Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nhiều thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người

Thứ Hai 09/09/2019 | 09:57 GMT+7

VHO- Từ năm 2016 đến tháng 6.2019, trên toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ mua bán người với gần 2.700 nạn nhân. So với giai đoạn trước, tuy giảm cả về số vụ và nạn nhân nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.

 Các nạn nhân của tình trng mua bán người được học tập, hỗ trợ tại Nhà Nhân Ái (Lào Cai) Ảnh: THU THỦY

 Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức. Hội thảo là diễn đàn để Chính phủ và các tổ chức quốc tế nhìn lại các nỗ lực trong việc triển khai Chương trình phòng chống mua bán người xuyên suốt giai đoạn 2016- 2019, trong đó đặc biệt chú trọng vào Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”.

Sử dụng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ để lừa gạt

Tại hội thảo, trung tá Ngô Xuân Ý, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, ngoài các thủ đoạn cũ là lợi dụng khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc lợi dụng mạng xã hội giả vờ làm quen yêu đương, kết bạn môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép, mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú thì hiện nay các đối tượng đã dùng nhiều biện pháp tinh vi hơn. Trong đó, nhiều đối tượng dùng ảnh của cán bộ công an, bộ đội biên phòng rồi tạo tên giả trên mạng xã hội, gọi điện làm quen với phụ nữ (chủ yếu độ tuổi 16 đến 23), hứa hẹn tổ chức đám cưới, rủ đi chơi; sau đó khống chế, đe dọa nạn nhân rồi bán ra nước ngoài. Các vụ việc này được phát hiện xảy ra tại Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La.

Tình trạng mua, bán chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến năm đối tượng hoạt động từ tháng 5.2017 đến tháng 1.2019. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng khai nhận thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.

Phát hiện một số đường dây môi giới đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) đẻ thuê với giá từ 120 đến 140 nghìn nhân dân tệ (khoảng 400 đến 500 triệu đồng). Các đường dây này lo trọn gói thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho đứa trẻ được sinh ra. Tháng 3.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1984, trú tại Bắc Giang) và Đinh Thị Hải Yến (sinh năm 1988, trú tại Hà Nội) về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Qua điều tra ban đầu hai đối tượng khai nhận đã đưa gần 10 phụ nữ sang Trung Quốc và cấy phôi thành công. Ngoài ra, các đối tượng mua bán người cũng tìm phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số rồi dụ dỗ bán con sang nước ngoài; hoặc đưa ra nước ngoài sinh con, sau đó bán cho người dân địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân buôn bán trở về

Thực tế cho thấy, một số nạn nhân bị bán ra nước ngoài được giải cứu hoặc tự trở về không hợp tác với cơ quan chức năng, không tố giác tội phạm vì sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và gia đình, hoặc đối tượng phạm tội gặp gỡ gia đình nạn nhân thỏa thuận đền bù bằng tiền, vật chất để nạn nhân không tố giác dẫn đến tình trạng khó xác định xử lý tội phạm.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, hiện nay vẫn còn một số khó khăn trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân như: Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn mỏng, thiếu kinh nghiệm; hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu tình hình nạn nhân còn hạn chế, chưa được cập nhật thường xuyên; một số quy định về thủ tục phức tạp; kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp… “Tuy nhiên trong thời gian tới, trong công tác phòng chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng, các cơ quan liên quan cần đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng. Thí điểm, nhân rộng các mô hình; tăng cường tập huấn, đào tạo cho cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ nạn nhân về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường phối hợp liên ngành cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…”, ông Lập nhấn mạnh.

Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, An Giang, Lào Cai đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế (Quỹ Châu Á, Tầm nhìn Thế giới, Tổ chức vòng tay Thái Bình, Tổ chức Di cư quốc tế, Liên minh phòng, chống mua bán người...) thực hiện xây dựng một số mô hình tại cộng đồng. Tỉnh Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”; tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương cho nạn nhân bị mua bán trở về”. Các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm Tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh đường biên… Các mô hình được thành lập với mục đích hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ bị buôn bán và bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục kỹ năng sống, lưu trú, học văn hóa, học nghề, thăm khám y tế, mua BHYT.

Theo đại diện các cơ sở, bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng là có sự phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, có cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, phát huy năng lực kinh nghiệm của đội ngũ cộng tác viên cơ sở và tài trợ quốc tế để triển khai các mô hình. 

NGUYÊN KHANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top