Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Hạt giống đỏ” giữa núi rừng Bác Ái

Thứ Ba 28/01/2020 | 11:42 GMT+7

VHO- Hơn mười tuổi đã vượt núi, băng rừng ra miền Bắc học cái chữ, học làm bác sĩ. Rồi gần hai mươi năm sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, bà trở lại quê hương, giúp đỡ đồng bào, cùng xây dựng cuộc sống mới…

Bà Phanh nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực “Tiếng nói - Chữ viết”

Giờ đây khi đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà vẫn hằng ngày cặm cụi soạn giáo án, dạy tiếng Raglai cho các cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện, góp phần bảo tồn chữ viết, văn hóa của đồng bào. Bà là Nghệ nhân ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh, được dân bản nhắc nhớ là “hạt giống đỏ” giữa núi rừng Bác Ái (Ninh Thuận).

Thầy thuốc giữa đại ngàn

Chúng tôi tìm về núi rừng Bác Ái như lời hẹn với bà trong dịp bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Cuối đông, núi rừng se lạnh ẩn hiện trong lớp sương mỏng manh... Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khá ngăn nắp, sạch sẽ, bà vui vẻ kể cho chúng tôi về những ngày vượt núi, băng rừng ra miền Bắc học con chữ, rồi về làm bác sĩ của buôn làng với muôn vàn khó khăn. Rồi chuyện nghiên cứu, giảng dạy chữ viết của đồng bào cho cán bộ, công chức, giáo viên trên địa bàn huyện, cả chuyện bà vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác ân cần hỏi về chuyện học hành…

Năm 1959 - 1960, cô bé Mẫu Thị Bích Phanh khi đó mới 11, 12 tuổi nhưng đã theo Ama (bố), Aguây (mẹ), tham gia nuôi chăm và che chở cho nhiều cán bộ cách mạng giữa núi rừng Bác Ái. Trong nhiều lần được tiếp xúc với các bác, các chú cán bộ, Phanh được các bác, các chú dạy cho biết đọc, biết viết tiếng Việt và học rất chăm. Vì thế, Phanh được giới thiệu và gửi ra miền Bắc học tập. Bà nhớ lại, hồi đó nghe nói được đi học cái chữ là thích lắm. Với lại các chú bảo chỉ học nhanh tháng thôi. Ai ngờ đi bộ suốt 10 tháng vẫn chưa đến nơi học. Đi đường vất vả, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các em, nhớ núi rừng… nhưng khi được động viên đi học cái chữ để sau này đem kiến thức về xây dựng quê hương, giúp đỡ đồng bào thì bà lại hăng hái lên đường. Ra Bắc, Phanh tự nguyện xin học ở trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Thái Nguyên). Vì bà nghĩ, nhận thức của đồng bào nơi mình sinh sống còn hạn chế lắm, còn nhiều hủ tục lạc hậu, bà con nào biết thuốc men là gì đâu. Người có bệnh thì chữa bệnh theo hủ tục cũ, tức cúng Giàng. Chẳng những bệnh không khỏi mà nguy đến tính mạng. Vì thế, trong suốt thời gian học tập ở miền Bắc, bà quyết tâm học thật giỏi để trở thành bác sĩ, trở về chữa bệnh cho dân làng, giúp dân xóa đi những hủ tục lạc hậu đó.

Trở về quê hương sau gần hai mươi năm xa cách, tuy vùng đất Bác Ái đã được giải phóng nhưng còn rất nhiều bộn bề và còn nhiều gian khổ, nghèo đói. Những ngày mới về, đường đi ở đây phần lớn phải băng rừng, lội suối, có nơi đi bộ hết hơn nửa ngày đường mới đến nơi. Nhưng với tấm lòng của một thầy thuốc, bà không quản gian khổ để đến với đồng bào. Trong những công việc chuyên môn mà một bác sĩ phải làm thì những ca đỡ đẻ cho các sản phụ là gian nan nhất, nếu chậm trễ thì sẽ nguy kịch đến tính mạng của mẹ và con. Vì thế, trong nhà bà luôn chuẩn bị sẵn một túi đựng tất cả các dụng cụ y tế để khi có người gọi là lập tức đi ngay. Bà khám, chữa bệnh miễn phí, tiền thuốc ai có thì trả nếu không khi nào có trả cũng được. Miễn là đồng bào hết bệnh, có sức mà làm rẫy.

Dù tuổi cao, bà Phanh vẫn hằng ngày biên soạn giáo án, lên lớp dạy tiếng Raglai cho CB, CNVC

Người nghiên cứu chữ viết, sử thi Raglai

Khi còn học tại miền Bắc, một lần bà được nhờ dịch bài viết từ tiếng Việt sang tiếng đồng bào Raglai để đọc trên đài phát thanh. Kể từ đó, bà vẫn ấp ủ dự định sẽ nghiên cứu và sáng lập chữ viết của đồng bào mình. Vì trong suy nghĩ của bà, muốn giữ gìn, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình thì dân tộc đó phải có chữ viết riêng…

Năm 2002, khi Đài PT-TH Ninh Thuận làm chương trình phát thanh tiếng dân tộc Raglai, bà được mời về làm phát thanh viên cho chương trình, mặc dù công việc của một Phó Chủ tịch huyện mới thành lập cùng với một bác sĩ là rất bận rộn. Phải biên dịch, phải đọc sao cho chuẩn xác để bà con mình hiểu đã là một công việc vất vả, thế nhưng bà còn cố gắng để Raglai hóa những từ đã vay mượn từ tiếng Việt. Đây là việc quá khó đối với một người chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, chứ đừng nói là bà.

Thế nhưng, bà vẫn miệt mài bắt tay vào nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc mình. Càng nghiên cứu bà càng ấp ủ giấc mơ là muốn dân tộc mình có một chữ viết. Vậy là bà tự mày mò, học hỏi từ những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, sử dụng mẫu tự La-tinh để tạo chữ viết cho việc biên soạn chữ viết Raglai. Trong suốt gần 20 năm qua, bà luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết và văn hóa truyền thống của tổ tiên xưa. Bà còn trực tiếp đứng lớp để dạy tiếng Raglai cho các cán bộ, công chức, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, giáo viên trên địa bàn tỉnh, lặn lội đến các buôn làng xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu sử thi Raglai nhằm bảo tồn văn hóa, chữ viết và xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, dân tộc mình…

Trong câu chuyện, có lẽ vui nhất là khi bà nhắc đến chuyện được gặp Bác Hồ khi theo đoàn học sinh đi tặng hoa nhà lãnh đạo Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ khi ông sang thăm Việt Nam năm 1963. Lúc đó bà đang học lớp 3 ở miền Bắc. Mới xuống chân cầu thang máy bay, thấy bà trong bộ trang phục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đến tặng hoa, nhà lãnh đạo Trung Quốc hỏi Bác Hồ: Cô bé này là người dân tộc nào vậy? Bác xoa lên đầu bà và nói: Đây là con em đồng bào miền Nam, cha mẹ các cháu đang bận đánh Mỹ cứu nước nên gửi các cháu ra miền Bắc học tập, các cháu là một “hạt giống đỏ” của cách mạng, sau này đem kiến thức về xây dựng quê hương. Giới thiệu xong, Bác quay lại và dặn: Các cháu nhớ học thật chăm, dân tộc ta còn nghèo khó lắm, đất nước rất cần những thế hệ như các cháu… Cũng chính từ những lời căn dặn ân cần của Bác, trong suốt thời gian học, bà Phanh luôn cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng Bác và đồng bào đã tin tưởng.

NGỌC BẢO CHÂU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top