Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Toạ đàm về mỹ thuật châu Á đương đại: Thúc đẩy khát vọng vươn ra thế giới

Thứ Sáu 08/11/2019 | 10:24 GMT+7

VHO- “Vài nét về mỹ thuật châu Á ngày nay” là chủ để của buổi tọa đàm trong khuôn khổ Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội...

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu tham quan triển lãm

Họa sĩ Trịnh Tuân, giám tuyển nghệ thuật của Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á chia sẻ, đó là nơi để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế chia sẻ các vấn đề liên quan đến nghệ thuật, mỹ thuật ở châu Á; cũng là dịp để các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia có thêm những hiểu biết về đời sống nghệ thuật khu vực, từ đó có thêm kinh nghiệm khi giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

Chia sẻ thông tin về thị trường nghệ thuật châu Á

Diễn giả Ragini Upadhyay Grela, nữ họa sĩ duy nhất tại triển lãm đến từ Nepal đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong hoạt động nghệ thuật của nữ nghệ sĩ ở Nepal cũng như toàn khu vực Nam Á. Ấy là những khó khăn liên quan đến định kiến về giới, những ràng buộc trong tôn giáo, quan niệm nề nếp cũ khiến các nữ nghệ sĩ bị hạn chế tự do biểu đạt tư tưởng, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

Chủ đề được chú ý do đích thân cố vấn nghệ thuật của triển lãm, ông Jorn Middelborg đóng vai trò diễn giả. Jorn Middelborg là chuyên gia hàng đầu về thị trường nghệ thuật châu Á, một nhà nghiên cứu, tư vấn nghệ thuật nổi tiếng trong lĩnh vực tư vấn, môi giới cho thị trường nghệ thuật châu Á. Tại đây, nhiều câu chuyện thú vị đã được ông chia sẻ, hé mở những vấn đề liên quan đến thị trường nghệ thuật của các nước châu Á; về nhu cầu, xu hướng thị trường cũng như sự quan tâm của các nhà sưu tầm nghệ thuật tại khu vực châu Á giai đoạn hiện nay.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng, đây là các nội dung rất ý nghĩa, đặc biệt sẽ giúp những người làm nghệ thuật ở Việt Nam cũng như ở các nước châu Á có thêm hiểu biết về đời sống mỹ thuật, về thị trường nghệ thuật ở khu vực này. “Thị trường là một kênh quan trọng để khẳng định chất lượng các tác phẩm nghệ thuật cũng như việc giao lưu, chuyển tải tác phẩm nghệ thuật từ nghệ sĩ đến công chúng, từ nghệ sĩ đến nhà sưu tập và đến các bảo tàng. Thị trường giúp nghệ sĩ có thêm năng lượng, nguồn tài chính để sáng tác và đầu tư sáng tác. Đây là một mảng không thể thiếu được trong đời sống nghệ thuật cũng như đời sống kinh tế…”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nói. Từ góc nhìn này, những chia sẻ tại tọa đàm đã đem lại cho các nghệ sĩ, nhà tổ chức, nhà kinh doanh nghệ thuật có được nhiều thông tin mới về thị trường nghệ thuật châu Á; giúp họ có thêm hiểu biết, có cách tiếp cận sáng tạo đối với thị trường nghệ thuật này.

Triển lãm quy mô như thế này, nghệ sĩ mới càng có thêm động lực để sáng tác

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, trong những năm gần đây, các hoạt động giao lưu, trao đổi nghệ thuật đang diễn ra thường xuyên giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ các nước, mang lại hiệu quả tích cực trong việc đẩy mạnh giao lưu, kích thích sáng tạo, kết nối nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ tiêu biểu châu Á là sự kiện nghệ thuật đặc biệt, thể hiện tinh thần hội nhập, đăng cai tổ chức các hoạt động nghệ thuật tầm châu lục và thế giới của Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết, kết nối, đoàn kết, hợp tác và chia sẻ giữa nghệ sĩ các nước châu Á. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng bày tỏ mong muốn sự kiện này sẽ khởi đầu cho các hoạt động nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức, nhằm kết nối, trao đổi nghệ thuật giữa các nước.

