặc áo dài, mọi người yêu quý và liên tục gửi tặng các loại. Loại thì thiết kế ở Huế, loại thì mua ở TP Hồ Chí Minh, lúc thì quà sinh nhật, lúc thì quà năm mới, lúc thì trả ơn cho một công việc nào đó. Tất cả đều là áo dài đủ loại.

3.Tôi được Chính phủ cho phép tranh cử Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO. Được xác định đây là dịp quảng bá con người, đất nước và văn hóa Việt Nam nên đến nước nào vận động tôi cũng tranh thủ mặc áo dài. Bóng áo dài nam Việt Nam bay phấp phới ở khắp các trời Âu, Mỹ, Phi, Á. Ngày tôi thi phỏng vấn tại trụ sở UNESCO để các nước đánh giá năng lực trước khi bầu, tôi cũng định mặc áo dài. Đồng nghiệp khuyên thôi đừng mặc để tập trung trí tuệ trả lời câu hỏi nên tôi rất tiếc không được mặc vào giây phút quan trọng đó. Sau khi thi xong, tôi đã tự mặc áo dài và đi dạo ở trên đại lộ Champs-Elysees và tháp Eiffel chụp ảnh để check in áo dài nam Việt Nam giữa trung tâm thời trang thế giới.

Năm 2018, tôi lên đường làm Đại sứ tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan, mang theo đầy một vali đủ loại áo dài. Hôm trình Quốc thư lên Nhà vua Bhutan, Vua mặc trang phục Bhutan thì tôi là Đại sứ duy nhất trong 6 Đại sứ trình Quốc thư cùng đợt đó là mặc Áo dài dân tộc. Tôi nổi bật trong số các vị Đại sứ và cũng được Đức vua hết lời khen ngợi, vì Bhutan rất coi trọng bản sắc dân tộc, quy định bắt buộc tất cả nam nữ, già trẻ phải thường xuyên mặc trang phục dân tộc. Trong hoàn cảnh đó, khi tôi mặc áo dài nam truyền thống, họ tỏ rõ sự thân thiện vì thấy hai nước đều coi trọng bản sắc văn hóa.

4. Ngày tôi trình Quốc thư lên Tổng thống Nepal, họ bố trí xe tứ mã vào cung. Nepal mới thay đổi từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa nên các nghi lễ ngoại giao vẫn mang dấu ấn hoàng gia. Lần đầu tiên tôi nghiệm thấy không có phương tiện nào phù hợp hơn là xe ngựa để chở Đại sứ mặc áo dài Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến Đại sứ Trần Ngọc An cũng mặc áo dài vào ngày trình Quốc thư lên Nữ hoàng Anh, bức ảnh được coi là tiêu biểu về bản sắc trang phục Việt Nam và được đưa vào nội dung giảng dạy cho các khóa về Ngoại giao Văn hóa cho cán bộ, nhân viên ngoại giao trước khi đi nhiệm kỳ ở nước ngoài.

Tôi quyết tâm lan truyền ngọn lửa yêu áo dài cho các đồng nghiệp ở ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ. Tết là dịp thuận lợi nhất để quay về bản sắc gốc của mỗi người Việt. Thế là bên cạnh việc duy trì truyền thống nấu bánh chưng đón Tết, lì xì cho anh em Đại sứ quán dịp đầu năm mới, tôi quyết định nhờ anh Nguyễn Đức Bình ở nhóm Đình làng Việt may cho 22 bộ áo dài nam để tặng toàn thể cán bộ, nhân viên và phu quân. Tôi để cho từng người một chọn màu sắc ưng ý và gửi đủ số đo về Việt Nam may, sau đó chuyển sang đúng dịp trước Tết. Ngày nhận áo là ngày hội nhỏ khi cả ĐSQ kéo nhau vào mở thùng quà rồi đọc tên từng người để Đại sứ trang trọng tặng quà Tết. Các cụ đã dạy “Của cho không bằng cách cho”, từng người được chụp ảnh với Đại sứ khi được trao tặng quà. Điều đó không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân sự nhiệt tình quảng bá áo dài của Đại sứ mà còn là cách để biểu thị sự trân trọng với bản sắc văn hóa dân tộc.

5. Sáng mồng 1 Tết năm đó, tất cả cán bộ, nhân viên và gia đình tụ họp đông đủ ở công viên Lodhi Garden nằm giữa Thủ đô New Delhi. Thợ chụp ảnh xịn nhất đã được thuê để chụp những pô ảnh đẹp về áo dài Việt Nam trong khung cảnh hùng vĩ và lãng mạn của các công trình kiến trúc lăng mộ cổ nơi chôn các vị vua của triều đại Mumgal. Tôi chắc rằng sẽ không có bộ ảnh nào về các nhà ngoại giao Việt Nam trong trang phục áo dài đẹp hơn thế. Chiêu đãi Quốc khách năm 2019 diễn ra tại khách sạn 6 sao Leela, lần đầu tiên tất cả cán bộ, nhân viên lại nghiêm trang trong trang phục áo dài và hát Quốc ca, chào cờ trong tiếng nhạc oai hùng của dàn quân nhạc Không quân Ấn độ. Chưa bao giờ chúng tôi hát Quốc ca lại xúc động như vậy. Có lẽ bởi dàn nhạc đánh rất hay và có lẽ bởi trang phục áo dài của chúng tôi rất đẹp, sang trọng và nghiêm trang.

Ngoài áo dài, anh chị em trong sứ quán còn có cả áo liền anh, liền chị. Một số chúng tôi đã mặc trong đám cưới của đại gia ở xứ Punjab tháng 10.2019. Và Tết này, cả Đại sứ quán sẽ tiếp tục mặc trang phục truyền thống đó để khẳng định bản sắc văn hóa của Việt Nam. Áo dài nam hay áo anh Hai Quan họ đều rất đa dạng phong phú và rất Việt Nam! Mỗi lần mặc chúng tôi thấy yêu và tự hào về đất nước mình hơn.

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top