Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bổ sung kho tư liệu quý về Việt Nam từ phương Tây

Thứ Tư 13/11/2019 | 10:28 GMT+7

VHO- Các thế kỷ trước, nhiều người nước ngoài trong các vai trò khác nhau đã tới Việt Nam và đã có những ghi chép về con người, phong tục tập quán, thiên nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội...

Một số tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt

Gần đây, nguồn tư liệu quý này đã được các nhà nghiên cứu tuyển lựa, chuyển ngữ và ra mắt công chúng, bổ sung cho những khuyết thiếu về lịch sử nước nhà.

Kho tư liệu quý về lịch sử, văn hóa

“Vì nhiều lý do, khối tư liệu về Việt Nam ở nước ngoài rất lớn. Đây là nguồn di sản về lịch sử văn hóa dân tộc có giá trị nhiều mặt. Do đó, cần thiết phải điều tra, khảo sát, tổ chức nghiên cứu sưu tầm đem về Việt Nam càng nhiều càng tốt. Đây chắc chắn là sự nghiệp lâu dài, không phải một sớm một chiều”, PGS. TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội chia sẻ.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều nhà nghiên cứu, đơn vị xuất bản quan tâm khai thác các tư liệu này. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, người đã điều tra, sưu tầm được trên 8.000 trang tư liệu gốc từ nhật ký thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan cùng 1.000 trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII cho biết: “Nguồn tư liệu của nước ngoài liên quan đến Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử hiện ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia... và nhiều quốc gia phương Tây”. 15 năm tìm hiểu tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh, các nghiên cứu của PGS. TS Hoàng Anh Tuấn đã được Nhà xuất bản Hà Nội ra mắt trong các công trình: “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài” (1672 – 1697); “Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài” (1637 – 1700)...

Qua đó, có thể thấy rằng thế kỷ XVII là thời kỳ Việt Nam giao lưu, hội nhập sôi động với khu vực và thế giới. Trong khối tư liệu của Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh, ngoài nhật ký hoạt động của các công ty này được ghi chép cụ thể, chi tiết, nhiều mặt về đời sống xã hội ở kinh đô Thăng Long – Hà Nội, mở rộng ra cả Đàng Ngoài cũng được phản ánh một cách rất chân thực, khách quan, thể hiện sinh động, toàn diện hơn chính sử trong nước.

Bên cạnh đó, thời gian qua với giá trị của các tư liệu từ phương Tây về Việt Nam, và sự quan tâm của người đọc, mảng sách dịch từ tác phẩm do tác giả phương Tây viết về nước ta từ thời thuộc địa và phong kiến được xuất bản ngày càng dày lên. Trong số các tác phẩm từ phương Tây, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sách của người Pháp viết về Việt Nam có số lượng lớn, vì họ đã sang Đông Dương rất lâu, mở đồn điền, có nhiều người có chặng đường của cả gia đình gắn với đất nước Việt Nam, nên khi họ trở về đã viết khá nhiều sách về kỷ niệm thời gian họ sống trên đất nước ta. Có thể kể tới các tác phẩm Đông Dương ngày ấy 1898 - 1908 của tác giả Claude Bourrin, NXB Lao động; Xứ Đông Dương của tác giả Paul Doumer, từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932), do Công ty cổ phần Sách Alpha liên kết NXB Thế giới xuất bản. Gần đây là ba cuốn sách viết về xứ An Nam Tâm lý người An Nam của Paul Giran, Nghệ thuật xứ An Nam của Henri Gourdon và Bắc Kỳ tạp lục của Henri M.Souvignet của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.

Cần được khai thác… để phản biện

Chuyên gia kiến trúc Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Ile-de-France, Pháp tại HàNội cho rằng, “người châu Âu đặc biệt quan tâm đến phương Đông. Hệ thống các cuốn sách người phương Tây viết về phương Đông, cụ thể là về Đông Dương không chỉ bắt đầu ở thế kỷ XX mà trước đó rất nhiều. Ngay từ thế kỷ thứ I, II đã có cuốn sách nhắc tới phương Đông, dù chưa rõ ràng, mới là chỉ dẫn, hướng dẫn mối bang giao, thương mại. Tuy nhiên, những ghi chép, công trình nghiên cứu xã hội học đồ sộ thì phải đến thế kỷ XVII, với sự xuất hiện của các nhà truyền giáo phương Tây. Các ghi chép này đóng góp thực sự giúp người phương Tây hiểu biết về phương Đông, Đông Dương thời kỳ đó”.

Sau hàng trăm năm, tình thế đã khác, chính các tài liệu lịch sử lại đưa cho những người đọc Việt Nam cái nhìn vừa tổng quan, vừa cụ thể về đất nước mình xưa kia. Điểm độc đáo là họ đưa ra nhiều câu chuyện, mà chúng ta không để ý hoặc đã quá quen thuộc, nhưng lại soi rọi dưới góc nhìn từ bên ngoài. Trong khi đó, người Việt xưa, thậm chí cả ngày nay thường không có thói quen ghi chép chân thực và tỉ mỉ các sự việc, đời sống hằng ngày. Do vậy, đây là nguồn tư liệu quý giá, thể hiện phần nào về văn hóa, xã hội, chính trị… của Việt Nam những thế kỷ trước, cũng cho thấy sự thay đổi so với đương đại.

“Các công trình này được đọc theo cách hồi cố, ta thấy ở đó quan sát của người ngoài về xã hội cách đây cả trăm năm, có những gì đã qua, những gì ngày nay vẫn tồn tại được khắc dấu trong sách. Loại sách như thếnày, các đơn vị xuất bản in hàng nghìn cuốn, nghĩa làsức mua khá, cho thấy độc giả ngày nay vẫn quan tâm... Chúng ta đọc các cuốn sách để thấy đâu là điểm xác tín, đâu làđiểm bác bỏ hoặc đối thoại, đâu là điểm có thể tiếp tục nghiên cứu, khi tiếp cận với tư liệu cách đây hơn 100 năm”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ.

 THANH THẢO 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top