Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Cần một đường dây nóng cho các nạn nhân bị BLGĐ

Thứ Sáu 27/12/2019 | 11:15 GMT+7

VHO- Tình hình triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) vẫn chưa có sự thống nhất trong chỉ đạo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật, đặc biệt là khó khăn trong phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình (BLGĐ). Do đó, hiệu quả đạt được trong công tác PCBLGĐ còn hạn chế, nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh chưa được tháo gỡ, cần có một đường dây nóng cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình...

Việc tuyên truyền và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã và đang có tác dụng đối với nhận thức về nạn BLGĐ. Trong ảnh: Tỉnh An Giang tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Đó là ý kiến đánh giá và đề xuất của nhiều đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức thành viên trong phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra tại buổi Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019 do Bộ VHTTDL tổ chức chiều qua (26.12).

Nguồn lực còn hạn chế

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 1265/KH-BVHTTDL triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ năm 2019 gửi tới các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời đã ban hành Quyết định số 2051/ QĐ-BVHTTDL về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác gia đình và thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ tại tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên với sự tham gia của 15 thành viên đến từ các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành... Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các Bộ, ban, ngành hầu hết đã có văn bản triển khai thực hiện quy chế phối hợp về PCBLGĐ trong hệ thống ngành dọc quản lý và có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương. Cụ thể có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ trên địa bàn, trong đó có 14/44 tỉnh, thành phố do UBND cấp tỉnh ban hành và 30/44 tỉnh, thành phố do Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh ban hành. Các địa phương đều căn cứ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL và các cơ quan Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện Quy chế hằng năm và triển khai các hoạt động phối hợp tại địa phương.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) thì tỷ lệ tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế mới chỉ có 69,9%, công tác phối hợp liên ngành tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do sự chỉ đạo thiếu thống nhất từ các cơ quan Trung ương chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt trong việc triển khai các mô hình PCBLGĐ và thu thập, tổng hợp thông tin, báo cáo tại cơ sở. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phối hợp, các hoạt động PCBLGĐ từ Trung ương tới địa phương còn rất hạn chế. Việc triển khai, thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 hết sức khó khăn do chưa có mạng lưới cộng tác viên thu thập dữ liệu tại cơ sở.

BLGĐ vẫn gia tăng

Có thể thấy một thực tế là số lượng vụ việc BLGĐ vẫn tiếp tục gia tăng và có những vụ rất nghiêm trọng bởi tính chất, hành vi ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Tráng (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết tổng số vụ BLGĐ hiện nay mới chỉ là số liệu trên văn bản cũng như những vụ việc mà báo chí, truyền thông và các cơ quan pháp luật đưa ra, trên thực tế ở nhiều địa bàn khu vực dân cư rất nhiều vụ BLGĐ bị “chìm xuồng” bởi chính nạn nhân im lặng và không bị dư luận phát hiện.

Căn cứ vào số liệu của Bộ Công an thì riêng đối tượng trẻ em bị xâm hại năm 2019 tăng hơn 60% so với năm 2018, đặc biệt vào các tháng cuối năm 2019 một loạt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra như vụ việc cha dượng xâm hại tình dục con riêng ở Tây Ninh, thảm sát giết vợ và hai con ở Thanh Hóa... Khó khăn từ phía Bộ Công an cho biết chính là chưa có sự thống kê đầy đủ về số liệu và thực tế của PCBLGĐ hiện nay. “Tình trạng BLGĐ phức tạp nhưng một số lãnh đạo địa phương đã chưa có sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này”, đại diện Cục Cảnh sát hình sự nhận định. Đại diện của Bộ LĐ,TB&XH bà Trần Thị Bích Loan cũng tỏ ra lo lắng khi số vụ việc BLGĐ hiện nay ngày càng trở nên phức tạp mà mới nhất là clip chồng đánh vợ dã man vào đêm Noel 24.12 được cho là xảy ra tại một gia đình ở Phú Thọ. Trước thực trạng này, đại diện của Bộ LĐ,TB&XH và nhiều đại biểu đã nêu ra câu hỏi: Làm thế nào để các cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng được những sự vụ như thế này và lập tức ra tay nếu đó là sự việc có thực? Nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến cho rằng cần có một đường dây nóng quốc gia cho các nạn nhân bị BLGĐ giống như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Tổng kết cuộc họp, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để đưa vào Báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ năm 2019, đồng thời Vụ Gia đình cũng sẽ kiến nghị để đưa ra những đề xuất, sửa đổi để thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành như kế hoạch triển khai thực hiện quy chế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, luân phiên giữa các Bộ, Ngành, kiểm tra chéo; Việc cần có đường dây nóng quốc gia cho nạn nhân bị BLGĐ là cần thiết; Đề xuất giải pháp về kinh phí đầu tư cho công tác PCBLGĐ; Ban hành quy trình xử lý vụ việc BLGĐ để các Bộ, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ hơn; Phát triển gói dịch vụ PCBLGĐ tại cộng đồng...

 THÚY HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top