Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa đọc

Thứ Sáu 20/09/2019 | 22:48 GMT+7

VHO – Để tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lý và những người hoạt động thực tế trong lĩnh vực thư viện cùng nhau trao đổi tìm ra những giải pháp thích hợp thúc đẩy xã hội hóa (XHH) nhằm phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, chiều 20.9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo luận bàn về nội dung này.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham góp về các quy định về XHH hiện hành – tác động, hiệu quả, những bất cập; thực trạng và thành tự trong thực hiện XHH văn hóa đọc ở địa phương, các ngành, các lĩnh vực; kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong XHH phát triển văn hóa đọc; đề xuất giải pháp đẩy mạnh XHH để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, XHH là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Việc thu hút các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện biểu hiện tính dân chủ và huy động những đóng góp của xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thư viện.

Trong những năm gần đây, chủ trương XHH hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Thông qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, việc đẩy mạnh XHH được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng.

Các đại biểu luận bàn thực trạng, kinh nghiệm và thành tựu trong thực hiện XHH văn hóa đọc

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh: “XHH có vai trò góp phần thúc đẩy sự chung tay của xã hội, thúc đẩy việc đóng góp về trí tuệ, về công sức, tài chính để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Đó là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa đọc”. Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh XHH, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện đã có được sự hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành một mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước.

Thời gian qua, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ VHTTDL đã ký kết các chương trình phối hợp công tác với các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, như: Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ Thông tin truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện; với Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng....

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn có một số chương trình phối hợp với các cơ quan tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân. Vụ Thư viện làm đầu mối nhận và trao tặng lại các nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...Nhờ có sự tài trợ từ các nguồn XHH, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường.

Theo đại diện của Thư viện Quốc gia, để thu hút sự quan tâm của xã hội đến hoạt động thư viện thì cần nhận thức đúng chủ trương XHH công tác thư viện là một chủ trương đúng đắn và quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân quan tâm cho sự phát triển thư viện. Đồng thời, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho người làm thư viện được tham gia các khóa đào tạo nhằm tiếp thu những tiến bộ hiện đại của ngành để tăng hiệu quả hoạt động của thư viện. Ngoài ra, thư viện cần tích cực quản bá hình ảnh, hoạt động của mình, cũng như hình ảnh về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, xã hội, con người…nhằm tạo nên sự chú ý, quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

Trong khi đó, để đẩy mạnh XHH hoạt động thư viện trong quân đội, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lại phát huy tinh thần nêu gương, hưởng ứng phong trào đọc sách, văn hóa đọc sách để cán bộ, chiến sĩ noi theo; tăng cường công tác giới thiệu sách về những tấm gương tiêu biểu trong phong trào đọc sách và ứng dụng tri thức của sách vào thực tiễn công tác và huấn luyện; huy động nguồn sách tặng của các tổ chức, cá nhân cho thư viện nhân dịp các kỉ niệm lớn trong năm.

QUÁCH NGA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top