Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chuyện về không có thành phố nào của Việt Nam tham gia

Thứ Hai 27/01/2020 | 12:25 GMT+7

VHO- Tham gia mạng lưới Các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội. Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa.

Hoàng hôn về bên chùa Trấn Quốc. Ảnh: Ngọc Tuấn

Năm 2017, tôi tham dự Diễn đàn và Triển lãm các thành phố sáng tạo ASEAN tại thành phố Manila (Philippines). Đây là một sáng kiến ​​của Ủy ban xúc tiến thương mại và đầu tư ASEAN do Trung tâm Thương mại và Công nghiệp và Thiết kế Philippines tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Trong lời khai mạc Diễn đàn Các Thành phố Sáng tạo châu Á tại Trung tâm Nghệ thuật BGC, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez nhấn mạnh rằng, các thành phố sáng tạo ở khu vực ASEAN được coi là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực.

Bên cạnh nỗ lực tham gia vào Mạng lưới Các Thành phố Sáng tạo (UCCN) của UNESCO, các thành phố sáng tạo cần tạo ra kênh đổi mới, cơ hội thương mại và việc làm, đặc biệt ở cấp cơ sở. Ông nói: “Mục tiêu là đưa những tài sản sáng tạo này vào sự đổi mới, việc làm và cơ hội thương mại, cũng như huy động nó để thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực ASEAN có thế mạnh sáng tạo, được hình thành từ vốn nghệ thuật giàu có của nhân dân”.

Thời điểm đó, mới chỉ có bốn thành phố thuộc các quốc gia thành viên của ASEAN được công nhận vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO gồm Phuket (Thái Lan) về ẩm thực; Bandung (Indonesia) về thiết kế và Pekalongan (Indonesia) cho hàng thủ công và nghệ thuật dân gian; Và Singapore về thiết kế.

Ngay lúc đó, tôi đã trăn trở với câu hỏi, “tại sao một xu hướng phát triển tốt như vậy mà không có một thành phố nào của Việt Nam tham gia?”. Chúng ta có thể lựa chọn Hội An cho mục hàng thủ công và nghệ thuật dân gian. Huế cho ẩm thực. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều có khả năng tham gia vào mạng lưới này. Lúc đó, chưa có cơ quan nào của Việt Nam đứng ra thực hiện nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL nên đứng ra đảm nhiệm việc đăng ký, phối hợp với các địa phương để xây dựng thương hiệu cho các địa phương. Để làm như vậy, cần có một lộ trình để lập hồ sơ xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo của Việt Nam. Và sau đó hai năm (năm 2019), Hà Nội đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam đạt được danh hiệu này.

Cuối tháng 10 năm ngoái là một ngày quan trọng đối với Hà Nội khi Thủ đô được vinh danh trong mạng lưới các đô thị sáng tạo của UNESCO. Tham gia mạng lưới Các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội. Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa.

Theo cam kết, Hà Nội sẽ triển khai ba sáng kiến cấp thành phố, gồm thành lập Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội. Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội sẽ cung cấp một nền tảng cho thiết kế, thủ công và văn hóa trong thành phố; và thực hiện Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội gồm một chuỗi các chương trình truyền hình (talk show, game show & live show).

Một góc nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tuấn

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có kế hoạch triển khai ba sáng kiến cấp độ quốc tế là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội với một loạt các sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng, nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ trong Hà Nội và trên toàn cầu. Tiếp theo là Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Diễn đàn sẽ diễn ra tại Hà Nội để hỗ trợ trao đổi kiến ​​thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Những người tham gia sẽ bao gồm các bên liên quan khác nhau bao gồm chính quyền thành phố, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo quốc tế, các doanh nghiệp và tổ chức thực hành thiết kế sáng tạo trong cộng đồng UCCN Đông Nam Á. Và cuối cùng là Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội mang trong mình sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo - từ đó cung cấp hỗ trợ và cơ hội cho những người có tham vọng tạo ra các thành phố của tương lai. Các sáng kiến ​​bao gồm cung cấp cơ hội thực tập, kinh nghiệm làm việc cho sinh viên tốt nghiệp thiết kế; các sự kiện kết nối cho các nhà thiết kế mới nổi để tạo dựng quan hệ với các chuyên gia thiết kế nổi tiếng trong lĩnh vực; cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà thiết kế trẻ tài năng. Điều này sẽ không chỉ thu hút những bộ óc sáng tạo nhất trên toàn cầu - mà còn thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ với ngành công nghiệp.

Một quốc gia khởi nghiệp có một Thủ đô sáng tạo sẽ là bước chuyển mình quan trọng từ mô hình phát triển thiếu bền vững và năng suất thấp sang nền kinh tế tuần hoàn. Việc Hà Nội coi thiết kế sáng tạo là giải pháp trọng tâm trong chiến lược xây dựng mô hình phát triển mới, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng như sự tham gia và vai trò đổi mới sáng tạo của người dân sẽ tác động dài hạn đến sự phát triển bền vững của thành phố. Nền kinh tế năng động, các thiết chế giáo dục, nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao sẽ nuôi dưỡng và cho ra mắt một thế hệ am hiểu công nghệ, từ đó thúc đẩy sự tham gia  của thế hệ trẻ, doanh nhân thông qua các chương trình giáo dục chuyên dụng và các hoạt động sáng tạo; hỗ trợ cam kết của thành phố để trở thành một trung tâm thiết kế sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Việc ứng dụng thiết sáng tạo trong chuyển hóa nguồn lực văn hóa sẽ từng bước hình thành nên một mô hình phát triển văn hóa tôn trọng di sản, đồng thời thể hiện sự sáng tạo năng động và tăng trưởng công nghệ. Trọng tâm này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho phát triển đô thị bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, góp phần  đưa các ngành kinh tế sáng tạo trở thành lợi thế cho sự phát triển của thủ đô.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top