Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Viết tiếp bài "Sao lại nỡ đưa con em mình ra làm "con tin"?": Cần có giải pháp quyết liệt hơn để các em trở lại đi học

Thứ Sáu 22/11/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Khảo sát vào chiều qua 21.11, tình trạng hàng ngàn học sinh các cấp từ mầm non đến THCS tại hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội) nghỉ học nhiều ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

  Trường Tiểu học Thanh Lâm A gần như vắng bóng học sinh trong ngày đi học. Ảnh chụp vo sáng qua 21.11

Học sinh không những nghỉ học ở nhà mà một số em còn theo bố mẹ ra khu đất dự kiến là địa điểm mở rộng nghĩa trang Thanh Tước để “góp phần giữ đất” (!?).

Vẫn còn số đông học sinh nghỉ học

Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa vào sáng qua 21.11, chỉ riêng trường tiểu học Thanh Lâm A vẫn có đến 543 học sinh nghỉ học trên tổng số 1.046 học sinh toàn trường. Trong đó, khối lớp 1 là 117 học sinh, khối 2 là 127 em, khối 3 là 103 học sinh còn các khối 4, 5 lần lượt số học sinh nghỉ học là 103 và 93 học sinh. Điều này đã dấy lên một thực trạng đáng báo động cho công tác giáo dục tại huyện Mê Linh khi mà trẻ em đang bị chính cha mẹ đem ra làm “con tin” để nhằm mục đích gây áp lực với chính quyền sở tại phản đối Dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước, phản đối quy hoạch mở rộng nghĩa trang Thanh Tước trong đó có hạng mục lò thiêu.

Đáng nói là có những phụ huynh đã chủ động viết Đơn xin phép nghỉ học cho con và thẳng thắn nêu lí do nhằm phản đối dự án, đồng thời khẳng định “khi nào dự án hủy bỏ, con tôi sẽ đi học lại bình thường”. Điều đau xót là đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 các em nhỏ lại bị cha mẹ bắt ở nhà, với lý do là để “bảo vệ môi trường (!?)”. Nguy hại hơn, nhiều học sinh xem việc nghỉ học như một biện pháp để giúp đỡ bố mẹ mà không nghĩ tới những hậu quả nhỡn tiền và lâu dài. Về việc này, những phụ huynh, người nhà của học sinh đã nói gì khi bắt con em nghỉ học ở nhà?

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa ngay tại cổng trường Tiểu học Thanh Lâm A, đa số những người tụ tập ở đây đều chung một câu trả lời: “Chúng tôi phản đối Dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước, phản đối quy hoạch mở rộng nghĩa trang Thanh Tước trong đó có hạng mục lò thiêu. Học để làm gì khi môi trường bị ô nhiễm, trước hết phải bảo vệ môi trường đã”. Là một trong những gia đình cho con nghỉ học nhiều nhất, bà Phạm Thị M cho biết, bà có 21 cháu vừa cháu nội vừa cháu ngoại đều cho nghỉ học. “Bây giờ tôi chỉ đề nghị hủy bỏ dự án này thì lúc đó tôi lại cho các cháu đi học”. Ông bà, bố mẹ đã nói như thế và con trẻ đã “tiếp thu” nhanh chóng trong những ngày qua. Nói chuyện với phóng viên trước sự chứng kiến của người lớn, bé B, một học sinh tiểu học tại Mê Linh nói: “Con nghe bố mẹ ông bà nói, dự án mở rộng nghĩa trang Thanh Tước nó làm ô nhiễm môi trường, nó ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai của bọn con”.

 “Đơn xin nghỉ học” của một phụ huynh học sinh

Hậu quả khó lường, học sinh phải gánh chịu

Ngoài việc bắt con em nghỉ học ở nhà, một số người dân còn chặn các ngả đường không cho học sinh đi học, một số người dân vào trường học yêu cầu học sinh nghỉ học, gây ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học của nhà trường. Thậm chí nhiều gia đình cho con đi học lại bị đe dọa, bị ném chất bẩn vào nhà. Chưa nói tới việc cha mẹ học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS tại các xã Tam Đồng và Thanh Lâm không cho con em đi học, tụ tập đông người tại cổng trường để ngăn cản, gây cản trở các học sinh đến trường là vi phạm Luật Trẻ em và các quy định khác của pháp luật, tình trạng nghỉ học kéo dài sẽ khiến học sinh phải nhận những hệ quả.

Cô Phạm Thị Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Đồng cho biết, học sinh nghỉ học chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức và ảnh hưởng đến kết quả học tập của các cháu trong năm học này, đặc biệt là trong thời gian hiện nay nhà trường đang kiểm tra đánh giá các con giữa học kỳ. Còn cô giáo Ngô Thị Trung Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Lâm A khẳng định, việc học sinh nghỉ học chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên bởi vì số lượng học sinh nghỉ tới 2/3 thì chương trình giảng dạy sẽ không được triển khai đồng loạt tới tất cả các học sinh. Bởi có những lớp chỉ có 1 học sinh đến trường, có những lớp thì 2-3 em nhưng giáo viên vẫn phải có trách nhiệm giảng dạy bình thường theo thời khóa biểu quy định để đảm bảo quyền lợi cho những em đi học chuyên cần.

Ngoài ra, việc học của các con cũng không được cập nhật theo chương trình thời khóa biểu, sau này giáo viên cũng sẽ phải giảng dạy để bổ sung kiến thức cho các cháu. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn bởi chương trình theo quy định của Bộ thì cứ theo tuần, theo tháng. Một tuần đã trôi qua, hàng ngàn trẻ em tại hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng vẫn không được phụ huynh cho đến trường để học tập, vui chơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của trẻ em mà giáo viên cũng hết sức đau lòng. Mọi biện pháp tuyên truyền vận động tới phụ huynh và học sinh cũng không mang lại hiệu quả. Giáo viên vẫn phải hằng ngày đến lớp trong tình cảnh thiếu vắng học trò. Đau xót hơn, có những trường hợp, cha mẹ là giáo viên nhưng cũng phải cho con nghỉ vài hôm trước áp lực của cộng đồng. Chị N, một giáo viên tại địa phương cho hay: “Cá nhân tôi thực sự rất tâm tư và lo lắng, khó xử bởi các con phải nghỉ học. Việc này sẽ rất ảnh hưởng đến học tập của các con nhưng mình sống ở làng xóm, sống với cộng đồng nên rất khó. Mình còn cả gia đình, hàng xóm, họ mạc. Nếu mình khác ý, họ tuyên bố thẳng rằng mọi công việc sau này của gia đình sẽ không ai đến, như kiểu mình bị cô lập ấy…”.

Được biết, cho tới thời điểm hiện tại, Huyện ủy Mê Linh đã yêu cầu UBND huyện Mê Linh chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND các xã tập trung tuyên truyền, giải thích cho học sinh đến trường, kêu gọi phụ huynh học sinh không vi phạm quyền của trẻ em được đến trường. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ an ninh trong trường học, không để các đối tượng xấu xúi giục, kích động và lợi dụng.

UBND huyện cũng đã giao Công an huyện có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, ngăn cản phụ huynh đưa con đến lớp, chủ động triển khai biện pháp bảo vệ các cơ sở trường học, cán bộ, đảng viên và người dân đấu tranh, phản bác lại hành vi của các đối tượng xấu.

Tuy nhiên, dường như những giải pháp trên chưa mang hiệu quả và dư luận chờ đợi một sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để sớm chấm dứt tình trạng trên, đem lại môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh.

QUỐC HÙNG- THÀNH LONG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top