Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Cảnh giác với cái “bẫy” từ Internet

Thứ Sáu 17/01/2020 | 10:25 GMT+7

VHO- Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã liên tiếp tổ chức hai cuộc hội thảo bàn về mọi vấn đề trẻ em bị xâm hại dưới nhiều góc độ.

 Toàn cảnh Hội thảo

Trong đó Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” vừa diễn ra tại Hà Nội đã đưa những báo động đỏ từ các cơ quan có trách nhiệm cho thấy vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục hiện đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Còn hiện tượng buông lỏng quản lý

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hình thức xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục chủ yếu là bạo lực thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục, bắt nạt học đường. Đối tượng bị xâm hại bao gồm cả học sinh nữ và học sinh nam. Người gây ra hành vi xâm hại bao gồm học sinh nam, học sinh nữ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Các hành vi xâm hại chủ yếu là đấm, đá, cào, cấu, giật đồ, sử dụng đồ vật đánh vào người, kỷ luật tiêu cực mang tính bạo lực, nói xấu, sỉ nhục, tung tin đồn nhảm, tẩy chay, cô lập về tinh thần, lột đồ, dâm ô, cưỡng dâm… Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ. Đơn cử, một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh...

Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, các đại biểu cũng chỉ ra, một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau.

TS Nguyễn Xuân Thuỷ, Học Viện Cảnh sát nhân dân cho biết xu hướng bạo lực từ một số thầy, cô giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm các em không còn tin vào nhân cách người thầy, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội mà các em đã được lĩnh hội nhờ quá trình giáo dục. Hình thức bạo hành trong nhà trường từ phía thầy, cô giáo đối với học sinh thể hiện qua các vụ việc được báo chí đề cập nhiều như: Cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến phải đi viện… làm dư luận hết sức bất bình. Việc thầy, cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc, do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử… Nhiều thầy, cô giáo trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm lý dẫn đến bạo lực với học trò. Bạo lực nhà trường ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm lệch lạc các chuẩn mực đạo đức ở các em. Các đại biểu cho rằng, dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm.

Chương trình Tuyên truyền, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại Trường Tiểu học Phương Liệt, Hà Nội

Trẻ em lên mạng gặp nhiều rủi ro xâm hại

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Dù sự xuất hiện của Internet ở nước ta chậm hơn so với khởi đầu của thế giới, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet cao nhất thế giới. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng (như xâm hại tình dục, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, thương mại điện tử, nghiện Internet/game trực tuyến…).

Ghi nhận các hoạt động đã triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều đại biểu cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Phó Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và mỗi gia đình cần ý thức sâu sắc về 6 hình thức xâm hại trẻ em thể hiện trên môi trường mạng trong Luật Trẻ em năm 2016 để chủ động có biện pháp ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực trong khi vẫn khai thác tiện ích thiết thực của môi trường mạng với trẻ em. Đồng thời, cần quan tâm nâng cao năng lực thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng (bao gồm cả kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng). Ông Phan Thanh Bình cho biết trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhưng trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em. 

 HÀ VƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top