Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết để phát triển bền vững

Thứ Năm 05/09/2019 | 15:56 GMT+7

VHO- Với mục tiêu nâng tầm của sự kết nối phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 5.9 hội nghị lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch với chủ đề Liên kết phát triển bền vững đã được tổ chức tại TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động thuộc Diễn đàn Kết nối Du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL.

Lãnh đạo 14 tỉnh, thành ký kết ghi nhớ hợp tác liên kết phát triển du lịch

Nhiều tồn tại gây cản trở sự phát triển 
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đã xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL nên cần có sự kết nối toàn diện và bền vững giữa TP.HCM và ĐBSCL. Trong đó liên kết phát triển trong du lịch được nhận diện là một trong những đòn bẫy quan trọng cho sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của cả vùng. Tuy nhiên việc quy hoạch phát triển chưa có tính kết nối đồng bộ, thiếu phối hợp và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng. Thiếu và yếu trong kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trong cả 4 phương thức: đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không, mặc dù cả 4 loại hình đều tồn tại. Hạ tầng giao thông chậm phát triển không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và con người hàng chục năm qua đang là cản trở lớn nhất cho phát triển kinh tế, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của ĐBSCL và TP.HCM. Ngoài ra, còn nhiều tồn tại khác như thiếu và yếu trong việc xây dựng một thương hiệu du lịch liên kết vùng đặc trưng của 14 tỉnh thành; Tư duy phát triển thuận thiên vẫn còn tồn tại: khai thác thác những tài nguyên có sẵn, bán những thứ có sẵn mà không sáng tạo những thứ cần để bán cái mà du khách muốn; Chưa hình thành được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; Chậm hoặc còn lạc hậu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin…   
Đánh giá về tốc độ phát triển du lịch của 13 tỉnh thành ĐBSCL, ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng ĐBSCL có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên trong thời gian qua dù có nhiều nỗ lực từ năm 2011-  2018 tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế của 13 tỉnh thành ĐBSCL từ 1,4 triệu lượt khách lên đến 3,4 triệu chỉ tăng khoảng 13% và lượng du khách nội địa tăng từ 15 triệu đến 37 triệu, đạt tốc độ tăng trưởng 13,5%. Theo con số này thì tốc độ tăng trưởng không quá thấp, nhưng so với cả nước thì còn thấp và so với 14 tỉnh miền Trung thì số lượng khách quốc tế đến với 13 tỉnh thành ĐBSCL chỉ bằng 1/3.  “Du lịch của các tỉnh thành ĐBSCL phát triển còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng, thời gian khách đến còn ngắn, công tác xúc tiến, quảng bá còn yếu và chưa hiệu quả, nguồn nhân lực qua đào tạo còn thiếu. Trong những năm tới du lịch của Việt Nam phải phát triển rất cao, đến năm 2025 dự kiến sẽ đón khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Với mục tiêu lớn như vậy thì đối với ngành du lịch TP.HCM và ĐBSCL tôi đề nghị có mấy việc phải làm: phải hợp tác và nghiên cứu để hình thành mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả. Về sản phẩm du lịch, nếu tỉnh thành nào sản phẩm cũng na ná nhau thì rất khó, nên bên cạnh những cái chung đó thì mỗi địa phương cần có những đặc thù riêng và từ cơ sở này tạo ra các sản phẩm du lịch gắn kết, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng miền. Về vấn đề quảng bá xúc tiến, phải tập trung mọi nguồn lực để quảng bá hiệu quả, cũng như tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực”,  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo.
Phải liên kết để phát triển 
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên ngành, do đó sự thiếu đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng kinh tế, nguồn nhân lực đều tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch. Các ý kiến của lãnh đạo các tỉnh thành đều bày tỏ sự nhất trí cao về sự liên kết, hợp tác để phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Quang Dương- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, việc liên kết đã trở thành xu thế tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Trong việc liên kết này cần quy hoạch chuỗi liên kết du lịch Cụm các tỉnh thành phía Tây vùng ĐBSCL và TP.HCM, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng, nhằm giải bài toán trùng lắp giữa các địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hùng- PCT UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cần có chính sách ưu tiên xây dựng nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL. Sự đồng bộ này bao gồm cả cầu và đường, giao thông thủy- bộ, các bến xe, bến thủy, điểm dừng chân lên xuống khách. 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét sự liên kết hợp tác này rất đúng và mang tính thời sự, là sự liên kết mang tính bền vững, rất cần thiết và đầy hứa hẹn. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành phải tập trung vào việc phát huy các di sản văn hóa, con người để có những sản phẩm du lịch thật riêng. Phải tận dụng được công nghệ mới để tăng cường kết nối, để làm du lịch thông minh, như xu thế hiện nay chỉ cần điện thoại di động là có thể đặt vé, đặt chỗ… Bên cạnh đó, du lịch không chỉ là sự kết nối giữa ngành với ngành mà còn từ các địa phương với các địa phương, liên kết phát triển cần chú ý phát triển bền vững trong tương lai cả về số lượng lẫn chất lượng. Làm sao để du khách hài lòng hơn, tiêu tiền để có những trải nghiệm thú vị hơn, đặc biệt không chỉ là vấn đề môi trường mà con người phải là trung tâm, mọi người dân đều tham gia làm du lịch và được thụ hưởng từ du lịch.       
   Tiếp thu các ý kiến, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc kết Diễn đàn bằng hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo là “mở” ra những định hướng mới, những giải pháp cho những vấn đề được đặt ra và trăn trở. Do vậy hội nghị này rất có ý nghĩa cho những thành quả trong những năm tới. Đồng thời TPHCM sẽ tình nguyện làm thành viên ban tổ chức các sản phẩm, sự kiện du lịch của các địa phương vì TP.HCM có nhiều kinh nghiệm và có nhiều chuyên gia tham gia góp sức.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị

Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL lần thứ nhất xoay quanh 4 nội dung chính: Đầu tư xúc tiến thương mại vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển liên kết sản phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông và phát triển nguồn nhân lực. Trong phiên làm việc thứ nhất về kêu gọi đầu tư xúc tiến thương mại vào các  cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, giải trí du lịch. Có 51 dự án đầu tư vào TP.HCM, 36 dự án đầu tư vào 6 tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL và 92 dự án đầu tư vào 7 tỉnh cụm phía Tây ĐBSCL với tổng số vốn là 193.691 tỷ đồng được mời gọi đầu tư. Các nhà đầu tư và các địa phương bước đầu đã gặp gỡ và có những trao đổi khởi điểm. Ở phiên thứ 2 về liên kết phát triển sản phẩm đã có 15 lượt ý kiến trực tiếp từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhiều ý kiến qua phần mềm hội thảo không giấy của Sở Du lịch TP.HCM đã nêu những giải pháp mới nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển sản phẩm đặc trưng và liên kết vùng.    
Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch, Sở VHTTDL của 14 tỉnh, thành cùng ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM và Sở VHTTDL Đồng Tháp tiến hành nghi thức trao biểu trưng đăng cai tổ chức Diễn đàn lần 2 vào năm 2021 sẽ diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp. 

BẢO HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top