Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đi tìm nguồn cội tò he từ…châu Âu!

Thứ Tư 06/11/2019 | 10:49 GMT+7

VHO- Một triển lãm dành riêng cho sản phẩm dân gian truyền thống tò he được tổ chức tại tại VICAS Art Studio Hà Nội và kéo dài tới hết ngày 11.11. Tại lễ khai mạc, những người tham dự đã được chiêm ngưỡng hàng trăm mẫu vật tò he do các nghệ nhân tài hoa đến từ nhiều vùng cả nước tạo ra. Đặc biệt, nhiều mẫu tò he được tái tạo từ nguyên mẫu xa xưa của những người thợ thủ công Việt Nam được lưu trữ, trưng bày tại các bảo tàng châu Âu.

                                             Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (thứ 3 từ trái sang) đang giới thiệu tò he

Giới trẻ và nghệ thuật truyền thống

Khi chọn tò he là chủ đề chính của buổi triển lãm, những người tổ chức mong muốn lan tỏa ý tưởng rằng sự sáng tạo là vô hạn. Tò he như là một đại diện đến từ quá khứ nhưng khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ tràn đầy khát vọng.Tò he vốn là món đồ chơi truyền thống không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam. Nó được đánh giá là sự kết hợp giữa sự sáng tạo và nghệ thuật dân gian, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại thể hiện vào trong những câu chuyện không hồi kết về giấc mơ và hoài bão của con người.

Tại triển lãm, khách tham quan được chứng kiến lược sử tò he được hệ thống công phu và tái hiện trên màn ảnh nhỏ. Mô hình tò he khổng lồmà thành phần chính là các nguyên liệu truyền thống được trưng bày trong không gian chính của triển lãm đã thu hút đông đảo sự chiêm ngưỡng của khách tham quan. Cùng với đó, một không gian trưng bày tò he qua các giai đoạn khác nhau rất phong phú và sinh động được chính các nghệ nhân tạo hình tò he trực tiếp giới thiệu. Các nghệ nhân nặn tò he muốn truyền tải thông điệp, mỗi cá nhân đều có một hành trình sáng tạo riêng, mang một màu sắc riêng và hơn cả, ai cũng có thể sáng tạo.

Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu của làng Xuân La, tò he được chọn để mang thông điệp của người dân trong một khoảng thời gian xa xưa, bằng cách thể hiện giản dị hình tượng những con vật gần gũi trong cuộc sống, những nhân vật cổ tích và cả những mơ ước trong cuộc sống thường ngày…Do đó, tò heđược đánh giá là sự kết hợp giữa sáng tạo và công nhận, là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, một câu chuyện không bao giờ kết thúc của cả ước mơ và mong muốn của người dân...

                                                                 Khách nước ngoài hào hứng nặn tò he

Đi tìm cội nguồn tò he từ…châu Âu

Trước nay, làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên ở ngoại ô Hà Nội được xem là cái nôi của các loại tò he.  Theo lời một cụ già trong làng, nghề nặn tò he đã có lịch sử hơn 300 năm. Nhưng đến nay, vẫn chưa có tư liệu chính xác về việc tò he có từ bao giờ. Ngày trước tò he còn được gọi là bánh chim cò, nhưng thật ra các nghệ nhân tạo hình tò he với nhiều đề tài phong phú hơn nhiều. Theo các cụ già ở Xuân La thì ngày xưa trẻ con trong vùng thiếu thốn đồ chơi, cho nên bánh chim cò được tạo ra để thay thế. Và vì tính thực tiễn của làng quê, cho nên bánh không chỉ để chơi mà còn có thể ăn được cho đỡ phí. Vì vậy các con giống bột được làm chủ yếu từ nguyên liệu bột gạo. Nhưng trải qua thời gian nhất định, tò he Phú Xuyên không chỉ phục vụ đối tượng nhất định là trẻ em. Tuy cho đến nay dịp Tết Trung Thu vẫn là thời điểm hoạt động sản xuất đạt đỉnh trong năm, nhưng về gần đây con giống cũng được nặn quanh năm, với quy mô nhỏ hơn, cho các mục đích khác, trong đó tò he cũng được sử dụng làm một loại đồ dành cho thờ cúng.

                      Một số mẫu con giống bột Hà Nội được lưu giữ tại bảo tàng Quai Branly (Pháp). Ảnh Trịnh Bách

Cũng rất khó xác định những con giống nặn bằng bột xuất hiện từ khi nào. Thật khó đi tìm những phiên bản tò he mẫu ở Việt Nam. Tất cả chỉ là truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Thế nhưng, theo một chuyên gia người Mỹ gốc Việt chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam, hiện ở một số nước vẫn còn tồn tại những con giống đồ chơi nho nhỏ nặn hình voi, ngựa, trâu, chim, cóc, bằng đất nung phủ men có xuất xứ từ cả thiên niên kỷ trước. Chẳng hạn Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) và các bảo tàng ở Pháp cũng còn lưu giữ những con giống bột, cả hiện vật lẫn hình ảnh từ đầu thế kỷ 20 và chú thích là “Đồ chơi bằng bột nhuộm mầu của Tết Trung thu Hà Nội”. Tại triển lãm này, khá nhiều mẫu tò he được phục dựng theo mẫu cổ xưa hiện đang được lưu giữ tại các bảo tàng nước ngoài.

Việc phục hồi một nghề cổ truyền từ xa xưa rất khó. Để cho nó sống trở lại được trong xã hội hiện đại còn khó hơn. Nhưng sự  đồng hành của những người suốt đời tâm huyết với văn hóa dân tộc cùng với những nghệ nhân còn đau đáu với nghề cổ truyền dân gian đã làm sống dậy những con tò he thân thiết, những sứ giả văn hóa đến từ quá khứ và còn tồn tại mãi với tương lai.

QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top