Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Học lịch sử và di sản thông qua trải nghiệm ở bảo tàng: Hiểu nhanh và thấm lâu

Thứ Tư 27/11/2019 | 10:33 GMT+7

VHO- Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với 9 đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu I và Sở GD&ĐT Thái Nguyên, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tổ chức trưng bày trải nghiệm, tái hiện lịch sử với chuyên đề “Sức mạnh truyền thống - Kiến tạo giá trị tương lai”.

Học sinh tham gia làm dân công hoả tuyến

Đầy ắp các trải nghiệm

Chương trình tham quan trải nghiệm, tái hiện lịch sử và trình diễn văn hóa dân tộc diễn ra trong 3 đợt gồm những nội dung chính: Sức mạnh truyền thống 75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Quốc phòng toàn dân trải rộng trên diện tích gần 400.000m2 của Bảo tàng. Chương trình được chia thành 8 cụm theo các chủ đề: Kế thừa truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước; Lực lượng vũ trang ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh; Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc và bảo vệ chính quyền non trẻ 1945-1946; Kháng chiến, kiến quốc, toàn dân xây lực tiềm lực kháng chiến 1946-1954; Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954; Giữ vững hậu phương miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam; Cuộc tổng tiến công thần tốc quyết chiến, quyết thắng làm nên lịch sử; Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Kiến tạo giá trị tương lai.

Mỗi cụm chuyên đề tạo điều kiện cho học sinh được tham gia trải nghiệm, tái hiện lịch sử: Đọc, ngâm thơ chủ đề về đất nước, tái hiện Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng, trích đoạn chèo thuyền nhử địch vào bãi cọc Bạch Đằng, tái hiện lịch sử (câu chuyện bà cụ bán nước góp công đánh thắng giặc, trích rước kiệu trong lễ hội Bạch Đằng, tái hiện ngày thành lập quân đội 22.12.1944; trải nghiệm bữa cơm chay để thực hiện cho được lời thề sắt son, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh; tái hiện Đại hội Quốc dân Tân trào, quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua quốc dân đại hội, lấy lá cờ đỏ, sao vàng là cờ Tổ quốc, Tiến quân ca là Quốc ca; tái hiện lịch sử cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.1945: Cướp kho thóc Nhật; tổng khởi nghĩa cả nước; tái hiện Tuyên ngôn độc lập trong Quốc khánh 2.9.1945; tham gia trải nghiệm lớp học bình dân học vụ (xóa giặc dốt), hũ gạo kháng chiến (diệt giặc đói); thi làm hố ngang, hố dọc cản bước tiến của địch; tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ: Kéo pháo vào trận địa; trải nghiệm dân công hỏa tuyến (gánh dậu, thồ hàng, tải lương, tải đạn); tái hiện các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ (A1, C1, Cầu Mường Thanh); tham gia phiên chợ kháng chiến; trải nghiệm cáng thương, sơ cứu, băng bó khi bị thương, sơ cứu khi đuối nước và ngạt khí, điện giật; trải nghiệm làm thanh niên xung phong Đại đội 915, Ngã ba Đồng Lộc... mở đường san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa; trải nghiệm các hoạt động huấn luyện: Hành quân, chiến đấu trườn bò, ngắm bắn, vót chông; Liên lạc, thông tin, dịch mật mã; Quạt thóc, giã gạo chày tay; Đan mũ rơm; trải nghiệm trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân; chiếu phim về anh bộ đội qua các thời kỳ; tái hiện cuộc tổng tiến công: giải phòng Đường 14, giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng Phan Rang - Xuân Lộc, chiến dịch Hồ Chí Minh…

Cùng với đó, học sinh còn được trải nghiệm trình diễn văn hóa dân tộc, tìm hiểu các tác hại của tệ nạn xã hội (ma túy học đường), hành quân tìm hiểu văn hóa dân tộc, trải nghiệm quy trình tuyển quân… Đặc biệt, sau một ngày trải nghiệm, học sinh được thực hành thiết kế trưng bày, sửa ảnh, in ảnh, viết text tổng hợp và chi tiết “1 ngày để nhớ” ngay tại bảo tàng với các nội dung lịch sử đã tham gia trưng bày, giới thiệu, thảo luận.

