Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tổ hợp vui chơi giải trí tại Việt Nam: Cung chưa đủ cầu

Thứ Ba 26/11/2019 | 14:30 GMT+7

VHO- Trong 10 năm (từ 2008-2018), khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4,4 lần, từ 1,3 triệu lượt lên 5,74 triệu lượt. Cũng trong khoảng thời gian trên, khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng trưởng vượt bậc, từ 218 ngàn lượt năm 2008 lên 2,88 triệu lượt năm 2018, gấp 13,2 lần. Có thể thấy, mức tăng trưởng khách quốc tế của Đà Nẵng đã nhanh gấp 3 lần Hà Nội. Vậy đâu là lý do?

Du khách trải nghiệm Sun World Fansipan Legend

Cú ngược dòng ngoạn mục của thành phố bên sông Hàn

Không thể phủ nhận các cụm, tổ hợp du lịch, công viên chủ đề... xuất hiện trong vài năm gần đây tại các thành phố du lịch lớn như: Sun World Ba Na Hills, Sun World Fansipan Legend, Sun World Hon Thom Nature Park, Vinpearl Land Phú Quốc,… đang góp phần giải tỏa cơn khát thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch quy mô và đẳng cấp phục vụ du khách. 

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế khoảng 20% như hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu du khách, đặc biệt là những tổ hợp giải trí quy mô để kích thích du khách tiêu tiền.

Ngay tại thủ đô Hà Nội- nơi được xem là một trong hai trung tâm du lịch lớn hàng đầu cả nước nhiều năm qua vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu các công viên giải trí quy mô lớn . Vậy nên, bao năm qua, người dân Thủ đô vẫn phải tới Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, hoặc ra nước ngoài để chơi công viên, còn du khách quốc tế thì thường xuyên phải đối mặt với câu hỏi: Đi đâu, chơi gì? 

Ông Tạ Hữu Chiến – Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Sunvina Travel nhận định:“Hà Nội hiện có Khu tổ hợp vui chơi, giải trí, ẩm thực, nghỉ dưỡng Baara Land mới đi vào hoạt động nhưng chủ yếu đáp ứng được nhu cầu của khách vào mùa hè, quy mô nhỏ. Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, nhưng quy mô nhỏ, dịch vụ giải trí không đa dạng, đã lỗi thời, xuống cấp. Hà Nội đang thiếu hẳn những tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế phục vụ chính nhu cầu của người dân chứ chưa nói đến việc đón khách quốc tế”. Trong khi theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 10 năm từ 2008-2018, khách quốc tế đến Hà Nội tăng gấp 4,4 lần, từ 1,3 triệu lượt lên 5,74 triệu lượt.

Tổ hợp vui chơi giải trí tại Việt Nam: Cung chưa đủ cầu

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Sun World Ba Na Hills.

Trong khi đó, nhờ sự góp sức mạnh mẽ của các Tập đoàn lớn như Sun Group, từ năm 2007, du lịch Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ với khu du lịch Sun World Ba Na Hills gồm rất nhiều công trình tầm cỡ thế giới. Đó là hệ thống cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới về chiều dài và độ cao; công viên Fantasy trong top 5 Công viên giải trí lớn nhất châu Á; tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp thương hiệu M-Gallery trên đỉnh Bà Nà; và sản phẩm mới nhất của Bà Nà - Cầu Vàng cũng lọt Top 100 điểm đến thế giới 2018, đồng thời thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến check-in. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%, du khách đến Bà Nà cũng tăng hơn 160 lần. Cũng thời gian đó, sân bay Đà Nẵng cũng chứng kiến một lượng khách tăng trưởng vượt bậc, từ hơn 2 triệu khách năm 2009 lên 13,3 triệu lượt khách vào năm 2018.

Đà Nẵng từ một thành phố biển nằm khiêm tốn trên “con đường di sản miền Trung” chỉ được du khách quốc tế chọn là điểm trung chuyển để đi đến cố đô Huế hay phố cổ Hội An, đã có “cú ngược dòng” ngoạn mục thành “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”, “Điểm đáng đến của năm”… Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, 10 năm (2008 -2018), lượng khách quốc tế đến Đà thành tăng trưởng vượt bậc, từ 218 ngàn lượt lên 2,88 triệu lượt, gấp 13,2 lần. Tốc độ tăng này gấp 3 lần Hà Nội, khi thủ đô chỉ đạt mức tăng trưởng khách quốc tế 4,4 lần trong thời gian trên.

Đầu tư để phát triển

Sự thành công của Bà Nà Hills sau 10 năm có thể xem là hình mẫu tiêu biểu cho mô hình tổ hợp vui chơi giải trí tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang rất thiếu những tổ hợp, công viên chủ đề quy mô lớn đủ sức tạo nên sức hấp dẫn lâu dài như Bà Nà. Theo các chuyên gia du lịch, một trong những nguyên nhân là nhận thức của từ cấp quản lý cho đến người dân chưa hiểu đúng  vai trò của những khu tổ hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, vậy nên, các dự án này chưa được khuyến khích đầu tư, và cũng không nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo các qui định của pháp luật. 

Ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc công ty Tiên Phong Travel lý giải: “Câu chuyện về những ý kiến trái chiều ở thời điểm Sun Group đầu tư khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai) là một ví dụ. Nhưng, song hành cùng với đầu tư, họ đã làm sạch toàn bộ những bãi rác, trồng rất nhiều hoa, cây xanh, nhờ đó, không chỉ khai thác được tiềm năng, giá trị mà vẫn giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, đồng thời tạo hàng ngàn việc làm cho người dân bản địa, góp phần quảng bá và thu hút du khách; thì những định kiến xấu ban đầu gần như đã được xóa bỏ. Mặt khác, từ khi Sun World Fansipan Legend hoạt động, một loạt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác như: Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mua sắm, vui chơi, ẩm thực, vận tải… đều đã được hưởng lợi theo. Ai cũng nói Sa Pa đẹp, nhưng mấy chục năm vẫn úi xùi như thế, nếu không có sự đầu tư bài bản của Sun Group”, ông Phùng Xuân Khánh nhấn mạnh. 

Một nguyên nhân được các chuyên gia du lịch chỉ ra là, để xây dựng một khu vui chơi giải trí hiện đại đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn rất chậm, nên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư. “Ví dụ, đầu tư một thiết bị rơi tự do từ không trung xuống khoảng 30m nếu của châu Âu giá cỡ vài triệu USD, mỗi lần chơi cho 15 người chơi, mỗi lần thu 100 ngàn đồng, thì khoảng 10 năm mới có thể thu hồi vốn. Đó là chưa kể số tiền thuê đất, tiền bảo dưỡng thiết bị, thuê nhân công… mỗi năm rất tốn kém”, ông Chiến dẫn chứng. 

Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế khoảng 20% như hiện nay, các Tổ hợp vui chơi, giải trí quy mô lớn gần như đang phải hoạt động hết công suất vào dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết. Theo đề án phát triển du lịch đến 2020 tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đến năm 2025 tăng lên 30 triệu…Nếu không sớm đầu tư thêm các cụm, tổ hợp du lịch đa tiện ích phục vụ du khách tại các thành phố du lịch trọng điểm thì nguy cơ quá tải, khiến du khách quay lưng không phải điều xa vời. 

H.H

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top