Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Ngoại giao văn hóa thúc đẩy phát triển đất nước

Thứ Tư 01/01/2020 | 11:49 GMT+7

VHO- Trong một thế giới mà quan hệ giữa nhiều quốc gia đôi khi bị đặt trong các tính toán lợi ích thực dụng với việc sử dụng khá phổ biến các biện pháp cứng rắn, ngoại giao văn hóa (NGVH) đang thể hiện vai trò của mình trong việc giúp các nước xích lại gần nhau, tăng cường hợp tác và hữu nghị.

NGVH Việt Nam cũng đang làm tốt vai trò của mình là nâng cao hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, thắt chặt quan hệ với các quốc gia, tổ chức và đóng góp cho các mục tiêu phát triển đất nước.

NGVH đã có những đóng góp tích cực trong những thành tựu đối ngoại

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành TW Đảng khóa XII diễn ra vào ngày 13.10.2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhìn tổng thể, sau 35 năm thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”. Công tác đối ngoại nói chung và ngành ngoại giao nói riêng đã có những đóng góp quan trọng cho các thành tựu trên thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra là củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

 Chương trình ngh thut đặc sc vi ch đề Quê hương tôi, Vit Nam do các ngh sĩ Nhà hát Ca múa nhc Vit Nam biu din tại Moskva, Nga tại “Tuần lễ Văn hóa Việt Nam năm 2019”

Công tác NGVH với những đặc trưng, nhiệm vụ của mình, đã có những đóng góp tích cực trong những thành tựu đối ngoại đó thông qua các hoạt động chính được nêu rõ tại “Chiến lược NGVH đến năm 2020” gồm: mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được quốc tế công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Hình ảnh Việt Nam ngày càng gần gũi, thân thiện

Trong năm 2019, triển khai các nhiệm vụ của mình, NGVH đã cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên một thế trận ngoại giao toàn diện, hiện đại, đạt nhiều kết quả quan trọng. Một trong những hoạt động có ý nghĩa nhất của NGVH là thực hiện việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, những hình thức đa dạng tôn vinh Bác đã được triển khai tiêu biểu tại một số nước như: Indonesia, Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Pháp, Nga, Chile, Argentina... Bạn bè quốc tế đã thể hiện sự hưởng ứng rộng rãi ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc tôn vinh Bác Hồ đã thể hiện sự yêu mến và trân trọng tư tưởng, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục là sự ghi nhận của quốc tế đối với sự đóng góp của Bác cho sự phát triển của nhân loại. Những lý tưởng mà Người theo đuổi về thúc đẩy hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc, độc lập chủ quyền và hợp tác quốc tế cho đến nay vẫn còn mang nguyên ý nghĩa thời đại và vẫn đang là những lý tưởng để tập hợp người dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn bè.

Một khuôn khổ khác của NGVH là Chương trình Tuần/ Ngày Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tiếp nối thành công của những năm trước, được tổ chức một cách bài bản và sáng tạo, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng và làm tăng sự hiểu biết của người dân nhiều nước về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Trong năm 2019, Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam đã được tổ chức tại Liên bang Nga nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tại Trung Quốc nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cả hai chương trình này đã góp phần giới thiệu một cách rộng rãi đến chính giới và người dân sở tại những bản sắc văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trên các lĩnh vực ẩm thực, thời trang, văn học, nghệ thuật truyền thống và đương đại. Ở trong nước, việc xây dựng thương hiệu địa phương vẫn là hướng đi quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Trong năm 2019, các địa phương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lễ hội, Festival quốc tế như: Festival về Miền Quan họ, Festival Hoa ban, Festival pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Café Buôn Mê Thuột, Festival biển Nha Trang, Festival Hoa Đà Lạt... Những hoạt động này đã góp phần quảng bá, đưa hình ảnh địa phương Việt Nam ngày càng gần gũi, thân thiện trong xu thế hội nhập, qua đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Đồng thời các lễ hội quốc tế này cũng là những cơ hội tốt để người dân trong nước tiếp xúc và hiểu hơn về nhiều nền văn hóa trên thế giới, qua đó thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước.

Có nhiều đại diện trong UNESCO

Công tác NGVH còn được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ đa phương về văn hóa quan trọng nhất là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) qua đó góp phần triển khai cụ thể các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế liên quan tới văn hóa. Việt Nam là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, đây là cơ chế chính trị quan trọng hàng đầu của Tổ chức. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có đại diện tại các cơ quan chuyên môn của Tổ chức như: Ủy ban Quốc gia Chương trình ký ức thế giới, Ủy ban tư vấn xét duyệt hồ sơ mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Ban điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển, Ban tư vấn Ủy ban liên chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể... Qua việc tham gia vào các cơ chế khác nhau này của UNESCO, Việt Nam không chỉ thúc đẩy những lợi ích quốc gia của mình mà còn có sự đóng góp trách nhiệm vào các vấn đề lớn mà Tổ chức UNESCO đang phải giải quyết trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, truyền thông. Bên cạnh việc phát huy vai trò của mình tại diễn đàn, Việt Nam đang triển khai hợp tác một cách toàn diện, thực chất và hiệu quả với UNESCO trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và thông tin truyền thông. Quan hệ hợp tác này đã giúp cho Việt Nam tranh thủ được những nguồn lực của UNESCO cho sự phát triển đất nước, đồng thời góp phần để UNESCO triển khai thành công các chương trình, ưu tiên lớn của chính UNESCO đề ra.

Quan hệ hợp tác với UNESCO trong năm 2019 đã giúp chúng ta tiếp tục có danh hiệu quý báu mới đó là: Thực hành Then của người Tày, Thái, Nùng là di sản văn hóa phi vật thể; Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đại hội đồng UNESCO họp tháng 11.2019 đã ra nghị quyết vinh danh Nhà giáo Chu Văn An nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất. Các danh hiệu và sự ghi nhận khác nhau của UNESCO không chỉ làm đậm hơn hình ảnh Việt Nam trên bản đồ di sản, văn hóa thế giới, làm giầu thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, mà còn góp phần quảng bá cảnh quan, đất nước, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Điều đáng quý là những danh hiệu này đã và đang trở thành nguồn lực trực tiếp cho phát triển bền vững ở nhiều địa phương của Việt Nam dựa trên sự bảo vệ các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, gắn kết con người và thiên nhiên. Đây là xu thế lớn đang được cộng đồng quốc tế khuyến khích.

Một điểm sáng của NGVH trong năm 2019 đó là sự tham gia của ngày càng nhiều các chủ thể từ trong nước là các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân đến từ ngoài nước là tất cả 96 Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Các chủ thể này đã tạo nên một lực lượng hùng hậu, một nguồn lực dồi dào có thể trở thành nền tảng cho thành công của NGVH trong thời gian tới.

Năm 2020 sẽ là một năm rất quan trọng về đối ngoại đối với Việt Nam. Chúng ta sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò kép khi vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Những sứ mệnh này đòi hỏi Việt Nam sẽ phải thể hiện “trách nhiệm kép”, vừa đảm bảo các lợi ích quốc gia dân tộc đồng thời cũng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng khu vực và quốc tế. NGVH, một trong các trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, chắc chắn sẽ là công cụ hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước đề ra. 

 LÊ HOÀI TRUNG (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top