Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phiên bản 4.0 với “Đám cưới chuột”

Thứ Tư 15/01/2020 | 10:31 GMT+7

VHO- Với chủ đề “Xuân hạnh phúc”, triển lãm “Con giáp của tôi” do Hội quán Di sản phối hợp cùng tạp chí Xưa và Nay tổ chức và đang diễn ra đến hết ngày 31.1 tại 46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. NSND Quang Thọ, giọng ca sinh năm Mậu Tý sẽ là “đại sứ” của triển lãm năm nay.

 Vật phẩm “Đôi chuột Hoàng gia”

Người xem sẽ được tận mắt ngắm nhìn các tác phẩm gốm về con giáp của năm Canh Tý do nghệ nhân Nguyễn Văn Toán thực hiện. Khai thác từ những tích xưa như Chuột cắp trứng, Chuột ôm tiền, Chuột tha cá…, mỗi “ông Tý” dưới bàn tay của nghệ nhân hiện lên với một dáng vẻ, tinh thần khác nhau, nhưng đều có thần thái vui tươi.

Một tác phẩm ấn tượng ở triển lãm như bình rượu “Tết hạnh phúc” đã được khai thác và kế thừa từ thế mạnh truyền thống của gốm nặng lửa để tạo nên hai phiên bản với hai màu men khác nhau: Màu men rạn đặc trưng Việt Nam và men chảy màu dưa. Yếu tố âm dương thể hiện rất rõ trong bình rượu gốm theo từng cặp, là đôi chuột màu men đậm – nhạt, là vị trí trên – dưới… Bình rượu “Tết hạnh phúc” gửi đi thông điệp về sự hòa hợp, sinh sôi trong năm Canh Tý, thể hiện mong ước và niềm tin vào một năm mới hạnh phúc vẹn tròn. Nếu như bình rượu Tết chủ yếu phục vụ nhu cầu của cánh mày râu thì chậu cây gốm “Mẹ con nhà chuột” lại là món quà Tết dành tặng cho các chị em năm Canh Tý. Chậu gốm được tạo hình độc đáo với chuột mẹ và chuột con đang chơi đùa cùng nhau. Thần thái vui tươi của hai mẹ con nhà chuột khiến người ta liên tưởng đến những hạnh phúc giản dị khi xuân về, gia đình quây quần, con cái vui đùa cùng mẹ dọn nhà đón Tết.

Hướng đến mục tiêu ứng dụng các vật phẩm văn hóa vào đời sống, lần đầu tiên bộ “Đám cưới chuột” phiên bản 4D (tượng tròn) được ra mắt và dựa trên bức tranh Đông Hồ cùng tên. Tác phẩm này tái hiện đám rước dâu của nhà chuột với đầy đủ các nhân vật, vai trò, sắc thái… và tái hiện một quá trình từ lúc đôi lứa, làm lễ thành hôn cho đến lúc viên mãn mẹ tròn con vuông. Vật phẩm “Chuột hoàng gia” khai thác ý tưởng từ cặp chuột thời Lê chạm khắc gỗ trên vì kèo làng Trùng Hạ - Ninh Bình. So với nguyên bản, phần lớn các thiết kế của bản gốc được giữ trọn vẹn, chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ. Cặp chuột chầu vào chữ Phúc với mong ước hạnh phúc tròn đầy, cũng là lời chúc ý nghĩa mà triển lãm “Con giáp của tôi” dịp Tết Canh Tý 2020 mang đến mọi gia đình.

 Tạo hình 4D lấy ý tưởng từ tranh dân gian Đám cưới chuột

Không đề cao mục đích thương mại mà mong muốn công chúng hiểu nhiều hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Hội quán Di sản chia sẻ: “Con giáp của tôi” sẽ là triển lãm thường niên do Hội quán Di Sản tổ chức từ năm 2019. Triển lãm giới thiệu với công chúng hình tượng 12 con giáp thể hiện qua nhiều hình thức như tượng, tranh vẽ, vật phẩm Tết... bằng gốm, sứ và nhiều chất liệu khác. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được khai thác, sáng tạo từ vốn văn hóa cổ của Việt Nam, giúp bảo tồn, phát triển và tôn vinh văn hóa Việt. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chủ đề “Hạnh phúc” hiện diện trong toàn bộ các vật phẩm được trưng bày tại triển lãm. Nếu như ở “Con giáp của tôi” năm Kỷ Hợi, công chúng đã hào hứng đón nhận những chú lợn gốm qua đôi tay tài hoa thì năm nay, bộ tác phẩm chuột gốm tiếp tục mang đến những bất ngờ thú vị.

Khai thác vốn cổ để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống là điểm nổi bật được cảm nhận ở triển lãm này. Ứng dụng bức tranh Đông Hồ nổi tiếng để tạo thành vật phẩm, Hội quán di sản mong muốn giữ cái hồn, giá trị cốt lõi của bức tranh “Đám cưới chuột” phiên bản 4D, đồng thời cũng muốn vật phẩm phải mang tính ứng dụng cao, giúp người dùng thích thú và mong muốn sở hữu. Bộ vật phẩm đi vào đời sống vừa như một bộ đồ chơi thú vị, vừa gián tiếp lưu giữ di sản văn hóa dân tộc một cách hiệu quả. Triển lãm cũng trưng bày các bức tranh chủ đề chuột thông qua các bức tranh cổ của danh họa Minh Tuyên Tông, Triệu Bách Câu, Từ Bi Hồng, Phạm Tăng, Tề Bạch Thạch… Một số hoạt động như trò chơi nặn tò he, gấp chuột giấy và các hoạt động giao lưu giữa một số nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử cũng được mang đến triển lãm nhằm tạo một không gian đa chiều cho khách tham quan.

Bên cạnh đó, để tạo thành một thông điệp xuyên suốt qua các năm, ngoài hình tượng con Tý, người xem sẽ được gặp lại một số vật phẩm trong “Con giáp của tôi” năm Kỷ Hợi như chậu cây Lợn gốm, bình rượu gốm Tết Kỷ Hợi… và một số vật phẩm Con giáp của tôi cho năm Tân Sửu sắp tới với hình tượng con Trâu. Khách tham quan triển lãm không chỉ có một không gian rộn sắc xuân mà còn có cơ hội sưu tầm, mua sắm những vật phẩm đẹp, sáng tạo về các con giáp. Đặc biệt, dù là vật phẩm gì, người xem đều có thể cảm nhận sự hân hoan, tươi vui mà mỗi vật phẩm tại triển lãm mang lại.

 PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top