Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hết lòng dạy chữ cho trẻ thiểu năng

Thứ Sáu 29/11/2019 | 11:14 GMT+7

VHO- 60 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen thì đã có tới 25 năm, bà giáo Nguyễn Thị Côi, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ dành tâm huyết dạy chữ cho những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ.

 Bà giáo Nguyễn Thị Côi cầm tay nắn từng nét chữ cho học sinh

Lớp học tình thương của bà giáo Côi nằm tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, Hà Nội. Khác với những lớp học khác, lớp học của bà là lớp học dành riêng cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bà gọi đây là lớp học linh hoạt bởi các em học sinh ở đây đến từ nhiều nơi, lứa tuổi, hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều mong muốn học hết được cấp 1. Hiện tại, học sinh nhỏ tuổi nhất của lớp là 12 tuổi, học sinh lớn nhất cũng đã bước sang tuổi 29.

Nhớ lại những ngày đầu vượt gian nan dạy chữ cho những đứa trẻ thiếu may mắn, bà Côi tâm sự: “Năm 1994, thành phố Hà Nội có chủ trương xóa mù chữ cho trẻ em. Bản thân là giáo viên, với tình yêu thương, tôi đã tình nguyện tham gia dạy cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ tỉnh lẻ lên Thủ đô mưu sinh. Hằng ngày, từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, tôi đi vào các khu trọ nơi các em ăn, ngủ để dạy học. Thời điểm đó không được điều kiện như bây giờ, các cháu cũng nghèo nên hộp đựng dụng cụ đánh giày, hòm đựng quần áo đều được tận dụng để dạy học. Được một thời gian, tôi chuyển sang mở lớp và dạy thêm cả trẻ khuyết tật, mắc bệnh lý về thần kinh”.

Dạy học vốn đã khó nhưng với bà giáo Côi, công việc này còn vất vả gấp bội bởi có nhiều em khi lên cơn còn cầm tay bà cắn và đánh. Nhưng với tình thương, cùng với đó là kỹ năng sư phạm đặc biệt, bà tìm mọi cách để giúp các em bình tĩnh lại. Vì nhiều em trí tuệ kém phát triển, có khi dạy cả năm trời mới nhớ nổi một chữ cái nhưng không vì thế mà bà Côi nản chí. Càng khó khăn, bà càng quyết tâm giúp những đứa học trò đặc biệt học được con chữ.

Hơn 8 giờ sáng, chị Lê Thị Thức (Yên Sở, Hà Nội) chăm chú nhìn đứa con của mình đánh vần từng chữ cái qua ô cửa sổ. Chị chia sẻ: “Nhà có hai con thì không may đứa thứ hai bị tự kỷ thể tăng động. Dù gia đình đã cố gắng nhờ y học can thiệp nhưng tình hình của cháu vẫn không cải thiện. Biết đến lớp học, nhiều năm qua, tôi đưa cháu đến đây. Được bà động viên kiên trì theo lớp, đến nay, cháu đã đánh vần được chữ cái”.

Bước chân vào lớp học, thấy có người lạ, các em học sinh đều đứng lên khoanh tay chào lễ phép dù nhiều em còn đang mải nô đùa. Được biết, bên cạnh dạy kiến thức văn hóa, bà Côi còn dạy các em cách chào hỏi, mời cơm, giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ. “Học được tôi nhận, nhưng kể cả những em không học được tôi vẫn nhận vì ít nhất cũng dạy cho các em cách ứng xử, nề nếp”, bà Côi bộc bạch.

Không thu học phí từ lớp học, với bà, động lực duy nhất để bà tiếp tục công việc ý nghĩa này là sự tiến bộ của học trò. Học đọc, viết, tính toán cơ bản, các em có thể ra ngoài học thêm nghề sửa xe, cắt tóc, hay ít nhất biết đếm tiền rồi trả lại tiền thừa cho người khác. Với bà Côi, chỉ cần có sức khỏe, bà sẽ tiếp tục cống hiến sức lực để dạy chữ cho trẻ thiếu may mắn.

ĐÌNH TOÁN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top