Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thị trường phim Việt​​​​​​​: Sức hút đến từ web-drama

Thứ Tư 08/01/2020 | 11:00 GMT+7

VHO- Phim web-drama (một hình thức phim chiếu trên mạng internet) trong vài năm gần đây bắt đầu phát triển. Thể loại phim này đang dần tạo sức hút so với các kênh truyền thống như phim phát hành qua hệ thống rạp hay kênh truyền hình.

Trấn Thành trong web-drama “Bố già”

Một cách âm thầm, phim web-drama dường như đang khẳng định ưu thế nhờ bắt nhịp được nhu cầu người xem về tính tiện lợi và cả sự đa dạng trong việc thể hiện đề tài.

Cần sự đầu tư nghiêm túc

Mới đây nhất, Bố già do Trấn Thành đầu tư, Mr.Tô đạo diễn vừa ra mắt tập đầu tiên ngày 2.1 đã nhanh chóng tạo được cơn sốt trên mạng xã hội YouTube khi chưa đầy 24 giờ, đã cán mốc 6 triệu lượt xem và lọt top 2 trending YouTube Việt Nam. Đến nay, phim đã thu hút trên 15 triệu lượt xem và con số này đang tăng từng ngày, đứng vào top 1 trending. Ngoài dàn diễn viên chính Trấn Thành, Lê Giang, Tuấn Trần, Uyển Ân, phim có sự tham gia của những khách mời như NSND Ngọc Giàu, Lê Quốc Nam, Anh Đức, Lâm Vỹ Dạ, Trúc Nhân, Quốc Khánh, Bà Tân Vlog, Trang Hý...

Phim được khen bởi tình huống hài duyên dáng, đời thường, thoại rất thật. Bố già mang nội dung hài tâm lý xã hội xoay quanh một gia đình nhỏ với ông bố tính tình cục súc, bảo thủ nhưng luôn chu toàn trách nhiệm với người thân cùng bà vợ hay gây rắc rối và hai đứa con đang độ tuổi nổi loạn.

Dù là phim chiếu mạng nhưng đầu tư chỉn chu, nội dung được nhận xét là chân thật, cảm xúc, nhất là phần lời thoại chiếm được cảm tình của khán giả, mỗi sự tương tác giữa các nhân vật đem lại cho người xem cảm giác khá thú vị, bên cạnh tiếng cười thì còn có những phân đoạn gây xúc động... Chính vì vậy, tập 1 của Bố già thu hút hàng chục triệu lượt xem và có đến hơn 35.000 lượt bình luận... Có thể nói, đây là bộ phim web-drama gây được hiệu ứng mạnh nhất với khán giả tính đến thời điểm này.

Trước đó, bộ phim web-drama Ai chết giơ tay dài 8 tập của Huỳnh Lập cũng được đánh giá cao. Tương tự, hàng loạt bộ phim chiếu mạng trong thời gian qua cũng đã ít nhiều khẳng định sự có mặt của dòng phim này trên thị trường phim Việt. Theo đó, nhiều nghệ sĩ bắt đầu có xu hướng đầu tư lớn vào dạng phim chiếu mạng. Không còn là những tác phẩm “làm cho có”, đại khái qua loa mà phim chiếu mạng giờ đây đã được đầu tư khá nghiêm túc.

Đừng đi quá đà

Tại Việt Nam, web-drama bắt đầu xuất hiện từ năm 2012 với các nhóm hài Dam TV, BB&BG, Ghiền Mì Gõ... thông qua những clip gây bão trong cộng đồng mạng như Kính vạn bông, Tình yêu tuổi học trò, Thang máy định mệnh... Nhưng kinh phí đầu tư thấp, diễn viên nghiệp dư, kỹ thuật sơ sài cộng với nội dung phim hời hợt nên gần như khán giả chỉ xem cho vui là chính. Ở những bộ phim này, các nghệ sĩ chủ yếu hướng vào thị trường khán giả trẻ tuổi với thói quen giải trí trên mạng, vì thế mà đề tài chỉ thuần giải trí, ít có những thông điệp sâu sắc.

Từ năm 2014 đến nay, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ và YouTube ngày càng phổ biến, web-drama cũng nở rộ với hàng hoạt phim ngắn, phim hài, phim sitcom xuất hiện. Đáng kể có nhóm FAPtv hiện có hàng trăm video và hiện đã có 10,7 triệu người theo dõi, hơn 4 tỷ lượt xem qua những series như Cơm nguội (đã phát sóng hơn 200 tập), Ghiền Mì Gõ với trên 600 video đã đăng tải, hiện có hơn 5,4 triệu người theo dõi, gần 3 tỉlượt xem...

Theo nhiều chuyên gia về công nghệ giải trí, web-drama trở thành trào lưu chính là vì bên cạnh sự đam mê, sáng tạo, kiểu làm phim ít tốt kém nhưng số lượt xem cao này còn hứa hẹn đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ từ các nhà tài trợ, các sản phẩm quảng cáo đồng thời mở ra cho họ những cơ hội nghề nghiệp khác, nhất là nhiều diễn viên từ vô danh dần dần được khán giả biết đến. Tuy nhiên đến nay, web-drama đã không còn chỗ đứng cho những phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không tên tuổi. Thời web-drama bùng nổ cũng cho thấy sự cạnh tranh khá quyết liệt, vì nhu cầu và sự khắt khe của khán giả ngày càng cao nên việc sản xuất dòng phim này cần phải có sự chuyên nghiệp, sáng tạo chỉn chu hơn, nếu không, cũng dễ thua lỗ vì khán giả quay lưng.

So với truyền hình hay điện ảnh, YouTube không kiểm duyệt nội dung phim trước khi đăng tải, chỉ khi phim đó có nội dung xấu, hay vi phạm bản quyền mới bị gỡ bỏ, vì thế các nhà sản xuất lợi dụng kẽ hở này để phát hành. Chính vì thế mà có nhiều sản phẩm của một số nhóm câu view bằng cách cố tình miêu tả câu chuyện phim bằng những ngôn từ dung tục, bạo lực, cảnh nóng… gây ra nhiều phản ứng tiêu cực đối với khán giả như Căn hộ số 69 gắn mác 18+ do Nam Cito Creative thực hiện cách đây mấy năm, và gần nhất là Thập Tam Muội của Thu Trang cũng ngập ngụa ngôn ngữ chợ búa một cách thiếu văn minh, sống sượng...

Nếu đi quá đà, sa vào câu view một cách rẻ riền mà thiếu sự đầu tư nội dung và tính nghệ thuật, các nhà làm phim sẽ biến sân chơi hữu ích này trở thành “mớ bòng bong” với những sản phẩm tạp nham, thậm chí còn là nơi khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật, và bản thân họ, sớm muộn gì cũng bị tẩy chay.

 T.TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top