Học sinh tìm hiểu về các loại vũ khí phòng không tại trận địa Nguyễn Viết Xuân

Cần lắm sự lan tỏa

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, hơn 30 hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử trên toàn tuyến tham quan của Bảo tàng không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền về 30 năm Quốc phòng toàn dân và truyền thống 75 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn mang ý nghĩa giáo dục tri thức, tích hợp kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và tinh thần đoàn kết vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.

“Thông qua các trải nghiệm tái hiện lịch sử và làm việc theo nhóm, các học sinh đến với chương trình đều phải tham gia vào các hoạt động với sự hỗ trợ của các đơn vị bộ đội, giáo viên, cùng cán bộ của Bảo tàng. Việc này sẽ giúp học sinh hiểu nhanh, thẩm thấu sâu về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông, qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về quốc phòng toàn dân của cha ông ta cũng như của các thế hệ ngày nay. Được xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi, lồng ghép giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam, chương trình trải nghiệm sẽ giúp học sinh nhận thức đúng và có cái nhìn xuyên suốt về chiều dài lịch sử nước nhà”, bà Ngân cho biết thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình trải nghiệm là một sự kết hợp tuyệt vời giữa các “nhà”: Quân đội - bảo tàng - nhà trường nhằm đem lại cho học sinh, sinh viên những kiến thức, hiểu biết về lịch sử qua các trải nghiệm, hoạt động nhóm. Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, dữ liệu, con số, cột mốc lịch sử là vô cùng lớn. Do đó, việc chuyển tải nội dung về lịch sử theo cách học “chay” như vốn có đang là điều khiến nhiều người trăn trở. Chương trình trưng bày, trải nghiệm cũng đã được tiến hành ở một số nơi với sự kết hợp giữa bảo tàng với trường học, tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa như mong đợi và sự lan tỏa giúp học sinh hào hứng với lịch sử, với di sản cũng chưa cao.

Còn hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Đại tá Nguyễn Xuân Thìn (Cục Chính trị, Quân khu 1) cho biết, khi thử nghiệm hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho học sinh lần đầu tiên vào năm 2014, không ngờ lượng người tham gia và hưởng ứng đông bất ngờ, gấp 5 lần dự kiến ban đầu. Không chỉ có học sinh, mà phụ huynh khi đưa con đến bảo tàng cũng được nghe thuyết minh, chứng kiến các hoạt động của con em, chính họ cũng ngấm những kiến thức về lịch sử, văn hóa. Chương trình trải nghiệm này đã tạo ra hiệu ứng kép, đạt hiệu quả cao không ngờ. Chính vì thế, năm 2017, đề tài về giáo dục truyền thống đã được xây dựng và báo cáo Bộ Quốc phòng, đến nay thì triển khai.

Bà Nguyễn Thị Ngân cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 30 nghìn người tham gia các hoạt động trải nghiệm trong chương trình của năm nay. Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Xuân Thìn, số lượng người tham gia trực tiếp và gián tiếp có thể còn nhiều hơn. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Giáo dục TP Thái Nguyên cho biết học qua di sản, học qua trải nghiệm học sinh sẽ thấm lâu. Các hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng lứa tuổi và dưới lăng kính của học sinh cũng sẽ giúp các em nhớ lâu các kiến thức lịch sử, văn hóa và tạo dấu ấn trong cuộc đời đi học của các em.

Với sự kết hợp giữa quân đội - bảo tàng - nhà trường, mô hình giúp học sinh tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa, quân sự… thông qua các chương trình trải nghiệm tại tỉnh Thái Nguyên, nhiều người cho rằng cần nhân rộng, để học sinh trong cả nước không còn cảnh học “chay” môn lịch sử hay hổng những kiến thức lịch sử, văn hóa, quân sự của nước nhà. 

Cuộc trưng bày trải nghiệm, tái hiện lịch sử với chuyên đề “Sức mạnh truyền thống - Kiến tạo giá trị tương lai” diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP Thái Nguyên) từ ngày 26.11 đang thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, trường học, các bậc phụ huynh bởi sự chuẩn bị chu đáo, công phu cùng các chương trình trải nghiệm hấp dẫn dành cho học sinh, sinh viên.

HOÀNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top