Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Du lịch sẽ  khó “cất cánh”, nếu...

Thứ Sáu 01/11/2019 | 11:52 GMT+7

VHO- Liên quan đến việc góp ý cho dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những nội dung cải cách chính sách thị thực và dự thảo Luật nói trên.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) Ảnh: HL

Bản kiến nghị này do ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch TAB cùng ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch TAB ký.

Kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chính sách thị thực

Trong bản kiến nghị, TAB cho biết: Thời gian vừa qua, cơ quan này đã thực hiện một số khảo sát và nghiên cứu về một số vấn đề trong đó có vấn đề về thị thực tại Việt Nam - những khảo sát này có liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh và dự thảo Luật mới. Vì thế, trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng, TAB đã khuyến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Luật số 47. Trong đó, đề xuất Khoản 11a, Điều 3 nhằm cải thiện thủ tục xin thị thực điện tử (e-visa). Cụ thể chỉnh sửa là: “Thị thực điện tử là thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp qua giao dịch điện tử tại một Trang thông tin chính thức cấp thị thực điện tử”.

TAB cũng đề nghị nâng thời hạn miễn thị thực theo mức tiêu chuẩn là 30 ngày nhằm góp phần thu hút du khách ở những thị trường xa. Theo đó, Điểm d, Khoản 1, Điều 31 chỉnh sửa là: “Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì được cấp tạm trú tối đa 30 ngày”. Như vậy, Chính phủ có thể quyết định tùy theo từng nước để áp dụng miễn thị thực 15 ngày hay 30 ngày. Kể cả đã có quy định miễn thị thực vẫn có thể từ chối công dân nước nào đó nếu thấy có nguy cơ về mại dâm, buôn bán chất cấm, trốn ở lại lao động bất hợp pháp...

Gỡ bỏ khả năng xin thư phê duyệt thông qua bên thứ 3 không chính thức vì hiện nay có rất nhiều công ty, tổ chức trá hình làm dịch vụ chính thức xin thị thực cho khách du lịch và thu mức phí quá cao một cách tùy tiện. Vì vậy, cần làm rõ Điểm i, Điều 14 của Luật để hạn chế các công ty làm dịch vụ “chui” này.

TAB cũng đề xuất với Thủ tướng một số vấn đề chung liên quan đến chính sách Xuất nhập cảnh cho người nước ngoài như: Cải thiện an ninh mạng và tốc độ truy cập trang web chính thức xin thị thực điện tử; Bổ sung thêm các quốc gia (Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ) vào danh sách các quốc gia được miễn thị thực đơn phương; Cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ nhập xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế; Đề nghị tất cả cán bộ, nhân viên đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài sử dụng địa chỉ thư điện tử của sứ quán thay vì dùng các địa chỉ cá nhân để xử lý các vấn đề chuyên môn.

Một vấn đề mà TAB đánh giá sẽ ảnh hưởng đến du lịch là đến hết 31.12.2019, một loạt các nước như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ hết hiệu lực của chính sách miễn thị thực đơn phương đã được áp dụng từ 2015. TAB nhận được thông tin Chính phủ sẽ cân nhắc không gia hạn miễn thị thực đơn phương cho các nước này nữa. Nếu không gia hạn thì sẽ làm giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam vì chỉ riêng với thị trường Hàn Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường có khách nhiều nhất đến Việt Nam (22%), chỉ sau Trung Quốc (32%), Nhật Bản thứ 3, Nga đứng thứ 5. Tổng lượng khách của 3 thị trường này (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga) đã chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đạt 6/18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay.

Những phi lý của phí thị thực

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB phân tích: Trong báo cáo năng lực cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, Việt Nam tăng 4 bậc (từ 67/136 năm 2017 lên 63/140 năm 2019), hơn hẳn các nước trong khu vực vì các nước chỉ tăng 3 bậc hoặc giữ nguyên, thậm chí giảm. Ngành Du lịch Việt Nam 2 năm qua cũng được Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là tiến bộ và một phần là nhờ chính sách được cải thiện. Trong đó có sự tiến bộ vượt bậc ở chỉ số “yêu cầu về thị thực” tăng 63 bậc (từ vị trí 116 lên 53), cao nhất trong các chỉ số đạt được.

TAB cách đây 2 năm đã nêu lên với Thủ tướng 3 điểm nghẽn: Còn nhiều bất cập trong vấn đề marketing, xúc tiến điểm đến; Chính sách thị thực chưa thực sự cởi mở vì đến nay mới miễn visa cho 24 quốc gia (cả đơn phương và song phương); Khách quốc tế vào Việt Nam chưa được hưởng dịch vụ tương xứng (hàng không, điểm đến quá tải, dịch vụ chất lượng thấp, nhân sự chưa ổn, còn tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách, môi trường ô nhiễm)... Những yếu tố trên khiến khách quay trở lại Việt Nam quá thấp, chỉ khoảng 20- 30%. Trong khi đó, phần lớn nguồn thu và tăng trưởng du lịch là từ nguồn khách quay trở lại này, do họ chi trả cao.

Quý I.2019, TAB thực hiện cuộc khảo sát và nghiên cứu kéo dài đến tháng 3, đối tượng chủ yếu là các khách du lịch đã từng đến Việt Nam, đã xin visa vào Việt Nam, các công ty lữ hành, các tổ chức phi chính phủ... Kết quả khảo sát thu được hết sức bất ngờ. Điều đầu tiên là phí thị thực, nếu đúng quy định của Nhà nước Việt Nam là 25 USD/ lần thì chỉ 18% người được khảo sát cho hay là nộp dưới 30 USD, còn phần lớn là phải nộp trên 30 USD, thậm chí có khách nộp trên 90 USD. Có nghĩa là có những khoản phí nào đó nằm ngoài phí chính thức, chẳng hạn như phí dịch vụ và từ đó cũng có thể thấy rằng có rất nhiều đơn vị, bộ phận làm tăng tiền phí thị thực thu của khách.

Bên cạnh đó, lượng khách được hưởng chính sách miễn thị thực tương đối ít, chỉ 8%. Chính sách visa điện tử cũng vậy, khách chủ yếu là làm visa thông thường. Cách xin thị thực một phần qua trực tuyến, một phần trực tiếp làm tại đại sứ quán nhưng phần lớn là thông qua bên thứ ba (làm dịch vụ). Thời gian xin thị thực khá lâu, nếu làm thị thực điện tử là 5 ngày (từ khi Bộ Công an nhận được hồ sơ), nhưng thực tế khách phải chờ từ 6 - 14 ngày, thậm chí trên 14 ngày cũng có.

Đa số khách được hỏi cho biết thông tin chính thức để hướng dẫn cho khách xin visa vào Việt Nam là qua những nguồn thông tin chưa đáng tin cậy, chẳng hạn nhiều khách lấy thông tin trên một trang web, hoặc một nguồn không chính thức và chính thức (15% qua đại sứ quán, 14% qua TCDL, 26% qua công ty du lịch), nhiều người phải tìm qua công cụ tìm kiếm. Thông tin từ các cơ quan Việt Nam cung cấp chưa rõ ràng, làm khách cảm thấy chưa tin tưởng. Khảo sát cũng cho thấy, những khách đến Việt Nam có tour từ 16 ngày trở lên chiếm rất nhiều, từ 15 ngày trở xuống ít hơn trong khi chính sách miễn thị thực của ta lại chỉ miễn từ 15 ngày trở xuống. 

 THÚY HÀ

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top