Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sử dụng hình ảnh di sản để quảng cáo cho sản phẩm: Những câu hỏi đặt ra cần phải trả lời

Thứ Hai 11/11/2019 | 10:00 GMT+7

VHO- Trao đổi với Văn Hóa về việc sử dụng thiếu thận trọng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trong hoạt động tuyên truyền, quảng cáo kinh doanh, tạo nên những bất cập, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đều cho rằng, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp hoạt động tại địa phương cần cân nhắc, lưu ý hai yếu tố thận trọng và tôn trọng khi sử dụng các hình ảnh, biểu tượng văn hóa của đất nước trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá.

Hệ lụy tạo nên những bức xúc, phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng khu vực có di sản cũng như dư luận xã hội trong vụ việc Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam sử dụng biểu tượng di sản chùa Cầu đưa lên sản phẩm bia Huda vừa qua cho thấy, đây là những cảnh báo rất cần thiết.

“Lưu ý sự hài hòa giữa các yếu tố văn hóa truyền thống với lợi ích kinh doanh, thương mại”

Đối với việc sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trong hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, Cục Di sản văn hóa đã có công văn gửi đến các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm chấn chỉnh những bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một động thái cần thiết của cơ quan chức năng nhằm siết chặt công tác quản lý, cấp phép đối với các hoạt động quảng cáo có sử dụng biểu tượng văn hóa, di sản văn hóa quốc gia.

Đối với các nội dung quảng cáo thương mại có sử dụng những biểu tượng văn hóa, di sản hay hình ảnh quê hương, đất nước và con người Việt Nam thì ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, pháp luật có liên quan, nhất thiết phải thể hiện được sự tôn trọng các giá trị văn hóa, bảo tồn giá trị di sản và đặc biệt, cần phải phù hợp với ý nguyện, nhu cầu của người dân thì mới đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề nhận thức, phải có sự hài hòa giữa các yếu tố văn hóa truyền thống với lợi ích kinh doanh, thương mại. Tránh việc tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung, giá trị của di sản văn hóa, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nếu sử dụng hình ảnh, biểu tượng văn hóa để tôn được giá trị của sản phẩm hàng hóa là tốt, nhưng cần nhớ là phải sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết phù hợp. Cơ bản là tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Chẳng hạn như quảng cáo sản phẩm dầu ăn với hình ảnh cả gia đình, bố mẹ, con cái cùng mặc áo dài truyền thống, quây quần bên nhau trong ngày Tết…, rất ý nghĩa, vừa tôn vinh các biểu tượng sinh hoạt văn hóa lễ nghĩa trong gia đình, vừa nâng được giá trị của sản phẩm quảng cáo.

Từ việc sử dụng hình ảnh di sản để quảng cáo bia gây nên phản ứng trong dư luận, đặc biệt đối với cộng đồng địa phương ở khu vực có di sản cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần thận trọng, khi thẩm định nội dung quảng cáo và cấp phép. Tôi cho rằng qua vụ việc mà Văn Hóa cũng như các cơ quan báo chí khác phản ánh vừa qua, các địa phương cũng cần có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế những nội dung quảng cáo tương tự, sao cho vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

(Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL)

“Thận trọng khi quảng cáo với các hình ảnh, biểu tượng thiêng liêng của đất nước”

Thời gian vừa qua xuất hiện một số quảng cáo sử dụng hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa không phù hợp, đơn cử như quảng cáo bia Carlsberg là một ví dụ. Từ câu chuyện này, chúng ta thấy có mấy vấn đề sau: Thứ nhất, việc sử dụng hình ảnh di sản để quảng bá cho các sản phẩm hàng hóa chứng tỏ sự quan tâm của các nhà kinh doanh, của xã hội đối với các di sản, đồng thời cũng chứng tỏ sức hấp dẫn và tầm quan trọng của di sản đối với sự phát triển của đất nước. Việc quảng bá cho di sản, kể cả việc xuất hiện trên các sản phẩm hàng hóa, có thể là một việc làm được khuyến khích nhằm tạo ra lợi ích cho cả hai bên: cả doanh nghiệp và di sản.

Thứ hai, việc các doanh nghiệp quảng cáo sử dụng hình ảnh, biểu tượng của di sản phải hết sức thận trọng vì các hình ảnh, biểu tượng này là thiêng liêng, đáng trân trọng đối với cộng đồng sở hữu di sản cũng như với người dân cả nước. Chính vì tính nhạy cảm đó, việc quảng cáo sử dụng hình ảnh, biểu tượng di sản sẽ luôn nhận được sự quan tâm kỹ lưỡng của xã hội, và vì vậy các hình ảnh, biểu tượng này phải được sử dụng một cách trân trọng nhất có thể để tránh gây ra những phản ứng từ phía cộng đồng.

Thứ ba, các cơ quan quản lý cần phải thực sự thận trọng hơn nữa đối với việc sử dụng các hình ảnh văn hóa của đất nước trong việc quảng cáo. Văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa, là những lĩnh vực nhạy cảm, luôn nhận được sự quan tâm yêu mến của người dân. Quảng cáo sản phẩm đi kèm với quảng bá hình ảnh, biểu tượng di sản không phải lúc nào cũng song hành với nhau, mà ngược lại, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhau, đặc biệt là tạo ra phản ứng của người dân. Chính vì lẽ đó, những câu hỏi về mặt quản lý như tại sao lại sử dụng các hình ảnh đó? Sử dụng hình ảnh đó như thế nào? Lợi ích và tác hại của việc sử dụng hình ảnh đó ra sao… là những vấn đề phải cân nhắc trước khi ban hành một quyết định cấp phép hay không cấp phép.

Những vấn đề phát sinh vừa qua cho thấy các nhà quảng cáo, doanh nghiệp đã không chú ý đúng mức tới vị trí, vai trò và ý nghĩa của di sản đối với xã hội, với tình cảm yêu mến của người dân dành cho di sản. Còn nếu các nhãn hàng này muốn lợi dụng để gây scandal, tạo hiệu ứng truyền thông cho quảng cáo thì đây thực sự là một cách làm, tính toán sai. Không ai ủng hộ một sản phẩm đi ngược lại với sự tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

PHƯƠNG ANH (ghi)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top