Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tương lai việc làm Việt Nam: Phấn đấu BHXH sẽ bao phủ 55 - 60% lực lượng lao động

Thứ Tư 04/12/2019 | 11:07 GMT+7

VHO- Có một số nhóm lao động thường bị rơi vào lỗ hổng an sinh xã hội. Vì vậy cần có các giải pháp, cách tiếp cận sáng tạo cho Việt Nam để có thể giải quyết những lỗ hổng về độ bao phủ an sinh xã hội, thích ứng hệ thống an sinh xã hội với tình hình và nhu cầu đang thay đổi hiện nay.

 

Cần hoàn thiện chính sách BHXH cho người lao động

Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Lao động Việt Nam năm 2019: Tương lai việc làm - Lựa chọn của Việt Nam do Bộ LĐ, TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức trong khuôn khổ năm kỷ niệm 100 năm thành lập của ILO và sẽ trở thành sự kiện định kỳ hai năm một lần.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế. Bộ luật đã tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước lao động quốc tế, đặc biệt là các công ước cơ bản của ILO. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã điều chỉnh một số vấn đề quan trọng như mở rộng diện điều chỉnh của Bộ luật, không chỉ giới hạn ở lao động có quan hệ lao động như trước kia, mà điều chỉnh cả một số nội dung liên quan tới những lao động không có quan hệ lao động, nâng tổng số đối tượng được điều chỉnh bởi Bộ luật từ 15 triệu lên 56 triệu người; có những điều chỉnh quan trọng liên quan tới quyền của người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để tiến hành đối thoại, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ.

Một trong những vấn đề được các đại biểu nhận diện, trao đổi là những thách thức của an sinh xã hội, phải đổi mới hệ thống an sinh xã hội theo hướng thiết kế hệ thống đa kênh, đa tầng, trong đó chú ý những đối tượng yếu thế để không để ai bị bỏ lại phía sau. “Phải tiến hành cải cách hệ thống BHXH theo hướng mở rộng diện bao phủ thông qua việc kết hợp linh hoạt cả chế độ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, phấn đấu BHXH sẽ bao phủ 55 - 60% lực lượng lao động vào năm 2030, và 65 - 70% vào năm 2050 để BHXH trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội”. Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhấn mạnh.

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, sau 3 năm triển khai thi hành Luật BHXH 2014, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền lợi của NLĐ ngày càng được đảm bảo, góp phần ổn định xã hội. Các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT luôn đạt và vượt kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, nhất là trong năm 2018- 2019. Tuy nhiên, cùng với đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy tăng nhưng còn thấp; tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp, đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn nhiều so với tiềm năng (BHXH bắt buộc khoảng 14,898 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 488 nghìn người); các chính sách hỗ trợ để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa thực sự phát huy hiệu quả; tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT xảy ra phổ biến và chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ; mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa thật sự hấp dẫn đối với người tham gia…

Trong khi độ bao phủ BHXH còn thấp, các cơ quan chức năng đang nỗ lực trong việc mở rộng phạm vi bao phủ thì một số lượng lớn người tham gia BHXH đang lựa chọn hưởng BHXH một lần. “Thực tế này đã đặt ra vấn đề cần hoàn thiện chính sách BHXH để hấp dẫn đối với người tham gia, có biện pháp giải quyết nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách. Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ,TB&XH chủ trì phối hợp cùng một số bộ, ngành xây dựng Luật BHXH (sửa đổi); dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2022 và có hiệu lực vào tháng 7.2023”, ông Trần Hải Nam nói.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, những nội dung cải cách cần điều chỉnh quy định về hưởng chế độ hưu trí, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bằng cách giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm; đưa đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập, là cơ sở cho việc tham gia BHXH. Đồng thời thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt; sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động… 

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top