Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ blouse trắng: Không chỉ là chống bạo hành nhân viên y tế

Thứ Tư 30/10/2019 | 16:16 GMT+7

VHO- "Bệnh viện là môi trường chịu áp lực tâm lý đặc biệt nhất, áp lực từ bác sĩ, từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... Bác sĩ, nhân viên y tế là người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vậy thì ai là người chăm sóc cho bác sĩ?".

Câu hỏi được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra tại hội thảo “An toàn vệ sinh lao động - phòng, chống bạo hành tại các cơ sở y tế” nằm trong chuỗi chương trình “Bảo vệ blouse trắng” do Công đoàn Y tế Việt Nam, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức ngày 29.10 tại Hà Nội. Hội thảo đặt ra hai vấn đề là an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành cho y bác sĩ, người lao động trong ngành y tế.

Trong hai ngày xảy ra ba vụ bạo hành nhân viên y tế tại một bệnh viện

Tại hội thảo, đại diện Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, gần đây nhất là trong hai ngày 18 và 30.7 tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đã xảy ra 3 vụ bạo hành nhân viên y tế ngay . Thời điểm xảy ra từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày 18.7, một người bệnh thuộc đối tượng nghiện ma túy (do công an cung cấp) đau bụng vào viện. Vừa vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã chửi bới, đe dọa và xúc phạm nhân viên y tế, không phối hợp khám, điều trị. Trong ca trực đêm ngày 30.7, một người bệnh khác khi vào viện được chẩn đoán vết thương bả vai trái, được bác sĩ khám, xử trí băng bó vết thương, chụp X. quang, xét nghiệm máu, ra y lệnh thuốc, sau đó chuyển vào nằm theo dõi trong phòng hồi sức cấp cứu. Đến 5h sáng, bệnh nhân tỉnh dậy tự dứt dây truyền, băng đo huyết áp, đi khắp khoa mắng chửi nhân viên y tế và túm cổ áo nam điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh khác.

Bạo hành trong ngành y tế chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc

Trường hợp thứ ba xảy ra ngày 30.7, người bệnh khi vào Khoa Cấp cứu được nữ điều dưỡng đón tiếp, giải thích, đo dấu hiệu sinh tồn, mời bác sĩ khám bệnh. Nhưng chồng bệnh nhân đã có lời đe dọa và tát nữ điều dưỡng. Từ lúc người bệnh vào đến lúc chồng bệnh nhân đánh nhân viên y tế trong khoảng thời gian 10 phút, tất cả sự việc đều xảy ra đột ngột.  Sự việc làm nữ điều dưỡng choáng váng và sợ hãi, mặc dù sau khi xảy ra sự việc Bệnh viện và ban thường vụ Công đoàn đã ngay lập tức chấn an, động viên. "Bệnh viện đã báo cáo ngay sự việc đến các cấp ban ngành liên quan, Bộ Y tế, cơ quan truyền thông, lên án hành vi bạo hành nhân viên y tế. Bệnh viện cũng tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm, đào tạo cách phát hiện, phòng ngừa kiểm soát kịp thời hành vi có nguy cơ, tăng cường an ninh đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Chúng tôi mong muốn các cấp, ban, ngành, đoàn thể đề xuất các chế tài xử phạt hành vi gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn cho nhân viên y tế; xử lý công khai một số vụ bạo hành, có các hình thức chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp khác", đại diện bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Theo ThS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao vì quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu nhân lực y tế và dễ xảy ra những sự cố y khoa. Tình trạng trộm cắp, cò mồi, bắt cóc trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, say rượu, hành hung y, bác sĩ… đang ngày càng gia tăng. Trong đó, những nhân viên y tế mới, ít kinh nghiệm ứng xử dễ bị bạo hành tại bệnh viện hơn. Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5.2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới bảy vụ điển hình; năm 2018 có 22 vụ; từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần 20 vụ. "Nhiều quốc gia khác, chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế có thể sẽ bị giam giữ. Trong khi đó, tại Việt Nam pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt có tác dụng răn đe nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện" Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Gần 2.000 cán bộ, nhân viên y tế bị ung thư, mắc các bệnh hiểm nghèo

Chia sẻ với những vất vả của cán bộ, nhân viên y tế, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, các y bác sĩ, người lao động trong ngành y tế đang phải làm việc trong môi trường nhiều rủi ro, chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh tật, bất an, tâm lý... Việc thiếu nhân lực cục bộ khiến nhiều y bác sĩ, điều dưỡng phải chịu nhiều áp lực công việc, mổ hàng chục giờ liền, ăn cơm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, ngủ cũng không ngon giấc... Có nhiều nhân viên y tế vui, hạnh phúc với nghề nhưng cũng có người buồn, tủi với nghề như bác sĩ cắm bản vì phải xa gia đình, người thân, nhưng họ vẫn luôn hết lòng với người bệnh. "Hội thảo sẽ làm xã hội hiểu hơn về ngành y tế, chia sẻ hơn với các bác sĩ, điều dưỡng, cùng hành động để bảo vệ họ vì các y bác sĩ sẽ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho chúng ta", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

 Các y bác sĩ không chỉ đối mặt với nguy cơ bạo hành mà còn chịu áp lực công việc, rủi ro cao về sức khỏe

Theo Ths.Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, 90% người lao động trong ngành y tế được xác nhận làm các nghề công việc và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Họ còn đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm. "Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp... Thống kê sơ bộ của Công đoàn y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua đc có gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc các bệnh hiểm nghèo...”, bà Bình cho hay.

Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho thấy, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân…  Có tới 28,6% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 25,6% hệ dự phòng mắc bệnh mãn tính; 17,2% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57,3% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng và các bệnh chuyển hóa khác.

Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” là một trong những nội dung nằm trong hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế năm 2019. Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” – Chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” là hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Các kiến nghị được các đại biểu đưa ra tại hội thảo là ban hành bổ sung công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành y tế; sửa đổi Luật Hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác...

 

QUỲNH HOA

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top