Khát vọng vươn ra thế giới, chinh phục thị trường nghệ thuật là vấn đề được nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế bày tỏ, và đó cũng là một lý do khiến các gương mặt nghệ sĩ hàng đầu châu Á hào hứng tham gia cuộc triển lãm này. Nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo ở độ tuổi xưa nay hiếm vẫn đến triển lãm để dự khai mạc. Ông bảo, đến để xem “tương quan lực lượng” giữa mỹ thuật Việt Nam với thế giới và khu vực như thế nào. “Cứ có những cuộc triển lãm quy mô như thế này, những nghệ sĩ mới càng có thêm động lực để sáng tác. Tuổi đã cao như tôi, nhìn thấy cuộc chơi nghệ thuật mang tầm quốc tế, cảm giác vẫn vô cùng phấn chấn”, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chia sẻ.

Giám tuyển triển lãm, họa sĩ Trịnh Tuân cũng nhận định, tất cả các nghệ sĩ và tác phẩm của họ đều được lựa chọn rất kỹ lưỡng, dựa trên những tiêu chí về đặc trưng bản địa cùng chất lượng, uy tín nghệ thuật của mỗi người. Xét về các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam, ở cả ba thế hệ, từ lão thành, kế cận đến trẻ tuổi đều được khẳng định bằng những nỗ lực cá nhân và sự sáng tạo không ngừng qua thời gian. Họa sĩ Trịnh Tuân kể, cách đây 3 tháng, ông đến đặt vấn đề với họa sĩ Trần Lưu Hậu về dự án này. “Lúc đó ông rất mệt, nhưng vẫn nhận lời. Gần đến ngày triển lãm, tôi được biết họa sĩ Trần Lưu Hậu đã không sử dụng tác phẩm cũ mà thực hiện 3 tác phẩm hoàn toàn mới với kích thước lớn nhất triển lãm. Ở tuổi ngoài 90, họa sĩ Trần Lưu Hậu do không thể đi lại và cầm bút nhưng đã trải tấm toan xuống đất, đổ màu lên và dùng xe lăn thay cho vệt bút. Điều đó làm tôi thực sự xúc động bởi thái độ làm việc cũng như khát khao, tính sáng tạo vẫn tràn đầy của ông”, họa sĩ Trịnh Tuân cho hay.

Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn An cũng bày 5 tác phẩm chất liệu sắt hàn và inox. Các tác phẩm mang 5 ý nghĩa và chủ đề khác nhau. “Những ô cửa” với chất liệu thép không gỉ thể hiện sự khát khao, là ánh mắt nhìn ngang ra thế giới, nhìn ra chân trời, vươn tới tương lai. Tác phẩm “Vượt thoát” lại là sự cởi trói khỏi những suy nghĩ hạn hẹp của bản thân, vượt thoát những yếu kém của bản thân trong nghệ thuật để tìm đến tư duy mới trong nghệ thuật, cảm nhận luồng văn hóa mới ở thế giới bên ngoài… Trong quan điểm của Trần Văn An, mỗi cá nhân nghệ sĩ đã là sự khác biệt, thể hiện từ phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật đại diện cho một nền văn hóa, một quốc gia. Những biểu đạt trên tác phẩm chính là dấu ấn để nghệ sĩ thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất nước mình trên các tác phẩm.

“Người nghệ sĩ muốn vươn ra thế giới, ngoài việc sáng tác, triển lãm giới thiệu tác phẩm thì việc quan tâm và tiếp cận thị trường nghệ thuật trong nước và quốc tế là rất quan trọng để khẳng định mình”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhấn mạnh. Nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định, đây là triển lãm quốc tế có chất lượng tốt được tổ chức tại Việt Nam. Đi một vòng thưởng lãm gần trăm tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc của những gương mặt top đầu châu Á, nhà phê bình Phạm Long nhận định đây là một triển lãm thật kỳ công, khi các nhà tổ chức, giám tuyển chỉ mới triển khai trong khoảng một năm qua. 

 BẢO NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top