Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Có một giáo viên “ngược đời”... như thế

Thứ Tư 20/11/2019 | 11:09 GMT+7

VHO- Những giọt nước mắt lăn dài trên má khi nói về học sinh của mình và những cảm xúc buồn, vui cùng nhiều băn khoăn, bức xúc đã được bày tỏ chân thành với lãnh đạo ngành GD&ĐT vừa mới diễn ra tại Hà Nội…

 Cô giáo Nhi cùng học sinh của mình Ảnh: NGUYỄN VÂN

Rất nhiều giáo viên trong số đó đã tâm huyết với nghề, vượt qua gian khó, hy sinh quyền lợi bản thân để có thể hoàn thành nhiệm vụ nơi vùng sâu vùng xa. Cô giáo Nguyễn Vân Nhi là một trong những người như thế.

Một mình vượt rừng trong đêm

Cô giáo Nhi năm nay vừa tròn 30 tuổi. Cô công tác ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhất của huyện M’Đrăk cũng đã gần 8 năm nay là Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, Đắk Lắk). Nhiều năm công tác ở xã vùng khó, nhiều người đánh giá cô là một giáo viên “ngược đời” so với tất cả đồng nghiệp vì đủ năm công tác ở vùng sâu, lần lượt ai cũng làm đơn xin ra thị trấn để được gần nhà, duy nhất chỉ có cô Nhi vẫn muốn gắn bó với ngôi trường quen thuộc.

M’Đrăk là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, cách xa trung tâm tỉnh Đắk Lắk 90km. Năm 2007, xã Cư San được thành lập, là một xã xa trung tâm huyện hơn 50 km đường rừng núi. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, Dao di cư từ phía Bắc vào. Năm 2010, Trường PTDT Bán trú THCS Tô Hiệu được thành lập chỉ với vỏn vẹn 11 cán bộ giáo viên và 4 lớp học. Đầu năm 2012, cô Nhi nhận quyết định hợp đồng giảng dạy tại trường Tô Hiệu trong một tâm thế phấn khởi, tràn đầy năng lượng.

Hằng ngày cô đều đặn vượt chặng đường 50km rừng núi hiểm trở. Có lần 7h sáng xuất phát đến tận 11h trưa mới đến trường, toàn thân đầy bùn đất như đi cày ruộng về, nhưng miệng cô vẫn cười rạng rỡ, không chút nản lòng. Hỏi ra mới biết, con đường đến trường Tô Hiệu là mùa nắng thì lồi lõm, xóc tưng tưng, còn mùa mưa lại sình lầy không kể xiết. Có lúc hỏng xe dắt bộ trong rừng hay có những ngày thời tiết quá xấu phải đi 8 tiếng mới đến nơi là thường. Cô Nhi tâm sự, có những lần phải băng rừng mà cô buộc vượt qua nỗi sợ hãi khi xe bị mắc vào vũng lầy trong khi trời tối đen như mực, đường không có một bóng người. Một mình cô không thể kéo xe máy ra khỏi vũng lầy ngay. Từng chút, từng chút một, trong bóng tối dày đặc giữa rừng, Nhi cố gắng kéo chiếc xe ra khỏi vũng lầy đó. Nỗi sợ hãi còn đeo đuổi cho tới khi Nhi về đến nhà.

Nhi nói, “đêm ấy em sợ đến phát khóc nhưng hôm sau nghĩ đến học sinh lại tìm cách vào trường. Em chỉ nghĩ nếu mình chùn bước, nếu ai cũng muốn về gần nhà thì ai dạy cho các em vùng sâu vùng xa đây?”.

Trở thành người mẹ thứ hai của học sinh

Những khó khăn ban đầu ấy khiến Nhi nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Song sự trở ngại như đường xa hiểm trở, học sinh là người đồng bào thiểu số, học sinh hay bỏ học… rồi dần dần cũng qua đi. Nhi “đeo bám” trường lớp, gần gũi với học trò để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, thời gian rảnh còn ghé thăm nhà học sinh để biết thêm về phong tục tập quán nơi đây. Những giờ học Nhi luôn đầu tư để có hình ảnh sinh động, tìm tòi dạy theo phương pháp dạy mới để khơi gợi sự sáng tạo, hứng thú cho học trò.

Đặc biệt, Nhi tận dụng thời gian rảnh rỗi để xuống khu nhà bán trú của học sinh rồi hòa vào cuộc sống thường ngày của các em. Đó là những dãy nhà tạm bằng ván, giường cũng bằng ván, mái lợp tôn pro-xi măng. Nhi bảo, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên các em còn thiệt thòi nhiều lắm. Kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các em hai buổi ăn trưa và ăn tối, còn buổi sáng thì tự túc. Mỗi sáng vào lúc 4h30’ đến 5h, các em dậy gọi nhau đi nấu cơm, nấu canh để ăn bữa sáng. Thức ăn là mắm muối dầm với ớt, rau luộc, bí xào, hoặc “cao cấp” hơn nữa là cá khô, trứng hoặc mì tôm.

Xót thương cho học trò, cô Nhi đi vận động bạn bè, người thân chia sẻ cho các em những vật dụng cũ như áo quần, giày dép, mũ, sách, truyện, báo... Mọi người hào hứng chung tay giúp cô giáo thực hiện được khao khát giúp các em học sinh nghèo. Từ đó cô giáo Nhi coi chuyện vận động giúp đỡ học sinh nghèo như là một nhiệm vụ thường xuyên. Đến giờ cô không nhớ là đã vận động được bao nhiêu lượt quà tặng, giúp được bao nhiêu em hay bao nhiêu hộ dân nghèo quanh trường nữa... Cứ như thế cô Nhi đã trở thành một người mẹ thứ hai của bao lứa học sinh, một người thân của biết bao gia đình người dân có con học tại trường.

“Học sinh ở trường mình phần lớn là dân tộc H’Mông và dân tộc Dao, vì thế điều kiện còn thua kém các em ở vùng đô thị rất, rất nhiều. Nhưng sự hồn nhiên, ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu học của các em đã giúp tôi có niềm tin, niềm vui trong công việc và có thêm động lực công tác ở vùng sâu, vùng xa mà không cảm thấy buồn chán hay thiệt thòi”, cô Nhi tâm sự. Cô còn cho biết, những ngày 20.11 hay ngày lễ thầy cô giáo nơi đây thường nhận được những bông hoa gấp vụng về bằng những tờ giấy do chính học sinh làm. 

 Đó thực sự là món quà hạnh phúc nhất mà người thầy, người cô như chúng tôi nhận được khi học sinh đã biết thương mình. Nếu nói rằng sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp trồng người thì tôi tin chắc rằng, hãy cứ yêu nghề, hãy cứ đam mê, hãy cứ truyền cảm hứng kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, nhất định bạn sẽ gặt hái được quả ngọt mà thôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được công tác lâu dài ở vùng sâu vùng xa, góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục.

(Cô giáo NGUYỄN VÂN NHI)

 

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top