Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Học sinh sẽ học xác suất và thống kê ngay từ lớp 2: "Dạy kiến thức đó cũng chẳng để làm gì”

Thứ Sáu 08/11/2019 | 10:19 GMT+7

VHO- Đó là một trong những băn khoăn lớn được đặt ra xung quanh thông tin phần kiến thức thống kê, xác suất sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 trong chương trình mới, được áp dụng ngay từ năm học 2020 – 2021.

 Học sinh tiểu học trong ngày khai trường

Tại Ngày hội Toán học mở năm 2019 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với ĐHQG Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, PGS.TS Ngô Hoàng Long, giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thống kê và xác suất là một trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong chương trình phổ thông mới.

Học sinh sẽ được học xác suất và thống kê ngay từ lớp 2, theo đó thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Trong 11 năm, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình nâng cao dần. So với chương trình hiện hành, các nội dung về thống kê gồm thu thập, phân tích và xử lý số liệu; các loại bảng và biểu đồ, các số đặc trưng của mẫu ở chương trình mới về cơ bản không nhiều thay đổi. Chỉ có một lượng ít kiến thức mới chủ yếu nằm ở lớp 12. Điều đáng nói là trong chương trình hiện hành, thống kê được dạy một chút ở lớp 4 và 5, lên cấp THCS học sinh được học ở lớp 7 và cấp THPT là ở lớp 10. Còn xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.

Lý giải những thay đổi về thời gian truyền tải kiến thức này, các chuyên gia xây dựng chương trình mới cho biết, Thống kê và Xác suất tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế, hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Từ đó, nâng cao hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh. “Tinh thần của chương trình phổ thông mới muốn đẩy mạnh ứng dụng của Toán học và xác suất và thống kê là mạch kiến thức rất tốt để thực hiện nhiệm vụ đó”, PGS.TS Ngô Hoàng Long nói.

Từ mục tiêu đó môn Toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm Đại số và một số yếu tố giải tích, Hình học và đo lường, Thống kê và xác suất. Trong chương trình mới, việc tăng dung lượng về mặt kiến thức là không đáng kể mà chủ yếu ở thời lượng, để học sinh có thời gian xây dựng những kỹ năng giải quyết các bài toán thống kê. Các học sinh sẽ có thêm thời lượng để đọc và khai thác tốt hơn dữ liệu, vẽ bảng biểu, trình bày những hiểu biết về thống kê,... Tuy nhiên, thời lượng của mạch kiến thức thống kê và xác suất tương đối cao trong chương trình mới và tăng dần theo từng khối lớp. Ở cấp tiểu học, chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 14%. Ở lớp 2, học sinh sẽ được làm quen từ những khái niệm đơn giản và dần dần được nâng lên các cấp cao hơn.

Giải thích của chuyên gia xây dựng chương trình là vậy nhưng cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc đưa xác suất và thống kê vào dạy trong chương trình lớp 2 dường như trái với mục tiêu giảm tải chương trình cho học sinh. Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận xét, học sinh lớp 2 chỉ cần biết đọc, biết viết, biết cộng trừ các con số trong hàng 100 là tốt rồi, chưa cần phải biết đến những kiến thức cao siêu. Dạy kiến thức đó cho học sinh với mục đích gì, nếu chưa đạt được mục đích ấy thì chưa nên dạy. Hơn nữa, vốn ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh lớp 2 còn quá ít, dạy kiến thức đó cũng không để làm gì.

Một cán bộ quản lý giáo dục tại Hà Nội cũng cho rằng, những môn học có thể áp dụng vào thực tiễn nhiều thì nên đưa vào chương trình, còn những môn học xong rồi nhưng áp dụng không nhiều thì nên cắt bớt. Theo đó, nên chăng tăng thời lượng các chương trình dạy kỹ năng sống hơn là đưa vào những thời lượng chương trình không cấp thiết. “Quan điểm là làm sao để kiến thức nhẹ đi, mà cần tăng thêm kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm để học sinh bạo dạn hơn, linh hoạt hơn”, cán bộ này nêu quan điểm.

Đa số cán bộ giáo dục, phụ huynh khi được hỏi đều nhận định, xác suất - thống kê là một môn học vô cùng khó ngay cả đối với sinh viên đại học. Việc dạy sớm môn học của người lớn này cho học sinh tiểu học thì khả năng cao là các em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. 

 Học sinh lớp 2 chỉ cần biết đọc, biết viết, biết cộng trừ các con số trong hàng 100 là tốt rồi, chưa cần phải biết đến những kiến thức cao siêu. Dạy kiến thức đó cho học sinh với mục đích gì, nếu chưa đạt được mục đích ấy thì chưa nên dạy. Hơn nữa, vốn ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh lớp 2 còn quá ít, dạy kiến thức đó cũng không để làm gì.

(Ông LÊ ĐỨC VĨNH, nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

 

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top