Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Huyện Chư Pưh (Gia Lai): Nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Thứ Sáu 13/09/2019 | 15:18 GMT+7

VHO - Khi cây tiêu – cây trồng chủ lực trên địa bàn chết trắng, hàng ngàn nông dân tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) lầm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, những người nông dân nơi đây đang từng bước tìm hiểu, truyền nhau kinh nghiệm để thay đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần vượt qua khó khăn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương...

Anh Tại với sản phẩm mủ Trôm được tận thu góp phần cải thiện đời sống

Từng được ví là thủ phủ cây hồ tiêu, nhưng vài năm gần đây, vùng đất này vắng lặng bởi tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, hàng ngàn hộ dân điêu đứng, nhiều hộ bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh. Số ít hộ dân ở lại bám trụ và chính họ cùng nhau tìm cách đứng lên với quyết tâm vực dậy nền nông nghiệp của địa phương.

“Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong xã chủ yếu trồng hồ tiêu. Cuối năm 2010, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt xảy ra, cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, có người phải bán nhà trả nợ, có người chuyển sang chăn nuôi nhưng đều thất bại… Tuy nhiên, nhờ triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng của huyện trong những năm trước nên giờ đây kinh tế gia đình tôi đã ổn định, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm”... Đó là tâm sự của gia đình ông Hoàng Thái Hùng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

Ông Hùng chia sẻ: “Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn mít nhà tôi đã cho thu hoạch và đem lại thu nhập ổn định. Sản phẩm đa phần được bán cho thương lái ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh phía Bắc. Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mít và một số cây ăn quả khác”.

Tự tìm hướng đi cho gia đình sau thất bại từ cây hồ tiêu, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Chư Pưh đã không ngừng tìm tòi các mô hình như phát triển cây trồng nông nghiệp ngắn và dài ngày. Mặt khác, cũng có hộ chọn phát triển vật nuôi như bò thịt, dê… cùng các loại gia cầm khác.

Riêng với hộ gia đình ông Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) lại chọn cho mình một hướng đi khác hẳn với nhiều người khi quyết định sử dụng gần 1 ha đất để trồng và chăm sóc cây bonsai.

Ông Phúc cho biết: Việc chuyển từ trồng tiêu sang các loại cây trồng khác nhà tôi cũng đã làm nhưng cảm nhận về lâu dài vẫn không ổn so với tài sản, công sức lao động gia đình đang có, nên chúng tôi quyết định chọn việc trồng, chăm sóc các giống cây bonsai và đó cũng là thu nhập chính của gia đình. Các dòng cây sau khi được chăm sóc, lên dáng thì có người đến mua để chuyển về các tỉnh phía Bắc.

Vườn cây cảnh ổn định, thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các khoa học kỹ thuật để tái sinh vườn cây với các loại cà phê trồng xen là các giống sầu riêng cho kinh tế cao - ông Phúc nói.

Nhiều hộ dân chuyển sang chăn nuôi dê

Thời gian qua, qua công tác tập huấn, đổi mới vùng chuyên canh cho người dân do huyện Chư Pưh tổ chức, nhiều hộ dân dần tạo ra hướng đi mới cho gia đình mình. Riêng tại xã Ia Le, nhiều hộ nông dân cũng tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Ông Trần Văn Quỵnh (thôn Phú Bình) cho biết: không ngại khó khăn, gia đình tôi đã tự xoay chuyển nguồn vốn và quyết định chuyển sang nuôi dê. Từ đàn dê ban đầu chỉ 10 con để lấy kinh nghiệm nuôi dưỡng, đến nay đàn lên 40 con. Việc chăn nuôi và chăm sóc không mấy vất vả và ít dịch bệnh, một phần cũng nhờ được cán bộ thú y của huyện, xã hỗ trợ nên tôi cảm thấy yên tâm.

Còn với gia đình anh Tại (xã Ia Le) thì tận dụng những cây Trôm dùng chắn gió và làm trụ sống cho vườn tiêu khi trước để tận dụng, thu về lượng mủ Trôm góp phần cải thiện đời sống đang khó khăn trước mắt. Anh Tại cho biết: Ngoài việc tìm cho mình một hướng đi mới với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế hiện tại, thì thời gian qua gia đình tôi có khai thác mủ Trôm để bán, dù thị trường còn ít nhưng đó cũng là một hướng đi giúp cho nhiều hộ như chúng tôi có thu nhập trong thời gian thay đổi vườn cây.

Đánh giá về việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Long Khánh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho rằng: Nhằm hỗ trợ nông dân, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn. Thông qua các cuộc hội thảo, các buổi tập huấn, chúng tôi nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó vận động họ lựa chọn mô hình phù hợp nhất với điều kiện của gia đình mình. Trong đó, chúng tôi chú trọng các mô hình có tính chất lấy ngắn nuôi dài như: trồng dâu nuôi tằm, trồng bạc hà, mít, bơ, sầu riêng xen cà phê, nuôi dê…”.

ư

Đời sống người dân được nâng lên, buôn làng đang từng ngày khởi sắc

 Cũng qua các buổi hội thảo, có 3 doanh nghiệp giới thiệu chính sách đầu tư để bà con liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể: Công ty Dâu tằm tơ Mang Yang đã phối hợp triển khai Hội thảo chuyên đề tại 2 xã Chư Don và Ia Hla; Công ty Vĩnh Xuân Gia Lai tổ chức Hội thảo liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chanh dây tại xã Ia Blứ; Hợp tác xã Trường Xuân triển khai Hội thảo tại các xã: Ia Hla, Ia Dreng, Ia Rong, Ia Phang… Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã lập kế hoạch triển khai dự án trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc chương trình “Nông thôn miền núi giai đoạn 2019-2022” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Theo đó, huyện sẽ trồng 10 ha cam tại xã Ia Le, 5 ha bưởi tại xã Chư Don trong năm 2019; trồng 10 ha cam tại xã Ia Le, 5 ha bưởi tại xã Chư Don trong năm 2020, kinh phí trung ương hỗ trợ là 3,36 tỉ đồng, vốn của huyện đối ứng 3,36 tỷ đồng.

 Sau các buổi hội thảo tại các xã, thị trấn đã có 637 hộ đăng ký chuyển đổi cây trồng với diện tích 229,46 ha. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm có 37,3 ha/93 hộ; trồng nhãn 118,8 ha/391 hộ; trồng chanh dây 23,76 ha/49 hộ; trồng cam 21 ha/40 hộ; trồng bưởi 10,5 ha/10 hộ… Còn về chăn nuôi, nuôi heo rừng 580 con/337 hộ; nuôi gà thả vườn 5.510 con/27 hộ… “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tuyên truyền, vận động triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp người dân trên địa bàn huyện tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững”, ông Khánh phấn khởi chia sẻ.

 

NGUYỄN GIÁC

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top