Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Loạn dịch vụ thẩm mỹ ở TP.HCM: Cơ quan chức năng thừa nhận “quản không xuể”

Thứ Tư 13/11/2019 | 10:24 GMT+7

VHO- Nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, cơ sở spa, thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM cũng tăng dần theo thời gian. Để hút khách, nhiều cơ sở đã bất chấp hậu quả, sẵn sàng quảng cáo quá sự thật, thực hiện các dịch vụ khi chưa được cấp phép, thậm chí hành nghề không có chứng chỉ…

Lực lượng Thanh tra Sở Y tế kiểm tra cơ sở thẩm mỹ không phép

 Đó là những vấn đề được nêu ra tại “Hội nghị Quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ năm 2019” do Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức.

Mọc lên như nấm

Theo Sở Y tế TP.HCM, đến hết tháng 9.2019 toàn thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc da, spa... Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố, số cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp ngày một tăng nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân. Mặt khác, ngành Y tế có chủ trương phát triển y tế du lịch nên nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến thành phố để sử dụng các dịch vụ y tế, trong đó có dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp. Tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố y khoa rất nghiêm trọng liên quan đến các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp.

Thực tế, số lượng các cơ sở thẩm mỹ phát triển nhanh trong một thời gian ngắn đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Trong đó khó quản nhất là các loại hình thẩm mỹ như chăm sóc da, spa. Những cơ sở này thường vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm thực hiện các dịch vụ không được cấp phép như phun, xăm, thêu thẩm mỹ…

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, việc quản lý các cơ sở spa, chăm sóc da thực sự là bài toán khó đối với ngành chức năng. Trong tổng số 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc da, spa… chỉ có 8 cơ sở đã được thẩm định của Sở Y tế và chứng nhận đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật như phun, thêu, xăm thẩm mỹ. Còn lại không thể kiểm soát được có thực hiện việc phun, thêu, xăm hay không? Thậm chí nhiều cơ sở còn “vượt rào” thực hiện các kỹ thuật như tiêm chất làm đầy dù không được phép.

Sau hai sự cố thẩm mỹ gây chết người tại bệnh viện Emcas và bệnh viện thẩm mỹ Kang Nam, mới đây ngày 8.11 lại có thêm một phụ nữ 28 tuổi bị ngưng tim, ngưng thở phải nhập viện cấp cứu sau khi tiêm thuốc nâng mũi tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ Vivia, phường Thảo Điền, quận 2. Điều này cho thấy lĩnh vực thẩm mỹ làm đẹp là mảnh đất “màu mỡ” mà nhiều phòng khám thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp nhắm đến. Đơn cử như tại quận 10 hiện có 65 cơ sở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra 19 cơ sở thì có đến 14 cơ sở vi phạm, trong đó những lỗi vi phạm thường được phát hiện: Tiêm chất làm đầy, cắt mí mắt không phép, kinh doanh hàng mỹ phẩm không xuất xứ, quảng cáo không phép trên mạng xã hội…

Đề cập về công tác thanh kiểm tra, ông Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng, công tác thanh, kiểm tra vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua kiểm tra, các lỗi sai phạm tại các cơ sở thẩm mỹ, spa làm đẹp thường được lực lượng chức năng phát hiện như hành nghề không chứng chỉ, quảng cáo vượt quá phạm vi hoặc chưa được phê duyệt, hồ sơ bệnh án ghi chép sơ sài, qua loa, hoạt động chưa có giấy phép, thuốc, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, cơ sở vật chất thay đổi hoặc chưa được thẩm định.

Quản lý theo kiểu… chạy theo

Theo ông Tăng Chí Thượng, ngoài những cơ sở được cấp phép thì cũng có nhiều cơ sở không được cấp phép, và liên tục bị phản ánh. Trong khi đó tỉ lệ tai biến tại những cơ sở không phép, cơ sở trá hình, hoạt động “chui” là rất cao. Tuy nhiên việc quản lý những cơ sở này thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế. PGS.TS.BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP.HCM cho rằng, tỷ lệ tai biến y khoa trong phẫu thuật thẩm mỹ là điều khó tránh ngay cả với những bác sĩ thực hiện theo đúng quy trình đã được quy định. Thế nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người hành nghề không an toàn, chủ yếu ở các cơ sở spa, chăm sóc da. Để lôi kéo, những cơ sở này thường quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, quảng cáo quá sự thật như bác sĩ trẻ thì quảng cáo là phó giáo sư, nhiều kinh nghiệm; có trường hợp tay ngang không được đào tạo thì biến thành chuyên gia thẩm mỹ. Do đó bác sĩ Lê Hành cảnh báo, nếu không kiểm soát được việc quảng cáo tràn lan, vượt quá thực tế hiện nay thì thị trường thẩm mỹ sẽ hỗn loạn. Đáng quan ngại hơn, bệnh nhân là những người chịu tai họa, còn những bác sĩ chân chính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, ông Tăng Chí Thượng đề nghị, thời gian tới để quản các dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp đòi hỏi phải có sự chung tay của các Sở, ban, ngành và cả cộng đồng. Chỉ đơn thuần thanh, kiểm tra như thời gian qua thì vẫn chưa đủ và khó phát hiện, xử lý. Hiện Sở Y tế đã, đang triển khai các ứng dụng kết nối với người dân, qua đó cung cấp thông tin cụ thể các cơ sở thẩm mỹ để người dân có thể tự nhận xét, đánh giá. Mặt khác để ngăn chặn các tai biến y khoa thẩm mỹ, lực lượng thanh tra phải đẩy mạnh rà soát, kiểm tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, spa, chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tuân thủ đúng quy định. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm và công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết phòng ngừa. 

 Thêm nhiều trường hợp hoại tử vì tiêm filler nâng mũi tại spa

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, thời gian qua Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy) tại các cơ sở thẩm mỹ không phép. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng không thể phục hồi do bị hoại tử da, nhiễm trùng và có trường hợp bị mù mắt. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận 1 đến 2 trường hợp bị biến chứng nặng do tiêm filler, một số trường hợp bị biến chứng nặng đến nỗi không thể phục hồi.

Do đó, bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo, tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không hợp pháp sẽ có nhiều nguy cơ gây ra các tai biến nặng, khó chữa. Vậy nên khi có nhu cầu làm đẹp, đặc biệt là tiêm chất filler người dân cần lưu ý phải đến khám, tư vấn, chỉ định bởi các chuyên viên y tế, bác sĩ chuyên khoa tạo hình ở những cơ sở được cấp phép hợp pháp, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, cơ sở vật chất có đầy đủ trang thiết bị, thuốc men được kiểm định của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn, tránh những tai biến đáng tiếc.  

 

 NGUYỄN KHẢI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top