Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Diễn đàn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu 29/11/2019 | 14:54 GMT+7

VHO- Sáng 29.11, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Diễn đàn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu đánh giá lại quá trình gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 08 về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, làm rõ kết quả đạt được, những khó khăn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để kiến nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho Du lịch phát triển.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại biểu các Ban, Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm UBGDTNTNNĐ Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng và đại diện các Bộ, ngành, thành phố Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các Hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước, doanh nghiệp du lịch… đã tham gia Diễn đàn này.

Đổi mới nhận thức, tư duy và hành động về phát triển du lịch

Đây cũng là một cuộc đối thoại giữa đại diện các Bộ, Ngành và địa phương với  doanh nghiệp du lịch nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất để kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chỉ đạo, thực hiện chính sách ưu tiên phát triển du lịch, phát huy thế mạnh của các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển Du lịch, đưa Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã báo cáo tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Theo đó, Du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình. Du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch, 2 năm liền (2018, 2019) được vinh danh là Điểm đến hàng đầu Châu Á. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch quốc tế đến Việt Nam xấp xỉ đạt 20%/năm. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương hình thành và đi vào hoạt động.

Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Quan trọng nhất khi thực hiện Nghị quyết 08 là đã đổi mới nhận thức, tư duy và hành động về phát triển du lịch trong toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW tại Diễn đàn

Quan điểm của Đảng về bản chất của ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, trụ cột kinh tế then chốt của đất nước, phát triển du lịch có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, tác động mạnh mẽ đến quá trình hội nhập của đất nước được nhận thức sâu sắc, nâng lên tầm cao mới.

Các cấp quản lý đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch, một số địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về du lịch của Đảng, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân tham gia vào hoạt động phát triển du lịch. Sự chỉ đạo, tập trung của các cấp ủy Đảng tại 48 tỉnh, thành phố đã tạo nên làn sóng thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành Du lịch từng bước bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; Quốc hội thông qua Luật Du lịch Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 06 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch…

Ngành Du lịch đã phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trình Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch cũng ngày càng tăng. Các nhà đầu tư chiến lược với các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế để tạo động lực lan tỏa, xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Điều kiện giao thông được cải thiện rõ rệt về hạ tầng và phương tiện, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng các sân bay, máy bay, hệ thống đường bộ. Hiện cả nước có 21 cảng hàng không đang khai thác trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Tính đến nay, đã có 68 hãng hàng không nước ngoài đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ và năm hãng hàng không trong nước tham gia khai thác, vận chuyển khách du lịch. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng nước ngoài và 4 hãng trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mạng lưới giao thông quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển ngày càng hiện đại, đồng bộ, hệ thống các tuyến đường cao tốc kết nối các khu, điểm du lịch là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại khi thực hiện Nghị quyết 08. Theo Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL hiện còn 3/12 nhiệm vụ giao Tổng cục Du lịch chủ trì hiện đang triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt theo đúng tiến độ yêu cầu. Đối với các Đề án đã được phê duyệt, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án còn chậm.

Mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí là một ngành kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường, sự tham gia, vào cuộc của nhiều ngành, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự huy động nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để

Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đột phá, ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch còn nhiều bước, nhiều thủ tục, thời gian kéo dài.

Trong bối cảnh quốc tế được dự báo có nhiều biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc cả về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội dài hạn về tăng hiệu quả và năng suất lao động, được hình thành dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ thực tế ảo, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế chia sẻ…thúc đẩy “siêu tự động hóa”, “siêu kết nối”. Sự phát triển nhanh của những xu hướng du lịch mới du lịch bền vững, du lịch trực tuyến sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia trong việc phát triển du lịch đồng thời phải có phương thức quản lý phù hợp.

Trong nước, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội được dự báo ổn định, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ngành Du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh.

Bên cạnh những thuận lợi, yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, áp lực bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, trật tự vẫn là những khó khăn thách thức lớn.

Tại Diễn đàn, đại diện Hiệp hội du lịch khu vực ĐBSCL, khu vực miền Bắc, miền Trung và TP.HCM đã kí kết hợp tác phát triển du lịch

Từ đó, ngành Du lịch cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về tầm quan trọng của Nghị quyết số 08-NQ/TW; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trên từng lĩnh vực cụ thể để hỗ trợ phát triển du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh để rút ngắn thời gian cho khách du lịch, nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chính sách thị thực. Bên cạnh đó, cần chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình để có phương án đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch. Nâng cao năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng với yêu cầu tiêu chuẩn nghề du lịch trong khu vực ASEAN. Xác định giải pháp phát triển du lịch bền vững đi kèm với bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong phát triển, quản lý, đầu tư du lịch.

Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất, kiến nghị với Ban, Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh/ thành phố tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để như: Nâng cao nhận thức quan điểm mới của Đảng về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình triển khai thực hiện với Bộ VHTTDL để kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Đề nghị Ban Kinh tế Trung ương căn cứ bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phát triển kinh tế của đất nước và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Diễn đàn cũng đã làm rõ những kết quả, hạn chế khi các Ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 08 ở ĐBSCL và cả nước, đồng thời đề xuất những giải pháp để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

THÚY HÀ; ảnh ANH VŨ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top